Sau khi sâm Ngọc Linh của Việt Nam bị “đè bẹp” bởi sâm cùng loại Trung Quốc, các chuyên gia mới nhận ra rằng thị trường nhân sâm đang vàng thau lẫn lộn. Không những vậy, nguồn sâm truyền thống từ Triều Tiên, Hàn Quốc tuy được quảng cáo là chính hiệu nhưng thực chất không phải vậy. Nhân sâm trôi nổi, bị rút ruột, sâm giả đang tràn lan trên thị trường.
Bán sâm như… khoai
Dạo qua một số cửa hàng thuốc đông y, đông dược trên đường Hải Thượng Lãn Ông, Lương Nhữ Học, Triệu Quang Phục (quận 5, TPHCM), hỏi mua nhân sâm đều được các chủ cửa hàng trả lời: bao nhiêu cũng có! Tại một cửa hàng trên đường Lương Nhữ Học, nhân sâm được trưng bày trong bao ni lông chỏng chơ trên kệ cùng với các loại dược liệu khác nhưng không ghi xuất xứ mà chỉ ghi giá ở bao bì.
Những loại nhân sâm được bày bán trông rất bắt mắt nhưng
việc kiểm soát chất lượng bị bỏ ngỏ.
“Sâm này chính gốc nhập từ Hàn Quốc về, có loại 5 năm tuổi, có loại 10 năm tuổi. Mua nhiều hay ít đều bán”, một chủ hiệu đông y quảng cáo. Nói xong, ông này kéo từ trong ngăn tủ ra một bịch to tướng đủ các loại nhân sâm to bằng ngón chân cái đã có mùi ẩm mốc. Thoạt nhìn trông có vẻ giống nhân sâm nhưng chẳng khác nào củ cải đã được phơi khô.
Ghé qua một cửa hiệu đông y khác, bà chủ cũng đon đả mời chào và giới thiệu vanh vách về các loại nhân sâm bà đang bày bán. Khi chúng tôi đề nghị mua nhân sâm về để nấu nước sâm lạnh bán, bà chủ hồ hởi chỉ một loại sâm “quảng cáo” là loại bán chạy nhất. Bà nói: “Chỉ cần mua 1kg thôi là về nấu được 3 nồi nước sâm lạnh. Tha hồ mà bán. Với lại, sâm này chất lượng, uống vô khỏe liền”. Đồng ý mua 1kg, bà gói sâm vào tờ giấy báo và không quên dặn dò: “Để tiết kiệm thì nấu 2 – 3 nước cho hết chất sâm bổ dưỡng. Hôm nào mua tiếp sẽ được giảm giá”…
Theo tìm hiểu từ một số lương y, những loại sâm bán ký này đều có xuất xứ từ Trung Quốc, thường là những loại sâm non tuổi đã được chiết xuất tinh chất, chỉ còn lại xác. Sau đó thương lái mua về, phơi khô hoặc để tươi, rồi đem bán. Thậm chí để cho nặng ký, không ít thương lái cho ngâm nước và để bảo quản được lâu họ còn ngâm tẩm hóa chất.
Khảo sát mới đây của Bộ Y tế và các ngành chức năng cho thấy “phố dược liệu” ở địa bàn quận 5, TPHCM có hơn 50% mặt hàng nhập lậu thông qua các cửa khẩu tiểu ngạch, không có nguồn gốc rõ ràng. Trong khi đó, hiện có tới 90% nguyên liệu thuốc đông dược được nhập từ Trung Quốc nhưng tất cả chưa qua kiểm định chất lượng.
Trong đợt kiểm tra về các mặt hàng dược liệu ở địa bàn quận 5 của Sở Y tế TPHCM mới đây cũng cho thấy, có đến 105 cơ sở kinh doanh dược liệu, mỗi cơ cơ sở kinh doanh từ 300 – 500 mặt hàng nhưng phân nửa trong số đó không được kiểm nghiệm chất lượng.
Vàng thau lẫn lộn
Trong vai người đi mua nhân sâm, chúng tôi được nhân viên của công ty P. – nơi nhập khẩu và phân phối độc quyền nhân sâm Triều Tiên ở đường Nguyễn Thông, quận 3 mời chào bằng những lời quảng cáo có cánh về nhân sâm Triều Tiên chính hiệu trị được nhiều bệnh.
Theo nhân viên cửa hàng này, nhân sâm ở đây được nhập từ Triều Tiên về nên khách hàng cứ yên tâm về chất lượng. Hỏi kỹ thì người bán hàng này mới đưa ra tờ quảng cáo về hàng chục mặt hàng nhân sâm như: cao sâm Triều Tiên, trà sâm linh chi, bạch sâm…với những công dụng hết sức đặc biệt.
“Cao sâm Triều Tiên chính gốc nguyên chất 100%, tốt cho người bị tiểu đường và cao huyết áp. Hay như trà sâm linh chi có tác dụng cân bằng huyết áp, chống suy giảm miễn dịch, tăng cường chức năng gan, chống dị ứng và ung thư…”, nhân viên bán hàng quảng cáo.
Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc vì không thấy nhãn mác phụ của nhà phân phối, bao bì ghi toàn ngoại ngữ, nhân viên này quả quyết: Đây là nhân sâm từ Triều Tiên 100%, nếu dùng không hiệu quả, cửa hàng sẽ trả tiền lại.
Tại một cửa hàng phân phối nhân sâm Triều Tiên khác ở trên đường Nguyễn Thông, nhân sâm cũng bày bán tràn lan, với giá… trên trời nhưng không ai biết được thực hư loại sâm đắt đỏ này có nguồn gốc từ đâu vì chẳng có lấy một bằng chứng nào để chứng minh xuất xứ.
Một chủ cửa hàng nhân sâm cho biết, củ hồng sâm 37,5gr có giá 598.000 đồng, còn loại bạch sâm 4 tuổi có giá 1,3 triệu đồng, 3 củ hồng sâm 6 tuổi ngâm trong bình rượu 2 lít có giá 3 triệu đồng. Người chủ cửa hàng này còn khẳng định: “Sâm nhập thẳng từ Triều Tiên về nên rất chất lượng và tốt cho sức khỏe”. ông còn khuyên đừng ham rẻ mà mua sâm ở “chợ trời” không khéo đã bị “rút ruột” các hoạt chất dược lý!
Theo TS Trần Công Luận, Giám đốc Trung tâm Sâm và dược liệu TPHCM, hiện thị trường nhân sâm rất bát nháo, “vàng thau lẫn lộn”. Hầu hết các loại nhân sâm được bày bán không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo TS Trần Công Luận, Giám đốc Trung tâm Sâm và dược liệu TPHCM, hiện thị trường nhân sâm rất bát nháo, “vàng thau lẫn lộn”. Hầu hết các loại nhân sâm được bày bán không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Chẳng hạn gần đây ở Kon Tum, Quảng Nam xuất hiện rất nhiều loại sâm được cho là sâm Ngọc Linh rao bán rất rẻ (chỉ 3-4 triệu đồng/kg), trong khi sâm Ngọc Linh thật của Việt Nam giá tới 8-10 triệu đồng/kg. Qua điều tra thì đó không phải sâm Ngọc Linh của Việt Nam mà của Trung Quốc.
Đồng thời qua kiểm nghiệm, loại sâm này có hóa chất bảo quản. “Thông thường, sâm của Triều Tiên, sâm Mỹ có chất lượng tốt nhưng cần xem kỹ nguồn gốc, chứng nhận chất lượng trước khi mua”, TS Luận khuyến cáo.
Còn bác sĩ Lê Hùng, Viện Y học dân tộc TPHCM, cho rằng ngay cả những người có nghề về dược liệu cũng khó đánh giá chất lượng nhân sâm bằng mắt thường. Do đó để người mua tránh ăn quả lừa, nên mua những loại sâm sau khi nhập về có giấy kiểm định chất lượng của trung tâm dược liệu.
Theo các chuyên gia về dược liệu, nhân sâm bày bán trên thị trường hầu hết đã bị “rút ruột”, lấy đi các dược chất quý, sau đó “trang điểm” lại bằng cách mua tinh dầu nhân tạo nhân sâm để ướp lại. Đối với những loại hồng sâm hay bạch sâm, việc “tút” lại khá đơn giản bằng cách thêm tinh dầu vào và dùng hóa chất tẩm màu để đánh bóng lại cho sâm. Thậm chí bằng thủ đoạn tinh vi, nhiều cửa hàng ngâm lại sâm trong lọ hóa chất để sâm nở to ra, mọng nước.
Hiện nhân sâm được liệt vào dạng thực phẩm chức năng thuộc quản lý của Cục Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế). Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng nhân sâm vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Bình luận (0)