Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nhập khẩu… nông dân nuôi bò

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong những dự án phát triển ngành sữa hiện nay, nhiều doanh nghiệp không những nhập khẩu bò sữa, công nghệ nuôi … mà “nhập” luôn cả nông dân nuôi bò.
Tour… nuôi bò!
Từ tháng 8/2009, những nông dân nuôi bò sữa đầu tiên của Hà Lan, đất nước có nghề nuôi bò sữa hơn 130 năm, được Công ty FrieslandCampina VN (FCV) đưa sang làm việc ở những hộ nuôi bò cung cấp sữa cho công ty này tại khu vực Đông Nam Bộ. Hình thức giống như những tour du lịch, và hành trang của những “du khách” này chính là kinh nghiệm nuôi bò.
Mô hình “nhập khẩu” nông dân đang phát huy nhiều hiệu quả
Những nông dân “nhập khẩu” này đa phần là người đã gắn bó nhiều năm với các trang trại bò sữa. Họ sẵn sàng chia sẻ kiến thức cho đồng nghiệp ở Việt Nam.
Tại mỗi hộ nuôi, những nông dân Hà Lan lưu trú 3 – 10 ngày mà không cần sự trợ giúp của phiên dịch. Sự bất đồng về ngôn ngữ đã không còn là trở ngại khi niềm đam mê chung của những con người này là nuôi bò, vắt sữa. Ngôn ngữ chung của họ chính là quan sát cách làm của nhau, trao đổi để tìm ra cách làm phù hợp, hiệu quả nhất.
Tương tự, nhiều tháng nay, người dân huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) quen với hình ảnh những “ông Tây” đội nón lá, xách giỏ đi chợ, hệt như người địa phương. Những nông dân này đa phần đến từ Israel, làm việc cho trại bò sữa của Công ty cổ phần TP sữa TH (TH Milk).
Khác với những du khách Hà Lan, đây đều là những nông dân làm việc cho những trại bò công nghiệp. Trại bò của công ty TH có khoảng 4.600 con, được nhập từ New Zealand và dự kiến có khoảng 48.000 con vào năm 2012. Trung bình mỗi khu trại nuôi ở đây có tới hàng nghìn con bò, nhưng việc quản lý chuyên nghiệp, thuần thục nên mỗi trại chỉ cần khoảng 10 chuyên gia và nông dân tham gia.
“Trăm hay không bằng tay quen”
Ông Lưu Văn Tân, Trưởng Bộ phận phát triển ngành sữa của FCV, thừa nhận, mặc dù doanh nghiệp này có hơn 70 cán bộ khuyến nông để hỗ trợ nông dân các kỹ thuật nuôi bò, vắt sữa nhưng họ vốn chỉ học nuôi bò chứ chưa từng nuôi bò. Kiến thức sách vở trong các khóa tập huấn không dễ được tiếp thu một cách dễ dàng. Để người nông dân tự làm việc với nhau, học hỏi nhau thì hiệu quả hơn hẳn.
Nông dân Nguyễn Văn Mưng, nuôi bò sữa tại Củ Chi (TP HCM) kể, ông từng được đồng nghiệp Jan Heida (Hà Lan), giúp chăm sóc đàn bò của gia đình bốn ngày. Ban đầu còn e dè, nhưng thấy “ông Tây” này dân dã quá, không nề hà từ việc tắm cho bò, vắt sữa… nên hai bên nhanh chóng thân thiết.
“Khi quan sát thấy cách làm của tôi không phù hợp, ông Tây ngay lập tức xắn tay áo vừa làm vừa hướng dẫn, từ chọn thức ăn, lên thực đơn, vệ sinh cho bò, rồi vắt sữa”, ông Mưng kể. Từ kiến thức của những khóa học ngắn ngủi này, bây giờ ông Mưng chăm sóc đàn bò chuyên nghiệp hẳn. Lượng sữa thu được cũng cao hơn so với cách làm cũ.
Còn bà Trần Thị Hoa, hộ nuôi bò tại Tân Phú Trung (Củ Chi), vẫn chưa hết ngạc nhiên trước cảnh “ông Tây” Hà Lan bế con bê mới sinh trong đàn bò của gia đình bà, cưng nựng hệt như một đứa bé. Bà còn học được nhiều điều bổ ích từ cách dựng chuồng nuôi, trồng cỏ cho bò… “là những thứ không khó, nhưng trước giờ mình không để ý”.
Quản lý trang trại tại TH Milk, ông Nguyễn Quốc Toản, thổ lộ, ông ngạc nhiên nhất là sự chuyên nghiệp của những nông dân ngoại. “Mình tự hào là đất nước nông nghiệp, nhưng vẫn phải học hỏi nhiều từ nông dân nước ngoài…”.
Nguồn: Đất Việt 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)