Từng là mặt hàng có lợi thế so sánh, ít đối thủ “ đủ sức áp đảo” so với những mặt hàng khác, nhưng bây giờ các doanh nghiệp vẫn ê ẩm khi nói tới 7/10 thị trường truyền thống giảm nhập khẩu cá tra vì mức tiêu dùng thay đổi và những bất cập như: 15 lô hàng bị cảnh báo vi phạm hàng rào kỹ thuật tại thị trường EU, 11 lô bị cho là nhiễm vi sinh và bốn lô gián đoạn chuỗi lạnh…
Góc nhìn từ cấp vùng
Ông Anton Immink, giám đốc chương trình nuôi trồng thủy sản, thuộc Sustainable Fisheries Partnership (SFP), nhận xét tại hội thảo “Biến đổi khí hậu tác động đến ngành thủy sản ĐBSCL” tổ chức tại trường Đại học Cần Thơ: công nghiệp nuôi cá tra ở Việt Nam đi khá nhanh, khá mạnh nhưng cần lưu ý những vấn đề ảnh hưởng tới phát triển bền vững.
Đặc biệt, theo ông, các nhà tiêu thụ ở EU, Mỹ quan tâm đến trách nhiệm xã hội, môi trường, xây dựng thương hiệu để sản phẩm đi ra thế giới.
Chế biến cá tra. Ảnh: Lê Hoàng Yến
|
Cá tra, dù có nhiều nỗ lực tìm kiếm cách tháo gỡ nhưng vẫn chưa có giải pháp bền vững.
SFP, từ năm 2007 đến nay, cùng với các chuyên gia khoa thủy sản trường đại học Cần Thơ nhiều lần tổ chức đối thoại với các nhà sản xuất, chế biến cá tra với hi vọng hình thành tiếng nói chung, xây dựng hệ thống sản xuất ở cấp vùng, tìm giải pháp khi sản xuất gặp bất lợi do biến đổi khí hậu.
Thực ra, đã có một Ban chỉ đạo cấp quốc gia để giải quyết những sự cố cho sản phẩm cá tra, nhưng chủ yếu chỉ nhìn lại sự vận hành của các bên.
Làm sao xây dựng chuỗi cung ứng bền vững? Ông Anton nhấn mạnh: “SFP tập hợp các thành viên: Wal-Mart, High Liner Foods, Fortune Fish Company, FPI, Seattle Fish Co… là cầu nối sản phẩm Việt Nam với thế giới dựa vào các nghiên cứu khoa học.”
SFP công bố những hồ sơ cấp vùng về nguồn lợi thủy sản, tổng hợp thông tin báo cáo khoa học công bố liên quan đến nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản; chứng minh tiến trình phát triển bền vững của vùng đánh bắt cá thông qua hỗ trợ chứng nhận MSC (chứng nhận đánh bắt thủy sản ở mức độ vùng).
Thị trường có nhiều thành phần tham gia, phải cùng nhau vừa khai thác vừa bảo vệ ở mức độ vùng.
Theo Anton, tạo mối liên kết giữa các bên liên quan, thúc đẩy các nhóm liên quan xây dựng tiếng nói chung của các tác nhân tham gia, biến những hội nghị bàn tròn hướng ngoại sau khi đã nghe tiếng nói của người nuôi, nhà chế biến, dịch vụ, người mua, nhà quản lý, các NGOs, nhà nghiên cứu.
Chi Lê từng là nơi sản xuất cá hồi đứng hàng thứ hai trên thế giới, nhưng không quản lý cấp vùng nên khi dịch bệnh lây lan, chất lượng sản phẩm và giá bán hàng giảm khiến nhiều nhà máy ngừng hoạt động, 15.000 công nhân mất việc, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 4% lên 8% trong vùng; mất thị trường xuất khẩu Mỹ và EU, chỉ số phát triển kinh tế giảm 28%…
Ngược lại, Scotland – nơi phát triển và quản lý cấp vùng, có lịch sử lâu dài giữa các bên liên quan từ năm 1980, xây dựng đối thoại về chính sách quản lý thủy sản, chấp nhận xây dựng và kế hoạch quản lý dịch bệnh cấp vùng- ISA (về dịch bệnh, dịch tể học, nguồn nước…) và đặc biệt, cá hồi Scotland làm người tiêu dùng biết tới nhờ thương hiệu.
Quản lý vùng với những nội dung: thời gian tác động, khử trùng, thực hiệc nghiêm túc các quy định vệ sinh, thực hiệc và phát triển các chương trình vaccin và chứng nhận, đảm bảo an toàn sinh học khi chuyển cá giữa các vùng với nhau…
Anton choi biết thêm: các nhà tiêu thụ đang quan tâm thương hiệu cho cá tra, họ sẽ so sánh các tiêu chuẩn nuôi cá tra ở các vùng, đánh giá tác động môi trường ở mức độ vùng, phối hợp quản lý dịch bệnh ở mức độ vùng; cải thiện thúc đẩy quản lý môi trường, thức ăn và dịch bệnh, thông qua đó cải thiện quản lý liên kết các trại nuôi, xây dựng quản lý các vùng nuôi đặc trưng trên cơ sở phối hợp bốn nhà và các tác nhân tham gia chuỗi”.
Nhà phân phối ở Anh yêu cầu
Ông Huw Thomas, giám đốc thủy sản nuôi và đánh bắt thuộc siêu thị Morrisons, cho biết kể từ cửa hàng đầu tiên thành lập vào 1899 tại Bradford đến năm 2012, Morrisons có 475 siêu thị phục vụ 11,5 triệu khách hàng, doanh thu 30 tỷ bảng Anh.
Nguyên tắc của siêu thị là sản phẩm phải có chứng nhận, phải làm cho nhà phân phối hiểu rõ tình trạng của nguồn cung cấp, đảm bảo tính hợp pháp, tính chuyên nghiệp trong quản lý của nông trại và tinh thần trách nhiệm của vùng đánh bắt, vùng nuôi nhằm giảm ảnh hưởng môi trường và số lượng các loài không phải đối tượng đánh bắt, phải bảo đảm nguồn cung cấp bột cá (chỉ 3% bột cá trong thức ăn cá tra đã bằng nửa triệu tấn cá), không hủy hoại sự bền vững của nguồn cung ( cá tạp).
Những bằng chứng tin cậy về chất lượng , chứng nhận chu trình/ chuỗi sản xuất rất quan trọng đối với các nhà nhập khẩu. Morrisons là thành viên hiệp hội thủy sản bền vững toàn cầu xác nhận các chuẩn tương đương giữa các tiêu chuẩn chứng nhận, nhưng cuối cùng, các vùng nuôi và nhà xuất khẩu của Việt nam phải chứng minh được rằng sản phẩm của chúng tôi bán là sản phẩm có trách nhiệm. Ông Huw Thomas đưa ra lời khuyên.
Ung” từ trong ruột
“Lai dắt” bóng trên sân, thoạt đầu là một đội hình “đầy tâm huyết” đẩy mặt hàng này ra thị trường thế giới, chỉ trong 10 năm, dù bị hàng rào kỹ thuật và bị đánh thuế thật nặng, mặt hàng cá tra của Việt Nam vẫn tạo ra ấn tượng mạnh cho người tiêu dùng toàn cầu.
Nhưng cuộc chơi ấy rối ren khi 70 nhà máy chế biến nhưng lại có tới trên 300 công ty thương mại xuất khẩu, lại mua bán chụp giựt, chào bán giá thấp, bán trước lấy tiền sau, chất lượng hàng hóa không cao, thậm chí tăng tỷ lệ mạ băng tới 30-40% khiến không chỉ cung- cầu bị nhiễu loạn khiến lợi ích sống còn của người sản xuất bị hủy hoại.
Năm 2012, sản phẩm cá tra xuất khẩu sang 142 nước thay vì 136 nước và vùng lãnh thổ, nhưng doanh thu chỉ đạt 1,744 tỷ USD, giảm 3,4% so năm 2011.
Những “sai lầm” khi nghĩ rằng sự ma mảnh có thể dễ dàng qua mắt cơ quan kiểm định của nước nhập khẩu khiến cho nhiều nơi nhập khẩu nhìn hàng của Việt Nam một cách đáng ngờ.
Nhiều doanh nghiệp còn bị bắt lỗi đã lạm dụng quá mức chất phụ gia giữ nước để tăng trọng lượng…
Chính những lời khen trước sự tự phát từ người nuôi tới việc tâng công nhiều kẻ đi rao bán đã làm cho nội tình của ngành hàng cá tra lộn xộn hơn.
Nhiều doanh nghiệp mua bán lập luận: tới nay cũng chỉ có thêm năm trại được cấp chứng nhận thủy sản bền vững từ Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC), cả nước mới có 13 trại (Đồng Tháp: năm, Tiền Giang : bốn, Cần Thơ và An Giang – mỗi nơi hai trại) được chứng nhận ASC.
Trong khi 5.910 ha mặt nước nuôi cá tra được Tổng cục thủy sản thống kê công bố tại ĐBSCL vào cuối năm ngoái, sản lượng 1.285.500 tấn, không biết đến chừng nào và phải làm gì để phần còn lại được chứng nhận là vùng nuôi trồng bền vững.
Những suy nghĩ không trùng khớp
Trong khi nhà tiêu thụ quan tâm đến tính bền vững và đó là thách thức lớn nhất của vùng nuôi thì người sản xuất “mắc tóc” với chi phí giá thành.
Ba tháng đầu năm 2012, giá cá tra 26.500-28.500 đ/kg, tín hiệu lạc quan chưa bao lâu thì cuối tháng 3.2012, giá giảm xuống mức 18.000 đ/kg rồi gượng lại mức 19.200-23.500 đ/kg trong khi giá thức ăn tăng từ 700-1200 đ/kg.
Cuối năm, 2012, giá thành sản xuất cá tra 23.000-24.500 đ/kg, nhưng giá bán từ 19.200 – 23.500 đ/kg.
Chi phí thức ăn chiếm trên 80% giá thành cá tra. ĐBSCL có 65/96 nhà máy sản xuất thức ăn cả nước, nhưng oái oăm thay, sân chơi giữa các nhà máy sản xuất thức ăn đã đẩy người nuôi cá vào cái thế chơi càng lớn thì càng trút tiền nhiều hơn vào khâu thức ăn, trị bệnh cho cá.
Năm ngoái, năng suất trung bình chỉ còn 274 tấn/ha thay vì 305 tấn/ ha như năm 2011. Mật độ nuôi 35-40 con/m2.
Chênh lệch giữa chi phí và giá bán đã ngốn cả nguồn tích lũy của nhiều trại nuôi cá từ những năm trước đầu tư trong năm 2012.
Sự tương phản trong bức tranh cá tra xuất khẩu là trong khi nhiều đơn vị có uy tín, có chứng nhận nuôi trồng bền vững làm không kịp hợp đồng thì có không ít đơn vị giảm giá để bán hàng vẫn không ai mua.
Nhiều công ty làm hàng có giá trị gia tăng thấp, không đạt chứng nhận… gần như thua lỗ. Chủ một doanh nghiệp chế biến cá tra ở khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ, cho rằng “khi việc phân loại, đo thực lực, điều chỉnh doanh nghiệp không được thì phải cảm ơn sự sàng lọc của thị trường.”
Lời khuyên như gió thoảng
Năm ngoái, ngày 28.2, tại Trường ĐH Cần Thơ, khoa thủy sản trường ĐH Cần Thơ, Tổng cục thủy sản (Bộ NN & PTNT) phối hợp với tổ chức Norad (Na Uy) tổ chức đối thoại về chủ đề “Liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ cá tra”, các chuyên gia Na Uy cho rằng vấn đề cốt lõi mà Việt Nam nên theo đuổi là chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và tập trung xây dựng thương hiệu, hình ảnh cá tra Việt Nam.
Bộ NN & PTNT cho biết, tại Việt Nam quy mô trang trại trên bốn ha chỉ chiếm 81%, diện tích các trang trại có quy mô trên 4ha chiếm 56%, người nuôi cá chỉ thu được lợi nhuận 0,1USD/kg, xu hướng này tăng dần trong chuỗi giá trị cá tra.
Mô hình liên kết mới xuất hiện theo chuỗi liên kết ở An Giang, Cty Hùng Vương, Cty Vĩnh Hoàn, Hoàng Long và các HTX, tổ hợp tác… nhưng chưa có hệ thống quản lý vùng nuôi như những nơi tiên tiến trên thế giới đã làm.
Các chuyên gia đưa ra lời khuyên: thương hiệu của cá hồi của Na Uy được xây dựng dựa trên chất lượng là chính, và tất cả người sản xuất, người chế biến đều phải tuân theo tiêu chuẩn chất lượng.
Na Uy từng tiếp thị từ nguồn cá tươi, sau đó đến nguồn cá đông lạnh, 14 công ty sản xuất, chế biến cá hồi cùng nhau liên kết tạo sản lượng chiếm 80% tổng sản lượng cá ở Na Uy.
Người nuôi, người chế biến, người xuất khẩu được khuyến khích dùng chung thương hiệu, 1% giá trị kim ngạch xuất khẩu được trích ra sử dụng cho tiếp thị (không có sự giúp đỡ từ chính phủ), Na Uy liên kết với các siêu thị để tạo các hợp đồng tiêu thụ lâu dài, mua các thông tin từ các công ty khảo sát thị trường, chính phủ cũng góp sức thông qua các đại sứ quán,…
Năm nay, SFP (tổ chức đã thực hiện 50 dự án cải thiện đánh bắt cá và phối hợp 300 dự án bền vững ( FIP) tiếp tục đưa ra lời khuyên: phát triển nuôi thủy sản ở mức độ vùng đòi hỏi trách nhiệm của các trại nuôi, các nhà chế biến, năng suất sản xuất, chất lượng nguồn nước, quản lý dịch bệnh; Đặc biệt , phải giảm mối nguy lây lan dịch bệnh, phải tăng cơ hội nghề nghiệp và sự công bằng sở hữu.
Lời khuyên này có giá trị như sự cam kết với các nhà nhập khẩu, nhưng như lâu nay người ta nói “Rất tốt, đúng lắm! Nhưng ai là nhạc trưởng?”
|
Theo Hoàng Lan
SGTT.VN
Bình luận (0)