Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Bệnh viện quá tải sau tết

Tạp Chí Giáo Dục

Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, lượng bệnh nhân tại TPHCM và các tỉnh lại ùn ùn đổ về các bệnh viện (BV) tuyến trên, tuyến cuối. Ghi nhận ngày đầu tuần 10-2 cho thấy nhiều bệnh viện đã hoạt động nền nếp trở lại nhưng vẫn luôn trong áp lực của điệp khúc quá tải.

Đua nhau tái khám

Mới 6 giờ sáng mà khu khám bệnh dịch vụ kỹ thuật cao của BV Bình Dân TPHCM đã chật kín người. Một bảo vệ được cắt cử đứng ra ổn định trật tự để bệnh nhân đăng ký tên tuổi và số thứ tự. “Em ở Bình Phước mới về hôm qua, sáng nay dậy từ 5 giờ để đến BV xin tái khám. Định khám xong chiều về luôn nhưng kiểu này chắc đến chiều mới đến lượt khám”, chị Hoàng Thanh Tú (ngụ Bình Long, Bình Phước) nói.

Rất đông bệnh nhi chờ khám bệnh tại BV Nhi đồng 2 TPHCM.

Đến gần 8 giờ, cán bộ Khu Khám bệnh dịch vụ kỹ thuật cao mới đến làm việc, hàng loạt bệnh nhân nhốn nháo chờ đọc tên, đóng tiền và nhận sổ khám. Đối diện khu dịch vụ kỹ thuật cao là khu khám bệnh bảo hiểm y tế của BV Bình Dân, một hàng dài người bệnh đứng ngồi lố nhố để đợi nộp sổ. “Do phía khuôn viên đã dẹp bỏ làm bãi đỗ xe nên bệnh nhân dồn ra đây hết, đông kịt thế này đây”, bác bảo vệ cho biết.

Theo bác sĩ Hoàng Vĩnh Chúc, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bình Dân, sau những ngày nghỉ tết, bệnh nhân bắt đầu đi tái khám trở lại. “Ngày thường, cao điểm khoảng 1.500 – 1.600 bệnh nhân mỗi ngày thì những ngày sau tết, mỗi ngày có 1.200 – 1.300 lượt bệnh nhân khám và điều trị nội trú”, bác sĩ Chúc nói.

Trong khi đó, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM đã rơi vào quá tải ngay từ những ngày sau tết. Dù trước tết đã giải quyết cho xuất viện về nhà ăn tết nhưng tại bệnh viện vẫn còn 450 trường hợp điều trị nội trú. Đến 10-2, tăng lên gần 600 trường hợp. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, những ngày sau tết, số lượt khám bệnh ngoại trú đã vọt lên 1.800 ca/ngày, chủ yếu là các bệnh nhiễm siêu vi, sốt phát ban.

Với số lượng bệnh nhân diện bảo hiểm y tế tương đối nhiều, những ngày sau tết, BV Nguyễn Trãi cũng bắt đầu có dấu hiệu quá tải trở lại. Theo BS Võ Văn Tiến, Giám đốc BV, nhiều bệnh nhân diện bảo hiểm y tế trước tết đã khám, nhận thuốc về uống thì nay hết thuốc nên tái khám.
Chen nhau đóng tiền khám bệnh tại Bệnh viện Bình Dân, TPHCM, sáng 10-2.

Với đặc thù là trị bệnh trẻ em, những ngày sau tết vốn dĩ luôn là những ngày quá tải đối với các BV nhi. Hôm qua, tại BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, hiện tượng quá tải xuất hiện trở lại. Theo các bác sĩ khoa khám của hai BV nhi đồng này, số trẻ đến khám đã tăng vọt hơn những ngày trước tết 10% – 15%, chủ yếu vẫn là các bệnh hô hấp, truyền nhiễm như sốt phát ban, tay chân miệng, tiêu chảy. Ngoài ra, số trẻ từ các tỉnh chuyển về cũng nhiều, chủ yếu là sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Trong khi đó, tuy năm Giáp Ngọ không được coi là năm “vàng” nhưng số thai phụ đến BV Phụ sản Mê Kong (quận Tân Bình) đã bắt đầu tăng đáng kể. Theo bác sĩ Lê Văn Hiền, Phó Giám đốc BV, số lượng thai phụ đến khám thai nhiều bởi sau những ngày tết, các bà mẹ muốn đi khám để xem thai nhi có phát triển, có lên cân hay có vấn đề bất thường gì không, các thai phụ chưa chích ngừa cũng tranh thủ chích ngừa. Còn tại BV Phụ sản Từ Dũ, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc BV, cho biết sau tết luôn là thời điểm bệnh nhân đông, kể cả khám thai và khám phụ khoa. “Những ngày qua dao động khám ngoại trú trên dưới 2.000 lượt bệnh nhân/ngày, không thua mấy những ngày cao điểm trước tết”, bà Thủy nói.

Đẩy mạnh giảm tải

Thực hiện chủ trương của Bộ Y tế, năm 2014 tiếp tục là năm trọng tâm mà Sở Y tế TPHCM cũng như các đơn vị BV trực thuộc triển khai các biện pháp giảm tải. Ngoài cải cách thủ tục hành chính, các đề án như luân chuyển y bác sĩ về cơ sở, chuyển giao kỹ thuật, mở rộng các khoa vệ tinh, bác sĩ gia đình được xem là những giải pháp chính. Với “thâm niên” quá tải của mình, BV Ung bướu TPHCM đã bước đầu có kết quả giảm tải đáng kể khi cuối năm 2013 đã đưa vào hoạt động khoa ung bướu vệ tinh tại BV Quận 2 quy mô 150 giường. Đây là khoa vệ tinh đảm nhiệm khám, chẩn đoán và điều trị nội khoa các bệnh lý ung bướu. Chỉ tiêu 1.300 giường nhưng thực kê chỉ hơn 600 giường, nhiều năm nay BV Ung bướu TPHCM luôn quá tải với khoảng 1.600 bệnh nhân nội trú.

Theo BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV, BV đã có các giải pháp giảm tải như xây dựng mạng lưới phòng chống ung thư cho các tỉnh phía Nam giúp bệnh nhân ở các tỉnh xa được điều trị ngay tại địa phương. Được phân công là BV chuyên khoa tuyến cuối phía Nam, BV Ung bướu TPHCM cũng đã chủ động tăng năng suất chuyên môn, đầu tư nâng cao cơ sở vật chất, triển khai các hoạt động dịch vụ, tăng cường cải cách hành chính… Với mô hình BV vệ tinh, khoa vệ tinh, ngành y tế TPHCM đã gặt hái nhiều thành công giảm tải đáng kể như BV quận Bình Tân có khoa khám nhi vệ tinh của BV Nhi đồng 1; BV Quận 2 có khoa khám nhi vệ tinh của BV Nhi đồng 2; BV An Bình có khoa chấn thương chỉnh hình vệ tinh của BV Chấn thương chỉnh hình…

Theo Sở Y tế TPHCM, năm 2013 đã có hơn 400.000 lượt bệnh nhân được khám ở các BV vệ tinh, khoa vệ tinh, giúp giảm tải nhiều cho các BV tuyến trên.

Trước Tết Nguyên đán, Sở Y tế TPHCM cũng đã làm lễ đưa 32 bác sĩ chuyên môn ở các lĩnh vực nhi, sản phụ khoa, nội tổng quát, ngoại tổng quát, chấn thương chỉnh hình, nhiễm, nhãn khoa, hồi sức cấp cứu… về luân phiên với thời gian công tác tối thiểu là 12 tháng tại 6 đơn vị BV quận, huyện còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực y tế như huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, quận 6 và quận 9.

Theo Sở Y tế TPHCM, trong giai đoạn 2013-2020, ngành y tế TP sẽ tăng cường bác sĩ từ tuyến quận huyện về tuyến phường, xã, thị trấn đảm bảo 100% trạm y tế đều có bác sĩ và trên 70% cơ sở y tế tuyến quận, huyện có cán bộ chuyên môn luân phiên từ tuyến TP về hỗ trợ. Đây là một phần trong việc thực hiện đề án luân phiên bác sĩ xuống cơ sở (Đề án 1816).

TƯỜNG LÂM (SGGP)

Bình luận (0)