Cuối tuần qua, đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vào Cần Thơ chủ trì hội nghị bàn về sản xuất và tiêu thụ lúa ở ĐBSCL. Chuyện cây lúa – hạt gạo ở ĐBSCL đang nóng hơn bao giờ hết khi lúa đông xuân (trúng mùa) làm ra không bán được, giá rớt thê thảm, người nông dân (ND) điêu đứng.
Lắng nghe tất cả ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng kết luận các nội dung quan trọng: Cần giảm diện tích trồng lúa, trước mắt là chuyển đổi 110.000ha đất trồng lúa sang trồng màu, các địa phương nghiên cứu thực hiện thật hiệu quả; đưa nhanh tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành và tăng thu nhập cho ND.
Cũng cùng với suy nghĩ như trên, nhưng GS.TS Võ Tòng Xuân – một nhà “lúa học” hàng đầu của ĐBSCL và cả nước – có cách diễn đạt khác. Ông cho rằng chúng ta không thể tiếp tục trồng lúa một cách “mù quáng”, cần phải chuyển sang trồng lúa “thông minh”. Điều này ND không thể làm được, mà phải có sự hỗ trợ của nhà nước, ngành lương thực, các nhà khoa học. Chúng ta không thể đem chào bán cái ta có, mà phải là cái thị trường đang cần. TCty Lương thực VN phải gồm những chuyên gia giỏi, có tâm, đi khắp thế giới để tìm thị trường cho lúa – gạo Việt Nam. Người ND phải sản xuất theo chuỗi giá trị với sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp (DN).
Khi có thông tin thị trường, người ta cần bao nhiêu gạo, thích gạo gì, khi đó sẽ quy hoạch cho các địa phương trồng các loại lúa cho phù hợp. Các DN và các nhà khoa học xác định quy trình VietGAP, GobalGAP áp dụng cho ND. “Khi DN đã nắm rõ thị trường nằm ở đâu, cần tiêu thụ loại lúa gì, họ sẽ thiết kế ra quy trình từ các khâu chăm sóc đến bón phân… để ND thực hiện. Sau đó, các DN tiến hành thu mua lúa của ND và thực hiện các khâu sau thu hoạch bằng công nghệ tiên tiến để cho ra thị trường những sản phẩm tốt nhất. Chúng ta không thể tiếp tục để ND mạnh ai nấy làm, phải đưa họ trở thành những “ND lớn” bằng cách tập hợp họ lại với nhau trên cơ sở gắn chặt với DN” – GS.TS Võ Tòng Xuân nói.
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang hiện đang thăm Nhật Bản, một trong những vấn đề Chủ tịch Nước rất quan tâm là cách thức ND Nhật Bản sản xuất nông nghiệp. Khỏi phải nói, đất nước Hoa anh đào đã đi đầu trong sản xuất nông nghiệp “thông minh”. Và nhiều quốc gia khác nữa đáng để ta học tập.
Thực tế cho thấy, đã có những nơi ND ĐBSCL trồng lúa theo quy trình VietGAP, GobalGAP, giá thành chỉ khoảng 2.200 – 2.800đ/kg, so với giá thành phổ biến hiện nay 3.800 – 4.000đ/kg. Trồng lúa “thông minh” đối với ND ĐBSCL – câu chuyện sẽ còn dài, nhưng chắc chắn phải là đích đến. Trồng lúa “thông minh” càng sớm, ND ĐBSCL càng mau thoát nghèo, vươn lên làm giàu, và ngược lại!
Nông dân đánh giá cao giống OM 108-200
Tại Trại giống cây trồng Long Phú (huyện Long Phú), Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng vừa tổ chức hội thảo đánh giá giống lúa vụ đông xuân 2013 – 2014. Hội thảo thu hút gần 500 nông dân (ND), cán bộ kỹ thuật nhiều địa phương khu vực ĐBSCL. Sau khi tham quan cánh đồng mẫu, kết quả giống OM 108-200 được ND đánh giá cao, bình chọn nhiều nhất. Đây là giống lúa có đặc tính chịu mặn; thích hợp với các vụ trong năm; kháng được bệnh đạo ôn, thối cổ bông, cứng cây; nở bụi nhanh, bông chùm to, tỷ lệ hạt chắc cao. Giống OM 108-200 có phẩm chất gạo tốt (hạt trong, mềm cơm), năng suất bình quân từ 7 – 9 tấn/ha. Nhiều giống lúa OM khác (OM 9582, OM 3673, OM 189, OM 7167…) cũng được ND đánh giá cao.
Tại hội thảo lần này, Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Sóc Trăng đã trồng khảo nghiệm trên 3ha với gần 60 loại giống lúa các loại được tuyển chọn từ các địa phương vùng ĐBSCL. Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Bắp – cán bộ kỹ thuật Trại giống Long Phú – hội thảo là cơ sở để trại chọn ra những giống lúa tốt đưa ra cho ND sản xuất nhân rộng. Sau khi nhận được phản hồi của ND về năng suất, chất lượng, trại sẽ tiếp tục sản xuất đại trà để ND trồng cho vụ lúa tiếp theo.
T.PÍCH (LĐ)
Bình luận (0)