Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tăng lương tối thiểu từ ngày 1.10: Doanh nghiệp và người lao động đều lo

Tạp Chí Giáo Dục

Việc tăng lương sớm hơn so với lộ trình là một chính sách đúng đắn, nhằm chia sẻ những khó khăn với NLĐ.

Tuy nhiên, cả DN và NLĐ đều tỏ ra lo lắng. DN thì khó khăn về nguồn tiền – trong đó có việc phải tăng số tiền đóng BHXH theo lương mới; trong khi NLĐ lại lo DN sẽ cắt giảm phần này, phần kia để bù vào lương. Bên cạnh đó, NLĐ còn lo ngại viễn cảnh giá tăng theo lương để rồi lương lại chạy theo giá.   
Lương tăng, tiền thực nhận có tăng?

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2011, tại các KCN Hà Nội đã xảy ra 35 cuộc đình công, chủ yếu là để đòi tăng lương. Điều đáng nói là các cuộc đình công này nổ ra ngay cả khi các DN đã chấp hành đúng theo khung bậc quy định của Nhà nước về lương tối thiểu. Đại diện các DN cho rằng họ đã bám sát vào quy định mức lương tối thiểu để trả lương cho NLĐ và luôn cho rằng mình đã thực hiện đúng pháp luật, ngoài ra không hề có một khoản trợ cấp nào. Thậm chí, nhiều DN đã trả cao hơn mức lương tối thiểu một chút dưới một số hình thức tiền tăng ca, thưởng năng suất…
Lương tăng, đời sống công nhân có tăng chất lượng? Ảnh: Kỳ Anh
Tuy nhiên, các chuyên gia đã chứng minh là với quy định về lương tối thiểu, cộng thêm các khoản chi trả thêm cho NLĐ thì NLĐ cũng chưa đảm bảo được mức sống tối thiểu. Đây là căn nguyên của các cuộc đình công. Trên thực tế, các DN cũng… thừa biết điều này. Vì thế sau khi công nhân đình công đòi tăng lương, hầu hết các DN đều đáp ứng. Mặc dù vậy, quy định về lương tối thiểu trở nên lạc hậu. Vì thế việc điều chỉnh tăng lương từ 1.10 là đúng đắn và phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay.
Song ngay trước thềm của đợt tăng lương – trong đó có việc xóa ranh giới giữa các loại hình DN thì cả DN và NLĐ đều có những lo ngại. Về phía NLĐ, số đông cho rằng đợt tăng lương này thực chất… chẳng thấm tháp gì so với tình hình lạm phát và giá cả hiện nay. Và điều khiến họ lo lắng hơn là thực chất trước đây và hiện nay, nhiều DN đã trả khoản tiền tương ứng với lương tối thiểu. Nay với quy định này, liệu sẽ có hay không tình trạng tăng kiểu… đối phó bằng cách cắt những khoản tiền thưởng, ăn ca, phụ cấp… để bù vào chính khoản lương tối thiểu được điều chỉnh tăng. Đây là lo ngại hoàn toàn có thật. Và khi đó, thực chất khoản tiền mà NLĐ nhận được có thể không thay đổi, hoặc nếu có tăng thì cũng không đáng kể. Nếu trường hợp này xảy ra, DN coi như đã đáp ứng và chấp hành các quy định của Nhà nước, trong khi đời sống NLĐ tiếp tục khó khăn vì lương tăng mà tiền thực nhận không tăng.
DN và NLĐ cùng lo ngại

Nếu như NLĐ băn khoăn thì DN cũng than khó. Đại diện nhiều DN cho hay, đúng là trong bối cảnh hiện nay, việc DN phải tăng lương cho NLĐ là cả một vấn đề nan giải. Câu hỏi chính vẫn là “lấy đâu ra tiền?”. Chính vì thế, đại diện một số DN cho rằng sẽ không ngoại trừ khả năng DN sẽ phải đối phó bằng cách “lấy khoản này – bù khoản kia” như nỗi băn khoăn của NLĐ. Thậm chí có DN còn lo lắng rằng sẽ phải “thắt chặt nhân sự” – mà thực chất là cắt giảm nhân công để có thể có được nguồn kinh phí để trang trải. Một đại diện phân tích: Việc tăng lương sẽ tác động mạnh đến khối các DN cần nhiều nhân công như may mặc, da giày, dệt may… Đối với các DN này, việc điều chỉnh đơn giá hàng hóa là không thể vì trong bối cảnh hiện nay, việc thay đổi điều khoản hợp đồng cũ hay tăng giá hợp đồng mới là rất khó. Thế nhưng việc tăng lương lại là bắt buộc.
Một điều lo lắng khác của DN và NLĐ là không chỉ khó khăn trong việc tìm nguồn kinh phí chi trả cho tăng lương, mà DN và NLĐ cũng gặp phải khó khăn vì số tiền phải đóng BHXH cũng tăng theo lương. Ví dụ trước đây, số tiền đóng các loại bảo hiểm của cả DN và NLĐ là lương tối thiểu nhân với số phần trăm tiền đóng bảo hiểm; thì nay do tiền lương tối thiểu tăng lên thì số tiền này cũng đội lên rất nhiều. Trong số này, áp lực tiếp tục đè nặng lên khối DN sử dụng nhiều nhân công.
Bên cạnh nỗi lo này, cả DN và NLĐ đều đứng trước nỗi lo chung là “giá chạy theo lương”. Theo chuyên gia kinh tế – TS Võ Trí Thành thì việc tăng giá theo tăng lương là hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu điều này là sự thật thì việc tăng lương cho NLĐ sẽ không nhiều tác dụng. Khi đó DN lại tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ NLĐ đình công đòi tăng tiền để đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
Chính vì thế, cộng đồng DN và NLĐ đều có chung kiến nghị là cần có những giải pháp hữu hiệu trong việc quản lý và kiểm soát giá. Bên cạnh đó, giải pháp bình ổn giá cho NLĐ cần được tính toán lại khi mà hiện nay hầu hết số hàng này được đưa vào siêu thị, thay vì đưa đến chợ các khu công nhân. Chị Lê Thị Thu – công nhân KCN Thăng Long cho rằng cách làm như vậy thực chất là bình ổn giá cho người giàu, vì chỉ có số đông người giàu mới mua hàng ở siêu thị, còn công nhân thì chẳng thể đi xa từ nhà trọ đến siêu thị và cũng không có tiền để vào siêu thị mua hàng bình ổn giá. Tất cả những điều này một lần nữa đặt ra bài toán khó cho DN và NLĐ là cách nào để “lương tối thiểu đảm bảo được đời sống tối thiểu”.    
NLĐ chỉ được lợi về… con số: Hiện DN đang trả lương cho NLĐ cao hơn với quy định mới của Nhà nước, nếu theo lương mới thì DN sẽ phải bù thêm từ 25%-30% tiền lương và 50% tiền BHXH, do vậy NLĐ hiện chỉ được lợi về con số. 
    Ông Nguyễn Quốc Lập  – GĐ Cty may tại KCN Phố Nối
Đặng Tiến
Theo Lao Động

 

 

Bình luận (0)