Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt

Tạp Chí Giáo Dục

Trong những ngày qua, tại chợ nông sản Đà Lạt (khu vực Trại Mát, phường 11), nhiều tiểu thương đã "biến" khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt. Đơn giản là vì khoai tây Đà Lạt bao giờ cũng được bán với giá cao hơn.

Khoai tây Trung Quốc tại chợ nông sản Đà Lạt. Ảnh: Saigongiaiphong

Câu chuyện này diễn ra từ nhiều năm qua, tuy nhiên đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ thương hiệu cho nông sản Đà Lạt. 

Có mặt tại chợ nông sản Đà Lạt sáng 6/11, phóng viên TTXVN ghi nhận hình ảnh một chiếc xe tải lớn vừa mới nhập khoai tây Trung Quốc về chợ, các tiểu thương nhanh chóng phân loại, đóng gói để tiện cho việc đưa đi làm "nhái". Bên trong các quầy hàng, nhiều người đang hối hả trộn đất đỏ với khoai tây Trung Quốc để “biến” thành màu khoai tây Đà Lạt. Sau khi tiến hành công đoạn rất đơn giản này, họ đóng gói sản phẩm và đưa đi tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác.
Thực tế cho thấy, tại thời điểm này, 1 kg khoai tây Trung Quốc nhập về Việt Nam chỉ có giá 5.000 – 7.000 đồng (chưa phận loại) nhưng sau khi "thay áo" thành khoai tây Đà Lạt sẽ có giá trên 30.000 đồng. Ông Dương Ngọc Đức – Trưởng phòng Kinh tế TP. Đà Lạt cho biết, đoàn kiểm tra liên ngành TP. Đà Lạt đã phát hiện một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh nhập 57 tấn khoai tây Trung Quốc về chợ Đà Lạt.

Theo ông Đức, hiện tại cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc xử lý khoai tây Trung Quốc giả khoai tây Đà Lạt, vì khoai được nhập về đều có giấy phép nhập khẩu và hiện cũng chưa phát hiện mối nguy hiểm từ khoai tây này. Về biện pháp xử lý, theo ông Đức, tới đây Ban quản lý chợ nông sản sẽ phối hợp với công an có biện pháp xử phạt các tiểu thương có hành vi gian lận thương mại, làm giả khoai tây Đà Lạt; tăng cường kiểm tra, xử lý các xe tải vận chuyển khoai tây đến Đà Lạt không đúng quy định. 

Chiều 6/11, ông Nguyễn Văn Minh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Để ngăn chặn tình trạng “hô biến” khoai tây Trung Quốc thành khoai tây đặc sản Đà Lạt, cần tuyên truyền nâng cao ý thức của người tiêu dùng và các tiểu thương. Việc gian lận thương mại của các tiểu thương không những ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu rau Đà Lạt mà còn gây thiệt hại cho nông dân trồng khoai tây ở Đà Lạt”. Về vấn đề kiểm tra chất lượng khoai tây, ông Minh cho rằng, hiện nay, các hợp tác xã, doanh nghiệp có liên kết tiêu thụ nông sản trên địa bàn đã cam kết sản xuất đúng theo hợp đồng và tiêu chuẩn (như VietGAP, Global Gap…). Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã kiểm soát được chất lượng nông sản (trong đó có khoai tây Đà Lạt) khi xuất đi cho các siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh, còn khi khoai tây được các tiểu thương bán lẻ thì khó kiểm soát chất lượng. 

Theo số liệu thống kê, diện tích khoai tây của toàn tỉnh Lâm Đồng hiện đạt trên 1.700 ha, năng suất bình quân 21 tấn/ha, trồng tập trung chủ yếu tại Đà Lạt, Đức Trọng, Lạc Dương và Đơn Dương.

Đặng Tuấn

Theo Bao Tin Tuc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)