Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Đưa tiểu thương “đến trường đại học”

Tạp Chí Giáo Dục

Tiểu thương những khu chợ trung tâm có khách nước ngoài đến mua sắm rất cần được nâng cao kỹ năng bán hàng. Ảnh: Công Bằng.

Chiều 10.6, chị Đỗ Thị Phương Lan – tiểu thương chợ Vườn Chuối – tất tả dọn hàng sớm hơn mọi khi để đi học kỹ năng bán hàng tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM. Cùng "cắp cặp đến trường đại học" như chị Lan còn có 160 tiểu thương đến từ 5 chợ khác nhau trên địa bàn TP.

Đây là lần đầu tiên, các tiểu thương các chợ truyền thống trên địa bàn TP được đào tạo kỹ năng một cách bài bản do Trường ĐH Kinh tế TPHCM phối hợp với Ngân hàng Sacombank thực hiện.

Mặc dù nội dung đào tạo có vẻ rất quen thuộc như cách chào mời, kỹ thuật niêm yết giá, sắp xếp hàng hóa,… nhưng số lượng học viên đăng ký đã vượt quá dự định ban đầu của BTC bởi "quen vẫn phải học để chuyên nghiệp hơn". Chị Lan lý giải: "Tôi đã buôn bán hàng chục năm trời, trong đó có bốn năm bán sạp hàng trong chợ, nhưng các kỹ năng bán hàng chỉ là tự phát, có học vẫn tốt hơn".

PGS-TS Trần Hoàng Ngân -Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM – cho biết: "Chương trình đào tạo hoàn toàn miễn phí được kéo dài trong 6 tháng và chia thành ba giai đoạn. Chương trình chú trọng đến các hoạt động thảo luận nhóm và chia sẻ kinh nghiệm thực tế giữa các tiểu thương".

Cụ thể, giai đoạn 1 đang được tổ chức đào tạo thí điểm cho tiểu thương các chợ Bến Thành, Vườn Chuối, An Đông, Bình Tây và Xóm Chiếu. Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục tiến hành ở các chợ nội thành khác và giai đoạn 3 tổ chức cho các quận vùng ven, huyện ngoại thành.

Ông Nguyễn Văn Đua – Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM – đánh giá cao ý tưởng của Trường ĐH Kinh tế TPHCM. Ông Đua phân tích: "Chất lượng nguồn nhân lực bán lẻ trong hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nhận được nhiều sự quan tâm. Trong khi các tiểu thương ở chợ truyền thống cũng nằm trong hệ thống này lại chưa được đào tạo bài bản. Nếu tiếp tục giữ cung cách làm việc như hiện nay, vai trò của tiểu thương sẽ dần mờ nhạt so với các siêu thị, hệ thống bán lẻ khác".

Trong 5 tháng đầu năm 2009, lượng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong hệ thống siêu thị SaiGon Co-op có xu hướng tăng cao so với năm trước. Như vậy, người tiêu dùng tại TP đang tạo dần thói quen mua hàng tiêu dùng thiết yếu trong siêu thị thay vì tìm đến các chợ truyền thống.

Bà Lê Thị Mỹ Dung -Giám đốc Khối cá nhân của Ngân hàng Sacombank – nhận định: "Chính chương trình tập huấn kỹ năng bán hàng cho các tiểu thương chợ truyền thống sẽ giúp họ tiếp cận phong cách bán hàng chuyện nghiệp hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh".

Ông Nguyễn Văn Đua đề nghị sau khóa đào tạo, Sở Công Thương và Hội LHPN TP sẽ phân tích hiệu quả chương trình, đánh giá của các học viên để nhân rộng mô hình. PGS-TS Trần Hoàng Ngân còn có tham vọng "mời các tiểu thương nước ngoài đến TPHCM để chia sẻ kinh nghiệm bán hàng với các tiểu thương trong nước".

 
Vinh Hải (laodong)

Bình luận (0)