Trong hơn 50 công ty, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nhân sự (DVNS), hiện có nhiều doanh nghiệp (DN) 100% vốn nước ngoài. Đây thật sự là một thử thách đáng ngại cho các DN Việt Nam…
Trong hơn 50 công ty, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nhân sự (DVNS), hiện có nhiều doanh nghiệp (DN) 100% vốn nước ngoài. Đây thật sự là một thử thách đáng ngại cho các DN Việt Nam khi mà DVNS “ngoại” không chỉ “đổ bộ” trực tiếp, nắm bắt thị phần NS cao cấp mà có thể vươn tay tiến vào phân khúc lao động (LĐ) phổ thông, vốn là thế mạnh của DVNS “nội”
Thị trường lao động TP.HCM đã trở thành trung tâm (TT) sôi động nhất cả nước về loại hình DVNS. Xuất phát từ vài TT giới thiệu việc làm, TP có lúc “nở rộ” các mô hình môi giới với sự hiện diện của hàng trăm đơn vị làm DV. Trong số trên 50 công ty, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này, hiện có nhiều DN 100% vốn nước ngoài.
Kinh nghiệm – công nghệ và tài chính
Tại TP.HCM, DVNS VN xuất phát từ mô hình hoạt động thuộc các đoàn thể, xã hội với tám TT DV việc làm đầu mối. DV này nhằm hỗ trợ người LĐ có kênh tìm việc chính thức. Xuất hiện cùng các công ty DVNS nội địa (thành lập theo Luật DN) là các DVNS “ngoại” liên doanh liên kết với DN VN, thường đi kèm theo các ngành chuyên môn như tài chính, kiểm toán. Trong khi các DN Việt đang từng bước mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu thì cuộc “đổ bộ” của các công ty “ngoại” ngành DVNS đã khiến nhiều người giật mình. Đây thực sự là “cuộc chiến” của công nghệ – tài chính giữa “người khổng lồ” của các nước tiên tiến với người Việt “tí hon” vốn rất non trẻ trong ngành DV này. Một tập đoàn đa quốc gia 100% vốn nước ngoài được cấp phép hoạt động DVNS tại VN giới thiệu: “Kinh nghiệm trên 60 năm, có trên 4.000 văn phòng đặt tại 82 quốc gia và vùng lãnh thổ”. Ông Dương Xuân Giao (Giám đốc Công ty NetViet) từng có cơ hội tiếp cận với tập đoàn này nhìn nhận: “Quản trị NS là nghề đã có gần 100 tuổi ở các nước Âu Mỹ, quy mô tuyển dụng của họ lên tới 300-400 ngàn người/ngày. So với ngành DVNS của VN, họ lớn mạnh khủng khiếp”.
Nguồn nhân lực trẻ đang là đích nhắm của các doanh nghiệp DVNS "ngoại"
Ảnh chỉ mang tính minh họa – Phùng Huy |
Thế mạnh của DV “ngoại” trong ngành NS là tính hệ thống đã được trải nghiệm, với công nghệ cao và vốn liếng tích lũy. Không dừng ở DVNS, họ còn phát triển nhiều lĩnh vực, thu hút các quỹ đầu tư, nguồn vốn, trở thành nhà xưởng của các DN với quy mô 4.000-5.000 công nhân/xưởng, nhận chuyển giao công nghệ, đơn hàng sản xuất cho các tập đoàn, công ty đa quốc gia. Đặc biệt, thế mạnh của họ là các công cụ hỗ trợ tích cực bằng những phần mềm vi tính đã được áp dụng quy mô toàn cầu, trị giá hàng triệu USD, trong khi DN Việt vẫn còn loay hoay, chỉ riêng phần mềm tính lương đã là việc khó.
Anh Nguyễn Nam Hiến (CLB NS TP.HCM) nhận định: “Họ có nhiều lợi thế, trong khi DN Việt mới đi những bước đầu tiên”. Theo các chuyên gia NS, đây là một “cuộc chiến” đáng ngại cho LĐ VN khi mà DVNS “ngoại” không chỉ “đổ bộ” trực tiếp, nắm bắt thị phần NS cao cấp mà có thể vươn tay tiến vào phân khúc LĐ phổ thông vốn là thế mạnh của DVNS “nội”.
“Liệu cơm gắp mắm”
Công ty NetViet, một trong số DN NS đầu tiên tại TP.HCM, sau hành trình dài khai phá thị trường trong nước, tiếp cận từng bước với môi trường quốc tế, vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn. Theo ông Dương Xuân Giao: “Chúng ta phải liệu cơm gắp mắm và cạnh tranh bằng việc ổn định chất lượng, giá cả hợp lý. Theo đó, phải mạnh dạn đổi mới, xây dựng mối quan hệ đa chiều, dung hòa và hợp tác cùng phát triển với yếu tố “ngoại”. Đã có một số công ty NS trong nước sau thời gian gian nan khai phá thị trường đã bán thương hiệu, hoặc chuyển đổi, sáp nhập các DV, “nhường sân” cho công ty nước ngoài rồi mất dần tên tuổi. Đây thực sự là bài học kinh nghiệm cho nhiều DN. Thực tế, điểm yếu của DN VN trong lĩnh vực DVNS là tính đơn lẻ, thiếu sự liên kết, thiếu định hướng, tính chiến lược".
Nguồn lao động trẻ, cấp cao đang là đích nhắm của các công ty dịch vụ nhân
sự "nội" lẫn "ngoại"- Ảnh: Trần Tiến Dũng |
Ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc TT Dự báo nguồn nhân lực và việc làm TP.HCM) nhận định: “DVNS, tư vấn việc làm của các công ty nước ngoài phát triển nhanh, đa dạng, hoạt động chuyên nghiệp và thông tin bài bản, chủ yếu nắm thị phần LĐ cấp cao, đón đầu nguồn LĐ trẻ là SV các trường ĐH, CĐ. Bên cạnh yếu tố tích cực, giúp người LĐ có nhiều kênh tìm kiếm việc làm thì ở đây vẫn tồn tại những mặt không lành mạnh trong việc cạnh tranh, gây thiệt hại về thời gian và tài chính của người LĐ. Vì vậy, DV “nội” cạnh tranh trong lĩnh vực này cần kết nối nhiều nguồn thông tin, đầu tư nâng cấp nghiệp vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy thế mạnh tư vấn NS với tư vấn pháp luật, giới thiệu việc làm cùng với việc hướng dẫn quy định, chế độ chính sách Nhà nước. Bên cạnh đó là sự uyển chuyển trong vấn đề phí môi giới, tạo nhiều cơ hội việc làm cho LĐ”.
Nguyễn Bay / Phụ Nữ
Bình luận (0)