Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Hệ quả đau lòng từ tai nạn lao động

Tạp Chí Giáo Dục

Những nạn nhân của tai nạn lao động (TNLĐ) mà chúng tôi tiếp xúc dưới đây đều có chung một nỗi đau: mất sức lao động, phải sống dựa vào gia đình và tương lai mờ mịt… dù tai nạn đã xảy ra nhiều năm. Hiện nay, trên hầu hết các công trình xây dựng đều thấy khẩu hiệu “An toàn là bạn, tai nạn là thù”, nhưng vẫn không ít người coi thường tính mạng của mình, hoặc do bất cẩn, sơ ý nên đã mất đi sức khỏe, công việc và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Không dám sinh con

Mắc cái võng vào gốc cây trước sân nhà, ông Bùi Minh Quang (sinh năm 1962, nhà ở quận Thủ Đức) hướng mắt về phía ngôi trường cấp 2, nơi có tiếng nói cười của học trò trong giờ ra chơi. Đó dường như là thói quen hàng ngày của ông. Ông bảo: “Tôi không có con cái nên nghe tiếng tụi nhỏ cũng đỡ buồn. Gần 25 năm nay tôi chỉ biết đi ra đi vào trong nhà. Với thân thể này tôi đâu thể làm được gì”. Không phải ông và vợ không thể sinh con, nhưng vì bản thân bị TNLĐ không còn khả năng làm việc để có kinh tế gia đình, lo sợ sinh con ra không thể nuôi dạy và lo lắng tốt cho con nên vợ chồng ông bàn nhau đi kế hoạch.

Sau TNLĐ ông Bùi Minh Quang chỉ có thể làm những việc nhẹ nhàng.

Với đôi bàn tay bị cắt đến gần cùi chỏ bưng lấy ly nước để uống, ông nhớ lại cái ngày định mệnh xảy ra với mình. Hơn 24 năm trước, khi ông vừa 28 tuổi, cái tuổi đầy nhiệt huyết và say mê làm việc thì tai nạn xảy ra khiến ông vĩnh viễn mất đi đôi tay và cũng mất hết tương lai phía trước. Khi ấy ông đã rửa tay để chuẩn bị ra về thì thấy một công nhân đang chuyền sắt lên trên nhưng hơi khó khăn, ông liền đến giúp một tay. Vì công trình gần lưới điện trung thế nên thanh sắt trong tay ông bị phóng điện khiến 2 tay ông cháy đen. Không thể chấp nhận sự thật mình đã mất đôi tay, ông hoang mang, nản chí và nhiều lần nghĩ quẩn, nhưng được gia đình động viên và nhất là tình yêu của cô gái Trần Thị Lan, vợ ông hiện nay đã giúp ông vượt qua. “Hạnh phúc còn lại của tôi là bà ấy đã chấp nhận lấy tôi dù tôi đã thành tàn phế”, ông Quang nhìn vợ với ánh mắt đầy niềm vui. Từ một người có công ăn việc làm, nay vì TNLĐ ông không thể làm gì được, thậm chí phải có người phụ giúp những việc nhỏ trong cuộc sống, ông đâm ra ít nói và thu mình lại. Ước mơ bình dị ngày đó của ông là làm việc để tích cóp tiền rồi lấy vợ, sinh vài đứa con, ngày đi làm, tối về quây quần bên mâm cơm cùng cả nhà đã khép lại từ ngày ông vĩnh viễn mất đi đôi bàn tay.

Đảo lộn cuộc sống

Trao đổi với chúng tôi mà anh Trần Trọng Hậu (sinh năm 1968, nhà quận Thủ Đức) cứ nhớ trước quên sau. Cả tên vợ mình anh cũng chỉ nhớ tên Diễm chứ không nhớ được họ. Từ 7 năm nay, sau ngày anh bị TNLĐ do bị xe chở đá đâm trúng trong lúc đang lái xe cẩu, phải nằm hôn mê gần 20 ngày, gánh nặng cơm áo, gạo tiền cho cả gia đình đè nặng lên đôi vai vợ anh. Chị phải đi làm từ sáng sớm đến 9, 10 giờ đêm mới về đến nhà. “Ngày trước tôi đi làm có tiền, lo cho vợ và 2 con không thiếu thứ gì. Vợ chỉ ở nhà chăm sóc cho con. Vậy mà giờ cô ấy phải gánh vác trọng trách lẽ ra thuộc về tôi”, giọng anh Hậu trầm xuống. Với nửa hộp sọ bị vỡ, anh Hậu mất sức lao động 77%, trí nhớ suy giảm nên sau thời gian nghỉ để điều trị bệnh, anh có quay về công ty cũ cũng như đến nhiều nơi để xin việc làm nhưng đều bị từ chối. Từ một người khỏe mạnh, có công ăn việc làm với thu nhập cao, giờ anh chỉ ở nhà đưa đón con đi học và trở thành gánh nặng cho vợ.

Cùng hoàn cảnh, ông Nguyễn Văn Hiền (sinh năm 1952, nhà quận Gò Vấp) ngậm ngùi: “Vì tôi bị TNLĐ mà con gái phải dở dang ước mơ đại học để ở nhà phụ mẹ làm việc kiếm tiền lo cho gia đình. Nhìn con phải thức làm việc đến tận nửa đêm, tôi rất buồn nhưng không biết làm gì để con tiếp tục con đường học vấn. Nếu vào đại học, có lẽ cuộc sống của con sẽ khác hơn rất nhiều”. Sau tai nạn, ông Hiền đi lại khó khăn nhưng cũng cố gắng xin giữ xe cho các cửa hàng, trường học tư nhân ở gần nhà để có đồng vào đồng ra phụ giúp vợ. Với ông, vượt qua được tâm lý sau TNLĐ thật khó khăn, bởi cuộc sống đã hoàn toàn đảo lộn.

Thống kê của Sở LĐTB-XH TPHCM, trong năm 2013, TPHCM có 822 vụ TNLĐ, trong đó có 90 vụ gây chết người với tổng số người chết và bị thương là 867 người. 6 tháng đầu năm 2014, toàn TP đã xảy ra 645 vụ TNLĐ, làm chết và bị thương 646 người. Số vụ TNLĐ xảy ra nhiều nhất là trong lĩnh vực xây dựng, tiếp đến là tai nạn trong sản xuất công nghiệp. Chủ yếu tai nạn xảy ra tại các đơn vị vừa và nhỏ. Thường nguyên nhân dẫn đến TNLĐ là do chủ đầu tư tiết kiệm chi phí nên trang bị thiết bị lao động sơ sài, cộng với sự chủ quan của người lao động, lại không được đào tạo, huấn luyện về an toàn lao động nên rất dễ để xảy ra tai nạn.

THÁI PHƯƠNG

(SGGP)

Bình luận (0)