Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nếu bệnh nhân cúm A/H1N1 kháng thuốc, sẽ dùng thuốc thay thế

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 9/7, ông Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết: hai trường hợp dương tính cúm A/H1N1 sau 7 ngày điều trị chưa thể khẳng định có kháng thuốc hay không.
>259 ca nhiễm cúm A/H1N1 tại VN
Có nhiều giả thiết được đặt ra xung quanh hai ca bệnh này, đó là liệu có chẩn đoán, điều trị và xét nghiệm đúng không? Để trả lời câu hỏi này, buộc phải chờ kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của hai bệnh nhân này tại Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ. Viện này cũng sẽ xét nghiệm, tìm gen xem có kháng thuốc hay không?
Theo ông Kính, kể từ khi Việt Nam có ca nhiễm cúm A/H1N1 đầu tiên đến nay, Việt Nam đã có trên 250 ca nhiễm cúm. Phần lớn bệnh nhân sau 2 – 3 ngày điều trị đều hết sốt, các triệu chứng cúm giảm rõ rệt và xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với cúm A/H1N1. Điều này cho thấy, phác đồ điều trị của Bộ Y tế là hiệu quả.
Tuy nhiên, trước hiện tượng có bệnh nhân vẫn dương tính với cúm A/H1N1 sau 7 ngày điều trị và cũng là để rút kinh nghiệm điều trị sau hơn 1 tháng áp dụng phác đồ này, tuần tới, Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm về điều trị cúm A/H1N1 và sẽ lấy ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.
Về một số trường hợp kháng thuốc Tamiflu trên thế giới, theo TS Kính, điều này là bình thường vì thuốc Tamfilu cũng như bất cứ loại thuốc nào khác, như các loại thuốc kháng sinh đều có tỉ lệ kháng nhất định. Điều này không có nghĩa là Tamiflu mất tác dụng điều trị cúm A/H1N1 mà nó vẫn có hiệu quả cho số đông bệnh nhân.
Tại Việt Nam, đến giờ vẫn chưa thể khẳng định đã có trường hợp nào kháng thuốc hay chưa. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã có dự trữ thêm một loại thuốc cũng có tác dụng điều trị cúm A/H1N1, đó là thuốc Relenza để thay thế cho Tamiflu, nếu xảy ra tình trạng kháng thuốc.
Dù vậy, ông Kính khuyến cáo người dân không nên lạm dụng các loại thuốc kháng vi rút, phòng nguy cơ thuốc kháng trên diện rộng thì việc điều trị khó khăn hơn. Vì hiện nay, Tamiflu vẫn là loại thuốc điều trị cúm A/H1N1 hiệu quả và phổ biến trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. Còn Ralenza là một loại thuốc kháng vi rút xuất hiện sau thuốc Tamiflu. Hơn nữa, nếu có thói quen tùy tiện lạm dụng thuốc, sử dụng không đúng chỉ định thì ngay cả với những loại thuốc mới sau này cũng sẽ có nguy cơ kháng thuốc.
 Hồng Hải/dan tri

Bình luận (0)