Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Hít thở trong làn khói trắng

Tạp Chí Giáo Dục

"Không thể chịu nổi", đó là câu trả lời quen thuộc của hầu hết những người được hỏi khi phải tiếp xúc với khói thuốc lá thường xuyên.

Sự khó chịu ấy không chỉ đến từ phía chị em phụ nữ, mà ngay cả đấng mày râu không hút thuốc cũng khó chấp nhận việc phải “nạp” khói thuốc vào người.

Hút thuốc lá thụ động
Khái niệm này được hiểu đơn giản là “thở trong khói thuốc lá của người khác”, hay là hút thuốc một cách gián tiếp. Việc hút thuốc lá thụ động được ví như việc một người đang dùng khói thuốc “đã qua sử dụng”. Người ta có thể tiếp xúc với khói thuốc ở bất cứ đâu: công viên, văn phòng, nhà ở,… và phải hứng chịu những tác động có hại của nó.
Khói thuốc lá chứa hơn 4000 hóa chất, trong đó có 3 chất chính là nicotin, tar (nhựa thuốc – nguyên nhân chính gây ung thư) và cacbon monoxide (CO).
Theo các nghiên cứu đã được công bố, trong một điếu thuốc lá có chứa khoảng 200 ml CO. Nếu vào máu, nó sẽ làm giảm khả năng chuyên chở dưỡng khí của hồng huyết cầu và cũng gây tổn thương, xơ cứng thành mạch máu. Do đó, đối với những người bị suy hô hấp, việc hít phải khói thuốc lá sẽ khiến tình trạng bệnh lý trở nên trầm trọng hơn.
Hút thuốc lá thụ động cũng gây ra nguy cơ ung thư phổi, các bệnh lý về tai – mũi – họng cũng như các tác động không tốt lên hệ thần kinh (chứng tâm thần phân liệt,…). Năm 2005, trường Đại học Cambrigde, Anh, đã công bố kết quả nghiên cứu rằng: hút thuốc lá thụ động là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh mù lòa.
Ở một số nước, nguy cơ sức khỏe của phụ nữ chủ yếu đến từ việc hít phải khói thuốc của người khác, thường là nam giới. Tại Trung Quốc, nơi có khoảng 97% những người hút thuốc là nam giới, thì có hơn ½ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hút thuốc lá thụ động một cách thường xuyên. Như vậy, họ sẽ gặp nhiều nguy cơ về sức khỏe của bản thân và thai nhi (sinh non, ít sữa,…).
Trẻ em cũng là đối tượng có thời gian phơi nhiễm với khói thuốc lá lớn, phần nhiều là ở ngay chính ngôi nhà của các bé. Đối với trẻ nhỏ, hút thuốc lá thụ động sẽ gây ra tỉ lệ bệnh phổi cao, dễ bị tiểu đường, cao mỡ và tỉ lệ hút thuốc lá khi đến tuổi trưởng thành cũng cao hơn rất nhiều.
Việc hút thuốc lá thụ động còn gây hại cho sức khỏe của con người hơn nhiều so với hút thuốc lá chủ động, vì quá trình này chỉ có hít vào mà không có thở ra.
Những hình ảnh thiếu văn hóa như thế này vẫn thường gặp ở nơi công cộng.
Đâu là giải pháp?
Khi được hỏi về tác hại của việc hút thuốc lá đối với những người xung quanh, một người đàn ông (ông này nghiện thuốc lá nặng) đã trả lời rất nhanh: “Tôi biết. Nhưng đừng bắt tôi từ bỏ thứ tôi yêu thích nhất trên thế giới này”. Ông ta còn nói thêm rằng, ở cơ quan đã bị cấm, chẳng lẽ về nhà mình lại không được hút?! Nghe đức lang quân trả lời, bà vợ chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm: “Thôi thì kệ ông”.
Tuy vấn đề chính nằm ở những người hút thuốc lá nhưng chìa khóa giải quyết vấn đề lại nằm trong tay những người xung quanh họ. Nếu chỉ giữ thái độ bàng quan trước việc hút thuốc lá thì chính những người hút thuốc lá thụ động sẽ chịu nhiều thiệt hại nhất.
Theo hướng dẫn tại điều 8, Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO: “Không có ngưỡng an toàn cho việc hút thuốc lá thụ động”. Tạo môi trường 100% không khói thuốc là cách duy nhất để bào vệ con người không bị ảnh hưởng bởi hút thuốc lá thụ động.
Sự nhận thức về tác hại của hút thuốc lá đối với bản thân và với những người xung quanh là rất quan trọng đối với mỗi người. Tại những nơi công cộng, bất cứ ai cũng có quyền lên tiếng khi cảm thấy mình bị làm phiền bởi khói thuốc. Tỏ rõ thái độ không đồng ý của bạn đối với việc hút thuốc lá nơi công cộng sẽ khiến những người hút thuốc lá cảm thấy ngại ngùng. Từ đó, họ sẽ ý thức hơn về việc mình đang làm.
Ngay trong các gia đình có người hút thuốc lá, các thành viên cũng cần có ý thức nhắc nhở và khuyến khích việc bỏ thuốc. Chỉ khi nhận được sự quan tâm và chia sẻ từ những người khác, người hút thuốc lá mới có thể chuẩn bị đủ tâm lý để từ bỏ “khói trắng”. Giúp đỡ những người hút thuốc lá bỏ thuốc cũng chính là cách những người hút thuốc lá thụ động tự bảo vệ cho sức khỏe của chính mình.
Kim Anh / Gia Đình

 

 

Bình luận (0)