Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thâm Tâm với “Tống biệt hành”

Tạp Chí Giáo Dục

Tống biệt hành  là bài thơ tiêu biểu của thi ca Việt Nam và Thâm Tâm được xếp vào quyển Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh.
Năm 1948, ai lên chiến khu Việt Bắc, ghé thăm báo Vệ Quốc Quân đều gặp người thư ký tòa soạn, dáng nhỏ nhắn, da tái xám, thường hay đội chiếc mũ bê rê. Đó là nhà thơ Thâm Tâm, tác giả Tống biệt hành. Trong sinh hoạt thường ngày, Thâm Tâm là người kín đáo, ít bộc bạch tâm sự – đúng như bút danh của nhà thơ. Thâm Tâm, ngày cũng như đêm, trùm một cái chăn kín người ngồi làm việc chăm chỉ. Giữa đêm, thỉnh thoảng anh em thức giấc nhìn ra thấy bóng Thâm Tâm trùm chăn ngồi làm việc bên ngọn đèn dầu hiu hắt. Năm 1949, ta sắp mở chiến dịch lớn, nhà thơ Thâm Tâm được đồng chí Nguyễn Chí Thanh cử đi chiến dịch cùng với Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Vũ Cao… Trước khi lên đường, bỗng Thâm Tâm sốt nặng, nhưng anh vẫn kiên quyết lên đường. Nhìn anh lặng lẽ xốc ba lô lên lưng, lặng lẽ đi anh em càng lo lắng cho anh. Trước Cách mạng, Thâm Tâm sống rất tự do, duyên văn chương lộ rất sớm. Nhưng rồi vào kháng chiến, Thâm Tâm gần như ẩn mình. Mới hơn ba mươi tuổi mà bề ngoài của anh giống như ông già, tự rèn luyện mình hết sức nghiêm khắc, không bao giờ nhắc đến thơ mình ngày trước.
Hôm ấy, trước một tuần đi chiến dịch, nhà thơ Vũ Cao ngồi bên, đọc cho Thâm Tâm nghe lại Tống biệt hành. Đến đoạn: “Đưa người, ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng/ Bóng chiều không thắm, không vàng vọt/ Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”. Thâm Tâm im lặng nhìn xa xăm. Đến những câu: “Mẹ thà coi như chiếc lá bay/ Chị thà coi như là hạt bụi/ Em thà coi như hơi rượu say”, thì Thâm Tâm bật khóc không thành tiếng, hai mắt ướt, lệ chảy xuống mà không buồn lau. Rồi sau đó nhà thơ lại càng trầm lặng hơn. Dọc đường lên biên giới, Thâm Tâm vẫn đang cơn sốt. Khi tới Quảng Uyên thì Thâm Tâm bị sốt cao. Nhà thơ được đưa vào nhà sàn bản Nà Pô, sau đó được một chú liên lạc đêm ngày chăm sóc chu đáo. Thâm Tâm không trối trăn lại điều gì trước khi mất, ông được bà con chôn cất luôn tại bản Nà Pô.
TRÚC CHI

Bình luận (0)