Tạo điều kiện cho học sinh vận động sau giờ học, làm giảm mệt mỏi. Ảnh: I.T |
Mùa thi đang đến gần, việc học của con cái chính là mối lo của các bậc phụ huynh. Tâm lý “học cho bằng chị bằng em”, học để thi cho đỗ… của nhiều phụ huynh đã tạo nên áp lực căng thẳng cho con em mình. Điều đó dễ khiến các em lo lắng, dẫn đến kém ăn, mất ngủ, suy nhược cơ thể… Vậy làm thế nào để bảo đảm sức khỏe cho các em học sinh học và thi đạt kết quả cao nhất?
Lo quá hóa bệnh!
Sau Tết Nguyên đán, cháu Ngọc (Biên Hòa – Đồng Nai) có biểu hiện tâm lý khác thường như lo lắng, lười ăn, ít ngủ, đầu óc luôn trong trạng thái căng thẳng, cơ thể gầy xọp lại nên bố mẹ đã đưa cháu đến bệnh viện. Sau khi khám và làm một số xét nghiệm, bác sĩ kết luận cháu bị suy nhược cơ thể. Kê đơn thuốc xong, vị bác sĩ còn căn dặn là Ngọc cần được bồi bổ và nghỉ ngơi. Chị Trang – mẹ cháu Ngọc cho biết, Ngọc đang học lớp 12 nên lúc nào cũng tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT và thi đại học. Bước vào học kỳ 2, cháu lo lắng và càng học nhiều hơn trước.
Cũng giống như Ngọc, ngày thi càng đến gần, Trung (Thủ Đức – TP.HCM) càng lo lắng nhiều hơn. Thức khuya, dậy sớm và học bài với cường độ cao đã làm cho cơ thể em mệt mỏi, tiều tụy hơn trước.
Phụ huynh đóng vai trò quan trọng
Ngọc, Trung là hai trong nhiều trường hợp mà học sinh chuẩn bị bước vào các kỳ thi gặp phải. Khi con mình rơi vào trạng thái này, phụ huynh đóng một vai trò cực kỳ quan trọng giúp các em vượt qua. Trước hết, các bậc cha mẹ cần nắm bắt được trạng thái tâm lý, nhu cầu dinh dưỡng, cũng như tạo cho con những khoảng trống tinh thần cần thiết và đặc biệt là không gây sức ép đối với con.
Việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho con là điều cực kỳ quan trọng vì trong thời gian ôn thi, học tập với cường độ cao, cơ thể các em tiêu hao nhiều năng lượng. Ở giai đoạn này, cha mẹ cần tăng cường các loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng như thịt, cá, tôm, cua… cùng các loại rau xanh, củ, quả. Bên cạnh đó, nên cho các em uống từ 2 đến 3 ly sữa mỗi ngày. Có vậy, sức khỏe mới được đảm bảo và việc học tập cũng hiệu quả hơn.
Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với “sĩ tử”, song việc phụ huynh định hướng cho các em sắp xếp thời gian biểu học tập một cách khoa học, hợp lý cũng cần thiết không kém. Kinh nghiệm cho thấy, chuẩn bị bước vào mùa thi, trạng thái tâm lý của học sinh không ổn định, lo lắng, thậm chí là sợ thi nên các em hay bị rối. Do vậy, cha mẹ hãy quan sát và định hướng (chỉ là định hướng chứ không áp đặt) cho các em sắp xếp thời gian hợp lý để chú tâm hơn vào việc học. Tránh tình trạng các em đầu tư thời gian vào môn này nhiều, môn kia lại ít quá (có thể do đó là môn sở trường nên các em ham học, còn những môn không thích thì không muốn học).
Việc học tập căng thẳng tạo nên cảm giác mệt mỏi ở học sinh. Vì thế, thời gian ngủ của các em phải được đảm bảo, hoạt động vui chơi giải trí cũng không thể bỏ qua. Quãng thời gian thư giãn có thể là lúc các em hồi tưởng lại những gì đã học. Cha mẹ hãy là nhà tâm lý thực sự, tìm cách “giảm áp lực” cho con. Không nên áp đặt kết quả thi cử, chẳng hạn như: “con phải thi đạt loại giỏi, phải thi đỗ…” mà chỉ nên khuyến khích các em làm thế nào để đạt kết quả cao nhất. Cha mẹ cần hiểu và chấp nhận thực tế thông qua lực học của con. Trong trường hợp kết quả thi không được như mong đợi, chẳng hạn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT có kết quả không cao hay một số môn thi làm bài không được như mong muốn thì một mặt, cha mẹ cần chia sẻ, mặt khác động viên con mình kịp thời để các em chú tâm hơn cho những môn thi, kỳ thi tiếp theo. Nếu trách mắng, thậm chí nặng lời với các em chưa chắc đã cải thiện được tình hình mà đôi khi còn có tác dụng ngược.
Nguyễn Quế Diệu
Bình luận (0)