Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tẩy mụn ruồi: Coi chừng rước họa vào thân

Tạp Chí Giáo Dục

Helen Thanh Đào vẫn rất duyên với mụn ruồi trên mép (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Việc tẩy xóa mụn ruồi để tôn thêm vẻ đẹp thẩm mĩ là điều mà chị em phụ nữ thường hay làm. Tuy nhiên, nếu tẩy xóa không đúng cách sẽ có thể rước họa vào thân.

Khổ vì mụn ruồi
Với khuôn mặt khả ái, trắng trẻo, ai cũng tấm tắc khen vẻ đẹp trời cho khi đối diện với Phương Thanh (huyện Củ Chi, TP.HCM). Thế nhưng, điều làm Thanh cảm thấy không hài lòng khi cái mụn ruồi to bằng đầu bút ngự trị ngay gò má làm một số người đàm tiếu “nốt ruồi sát phu”. Thanh được một số bạn bè chỉ lấy mũi kim, khơi rách phần da nốt ruồi, sau đó lấy một lượng nhỏ axit màu trắng trong cục pin Con Ó bôi lên. Chỉ cần làm một lần chiếc mụn ruồi sẽ sưng lên, vỡ nước khô và bong đi. Thế nhưng, tác dụng chẳng thấy đâu, chỉ thấy khi sưng lên được năm ngày, Thanh bị ngứa và đau. Lúc này, Thanh phải nhờ đến can thiệp của bác sĩ thì hay vết thương bị nhiễm trùng.
Dở khóc dở cười như Thanh, Thúy Hằng (Q.Bình Tân) cũng đau khổ vì nhiều người nhìn vào chiếc mụn ruồi ngay khóe môi mà phán, con gái mà có nốt ruồi ngay mép là “đanh đá, đáo để”. Được các cô chỉ cho cách tẩy nốt ruồi vừa nhanh vừa rẻ cũng bằng cách lấy mũi kim khơi rách phần da nốt ruồi, bôi vào một tí vôi. Thấy việc xóa đi mụn ruồi “khó ưa” này thật dễ, Hằng nhanh chóng làm theo, hậu quả sau lần làm ấy, mụn ruồi bay đi nhưng vết thương do vôi làm bỏng để lại một sẹo lồi ngay khóe môi thay cho chiếc mụn ruồi duyên dáng xưa kia.
Mụn ruồi được tạo nên bởi các hắc tố. Mỗi người đều có các tế bào sản xuất hắc tố, khi các tế bào hắc tố này tập trung nhiều tại một chỗ thì tạo thành mụn ruồi. Mụn ruồi có thể xuất hiện khắp nơi trên cơ thể đa dạng màu sắc như màu đen, màu xanh đen, màu nâu hay màu đỏ và tập trung nhiều ở những vùng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời như tay, mặt, cổ. Thông thường, các mụn ruồi xuất hiện từ 6-12 tháng tuổi. Sau 60 tuổi thì nhạt dần màu và có thể biến mất. Số lượng trung bình từ 12-40 cái. Đối với mụn ruồi nằm dưới mặt da, màu sắc đồng nhất, giới hạn rõ là nốt ruồi bộ nối. Nốt ruồi gồ lên mặt da có lông là mụn ruồi hỗn hợp và mụn ruồi gồ lên mặt da, có lông nhưng màu nhạt là mụn ruồi bì.
Đừng tự rước họa vào thân
Hiện nay, không ít bạn trẻ tìm cách loại bỏ mụn ruồi bằng nhiều cách khác nhau như dùng mũi kim khơi rách da bề mặt nốt ruồi, sau đó dùng axit từ pin, vôi, thậm chí nhiều bạn còn dùng giấm để xóa mụn. Lượng axit này khiến vết thương tại mụn ruồi sẽ bị bỏng, sưng phồng lên, có màu đỏ tạo thành một mụn nước. Chỉ đợi mụn nước vỡ ra, vết thương khô lại và bong tróc phần màu đen coi như xóa được mụn ruồi. Thậm chí khi phá một lần không được, nhiều bạn còn phá thêm lần hai, lần ba. Bằng cách xóa này, mụn ruồi cũng có thể được xóa sạch, song không ít vết thương biến thành sẹo, thậm chí có thể bị nhiễm trùng bởi các tế bào bị hoại tử. Nguy hiểm hơn, nếu chẳng may tự ý tẩy xóa đúng mụn ruồi ác tính, bệnh nhân có thể tử vong do biến chứng. Những mụn ruồi ác tính là ổ chứa các tế bào ác tính có hình dạng không đối xứng, rìa nham nhở, màu sắc không đồng đều, lớn dần về kích thước, hoặc bỗng nhiên ngứa, chảy máu, rỉ dịch, đóng vảy hay những mụn ruồi mọc dưới gan bàn chân, dưới cằm thì có thể là mụn ruồi ác tính. Hay nếu bất ngờ có một mụn ruồi biến đổi màu sắc bất thường kèm theo sưng, ngứa, lúc này đòi hỏi bệnh nhân phải được can thiệp kịp thời của y khoa để được phẫu thuật, tìm ra các tế bào bất thường dưới kính hiển vi để chẩn đoán cắt bỏ, tránh trường hợp nắn, bóp hay va chạm mạnh. Việc tự ý tẩy mụn ruồi ác tính vô tình kích thích các tế bào ác tính lan rộng sang các vùng khác của cơ thể, ảnh hưởng đến sức khỏe. Biểu hiện thông thường như khi chẳng may tự ý tẩy mụn ruồi ác tính, bệnh nhân dễ gặp biến chứng như sốt cao, co giật dẫn đến sốc và có thể tử vong.
ThS-BS Nguyễn Văn Út
(Chuyên khoa II – Phòng khám da liễu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – TP.HCM)

Bình luận (0)