Nhiều nhà nuôi yến trái phép được xây dựng tràn lan tại các quận trung tâm TP.HCM đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Theo Chi cục Phát triển Nông thôn TP.HCM, hiện TP chỉ mới cho phép nuôi chim yến tại khu vực huyện Cần Giờ với hơn 100 hộ được cấp phép. Thế nhưng trong các khu dân cư trung tâm TP, nhiều nơi người dân vẫn nuôi một cách tự phát mà không bị cơ quan nào xử phạt.
Một cơ sở nuôi yến không phép trên đường D5 (phường 25, quận Bình Thạnh). Âm thanh của máy dụ yến ra rả suốt ngày. Ảnh: T.TÀI
Kêu trời vì ồn và hôi
Thời gian gần đây, các hộ dân sinh sống tại khu vực đường D5 (phường 25, quận Bình Thạnh) thường xuyên bị “tra tấn” bởi tiếng ồn phát ra từ các chuồng nuôi chim yến. Tiếng kêu inh ỏi suốt ngày đêm của máy phát âm thanh dụ yến khiến sinh hoạt người dân bị đảo lộn. Ông Nguyễn Văn Khả (một người dân trong khu vực) cho biết: “Từ 4 giờ sáng, chủ nhà đã bật máy phát, rỉ rả suốt ngày đến chiều tối mới ngưng. Khoảng cuối giờ chiều là thời điểm yến đi kiếm mồi về, phát ra loại âm thanh hỗn tạp làm náo loạn cả một khu dân cư. Gia đình tôi phải đóng chặt cửa đến ngăn âm. Khổ nhất là lũ nhỏ, không ngủ được”.
Một chủ quán nước trên đường D5 bức xúc: “Tiếng kêu của lũ yến và máy phát ra khiến căn bệnh đau đầu kinh niên của tôi càng tái phát nặng. Khách đến quán cũng không dám ngồi lâu vì tiếng ồn cứ át vào tai”. Có mặt tại nhà nuôi yến số B35 (đường D5, phường 25), cửa nhà đóng kín bưng nhưng chiếc máy phát trên tầng thượng vẫn liên tục phát ra âm thanh dụ yến. Nghe đến nhức đầu, ù tai. Căn nhà nuôi yến nằm giữa khu dân cư, phía sau Trường ĐH Giao thông vận tải khiến các sinh viên trường này cũng khốn khổ vì tiếng ồn. Được biết đại diện trường và các hộ dân trong vùng đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền yêu cầu dẹp bỏ nhà nuôi yến gây ồn ào, ô nhiễm.
Cũng chung tình trạng trên, các hộ dân ở cuối đường D2 (phường 25, quận Bình Thạnh) bức xúc vì tiếng ồn phát ra từ hai nhà yến. Mặc dù không nuôi với số lượng lớn nhưng chất thải từ chim yến bốc mùi, lan khắp một góc khu dân cư. “Mùi phân yến tích tụ lâu ngày tại các khu nuôi yến rất khó chịu. Buổi sáng đi tập thể dục, chúng tôi không dám đi vào khu vực này do sợ dẫm phải phân yến” – một người dân phản ánh.
Bên trong một ngôi nhà nuôi yến. Ảnh: T.TIÊN
Tại một căn nhà bốn tầng trên đường Võ Văn Tần (phường 6, quận 3), phần gác được dùng để làm nhà nuôi yến. Các tấm tôn màu xanh dựng đứng, khoét lỗ và đặt máy phát âm thanh dụ yến. Khoảng 16 giờ, khu vực này trở nên huyên náo, ồn ào bởi tiếng kêu của chim yến đi kiếm mồi về tổ. “Yến bay về từng đàn, phát ra âm thanh rất nhức tai. Nhiều khách du lịch hiếu kỳ đứng lại xem, còn người dân thì mệt mỏi vì tiếng ồn và mùi hôi bốc ra từ các nhà nuôi yến” – chị Nguyễn Thị Ngọc (một người dân sống trong khu dân cư) cho hay.
Theo đại diện Chi cục Phát triển Nông thôn TP.HCM, hiện tại nhiều khu nhà cao tầng ở trung tâm TP đang được tận dụng để nuôi chim yến. Các nhà nuôi yến không phép đang nở rộ tại một số quận như quận 9, quận 2, quận Tân Bình… Thời gian qua, chi cục đã nhận được nhiều đơn thư phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm và tiếng ồn phát ra từ các nhà nuôi yến trong nội thành.
Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh
Việc nuôi chim yến tự phát, không giấy phép tại các quận trung tâm TP đang khiến người dân lo ngại nguy cơ dịch bệnh tấn công các khu dân cư. “Không những gây ra tiếng ồn, ô nhiễm mà chim yến có thể mang theo các mầm bệnh truyền nhiễm cho con người. Chúng tôi vẫn thường phát hiện nhiều con yến chết nằm rải rác dọc đường, trên mái nhà… Khi đến báo với chủ nhà thì họ cũng chỉ ậm ừ chứ không nói rõ nguyên nhân vì sao yến chết, cũng không báo với cơ quan thú y đến kiểm tra” – anh Lê Xuân Hùng (đường D5, phường 25, quận Bình Thạnh) cho biết.
Ông Phạm Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết: “Hiện cơ quan thú y chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm gia cầm H5N1 trên yến nuôi nhưng không thể chủ quan cho rằng chim yến không mang virus gây bệnh cho con người. Việc nuôi yến trong khu dân cư là trái quy định, cần phải có biện pháp ngăn chặn và đề phòng dịch bệnh có thể xảy ra. Trước đó, các cơ quan kiểm dịch quốc tế cũng đã có khuyến cáo không nên cấp phép nuôi yến tại các điểm tập trung đông dân cư bởi nguy cơ dịch bệnh lây truyền là rất lớn”.
Ông Thảo cũng khuyến cáo khi phát hiện các cơ sở nuôi yến không được cấp phép trong nội thành thì báo ngay cho chính quyền địa phương để có phương án xử lý, tháo bỏ. Sở NN&PTNT TP.HCM đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn về việc giải quyết các hộ nuôi yến không phép ở trung tâm TP. Nhưng hiện cơ quan này vẫn chưa có quy định, công văn hướng dẫn cụ thể.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Quách Hồng Tuyến:
Nuôi chim yến phải theo quy hoạch
Không phải bất kỳ địa điểm nào cũng được nuôi chim yến mà phải theo quy hoạch. Đề án này được giao cho Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các quận, huyện. Chủ trương là không cho phép nuôi chim yến trong khu dân cư vì gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, tiếng ồn… Trong thời gian qua, tại TP chỉ có một số khu vực tại huyện Cần Giờ được thí điểm nuôi chim yến. Còn lại những điểm không thuộc quy hoạch thì không được phép nuôi.
Công trình xin phép xây dựng là nhà ở rồi biến tướng thành nhà nuôi chim yến hoặc kết hợp ở với nuôi yến là không được phép. Tôi cũng có nghe thông tin một số quận nội thành, nhà ở trở thành nơi nuôi chim yến để kinh doanh. Huyện Cần Giờ cũng báo cáo có những căn nhà không thuộc quy hoạch được nuôi yến nên lách luật, xin phép xây nhà nhưng không làm cửa và bố trí để nuôi yến. Việc làm này vừa sai về quy hoạch địa điểm được nuôi yến, vừa sai pháp luật về xây dựng và nhà ở. Công trình nhà ở không được tùy tiện biến tướng để sử dụng sai mục đích, sai công năng trong giấy phép ban đầu.
CẨM TÚ ghi
|
Theo TẤN TÀI
(phapluattp)
Bình luận (0)