Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Viêm nang lông: Đừng chủ quan mà bỏ qua

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cần lựa chọn một phương pháp điều trị phù hợp để nhanh chóng thoát khỏi chứng viêm nang lông. Ảnh: T.L

Thời gian gần đây, chân của chị Thiên Linh (P.4, Q.3) thường nổi những nốt sần đỏ, bên trong mỗi nốt sần là một sợi lông mọc cuộn tròn. Điều đáng nói là những nốt sần này gây ngứa ngáy rất khó chịu. Theo đó, chị Thiên Linh đã tới Bệnh viện Da liễu khám, tại đây BS cho biết chị bị viêm nang lông…
Bệnh thường gặp
Viêm nang lông là bệnh ngoài da thường gặp nhưng nhiều người không để ý. Cụ thể như trường hợp của chị Thiên Linh. Chị kể: “Khoảng 2 năm nay, chân tôi bắt đầu xuất hiện những nốt sần nhỏ li ti, bên trong có một sợi lông mỏng cuộn tròn. Bệnh không gây ngứa, nếu nhìn lướt qua cũng không mất thẩm mỹ nên tôi mặc kệ. Gần 5 tháng nay, bỗng dưng xuất hiện một số nốt sần màu đỏ, thậm chí có một số ít có mủ màu trắng đục. Đặc biệt là nó làm tôi ngứa ngáy chịu không nổi, có nhiều lúc tôi gãi chảy cả máu chân. Hai ống chân tôi bây giờ khá nhiều vết sẹo nhỏ chỉ vì gãi. Điều đó khiến tôi rất mất tự tin khi mặc quần lửng hay váy ngắn. Theo BS điều trị cho tôi thì nguyên nhân có thể là do tôi đã từng wax lông. Mấy năm nay, tôi có thói quen wax lông, trung bình 4-5 tháng tôi đi wax một lần. Sau mỗi lần wax nhìn chân trắng và mịn, tôi rất hài lòng. Song, chỉ khoảng một tháng sau là các nốt sần đỏ bắt đầu xuất hiện nhiều hơn…”.
Theo BS. Vũ Thị Thu Hương – Bệnh viện Vạn Hạnh (TP.HCM) thì: “Do trong quá trình wax, không làm vệ sinh kỹ, lớp sáp vẫn còn bám trên da. Và chính lớp sáp này đã bít các lỗ chân lông lại khiến chất bã nhờn không thể bài tiết ra ngoài, gây ra hiện tượng viêm nang lông”. Không giống như trường hợp của chị Thiên Linh là “bỏ tiền rước bệnh vào thân”, bệnh viêm nang lông của chị Quỳnh Quyên (P.Cần Kho, Q.1) xuất hiện không do tác nhân ở bên ngoài. Chị bị viêm nang lông từ khi còn học cấp 3. Bệnh không chỉ xuất hiện ở chân mà cả tay với chi chít những nốt sần.
Đừng chủ quan
Bệnh viêm nang lông xuất hiện ở những vùng da có lông như: Đầu, mặt, tay, chân, lưng… Có nhiều nguyên nhân gây bệnh. Có thể là do lớp sừng quá dày, sợi lông quá yếu và mảnh, nhổ, cạo không đúng cách, không có các bước chăm sóc kèm theo khiến lỗ chân lông bị tổn thương dạng nhẹ.Một số trường hợp là do vi khuẩn tụ cầu vàng hoặc tiếp xúc với các hóa chất như dầu mỡ gây bít tắc nang lông.Do vệ sinh kém gây tăng chất nhờn, thậm chí việc thường xuyên mặc quần áo bó sát cũng là nguyên nhân gây bệnh viêm nang lông.Bên cạnh đó cũng có không ít trường hợp mắc bệnh là do bẩm sinh, di truyền dị ứng.
“Viêm nang lông không khó chữa, nhưng cần giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, không mặc quần áo bó sát, áp dụng chế độ ăn uống nhiều rau quả tươi, uống 2 lít nước mỗi ngày. Song song đó phải lựa chọn một phương pháp điều trị phù hợp để nhanh chóng thoát khỏi bệnh”, BS. Nguyễn Thị Thu Thanh – Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết.
Đối với viêm nang lông dạng nhẹ có thể dùng cồn iod 2-3% để sát khuẩn, hiệu quả sẽ dần thấy sau một thời gian áp dụng. Còn đối với những trường hợp nặng hơn thì ngoài việc sát khuẩn với cồn iod phải uống thuốc kháng sinh theo chỉ định của BS, toa thuốc của bệnh nhân tùy thuộc tình trạng bệnh. Như trường hợp của chị Thiên Linh, BS vừa cho thuốc uống là Scanax (điều trị nhiễm trùng da), Allerstat 180mg, Destor 5mg (thuốc chống dị ứng) vừa cho thuốc bôi Fucidin H (được dùng trong điều trị viêm da).
“Sau 10 ngày uống và bôi theo đúng toa thuốc của BS, bệnh của tôi đã giảm đáng kể. Bệnh không còn gây ngứa, các nốt sần đỏ cũng giảm bớt”, chị Thiên Linh cho biết.
Còn chị Quỳnh Quyên thì chọn phương pháp tắm cám gạo 2-3 lần/tuần trong vòng 3 tháng, hiệu quả rõ rệt – không những nốt sần biến mất mà da còn mịn màng nữa…
Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)