Nghe những gì mà ông Trương Hải Tùng – trưởng phòng đào tạo nguồn nhân lực, bóng đá nữ, futsal và bóng đá phong trào – nói về bóng đá bãi biển, thoạt tiên rất thích; nhưng ngẫm kỹ lại mới thấy nó không “dễ ăn” chút nào…
Nhân sự kiện Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) đưa môn bóng đá bãi biển vào hệ thống thi đấu chính thức của quốc gia vào năm 2009, Tuổi Trẻ đã giới thiệu những nét cơ bản về môn thể thao này trên số báo ra ngày 9-11. Trong bài viết ấy, ông Tùng có cho rằng bóng đá bãi biển hấp dẫn và ít tốn tiền. Bên cạnh đó, với hơn 3.000km bờ biển, đó là ưu điểm cho môn này phát triển ở nước ta.
Những gì ông Tùng nói không mới, nếu nhớ lại câu chuyện của bóng chuyền bãi biển. Còn nhớ hồi năm 1995, tại bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) với sự kiện lần đầu tiên VN tổ chức Giải vô địch bóng chuyền bãi biển quốc gia, ông tổng thư ký Liên đoàn Bóng chuyền VN Hà Mạnh Thư cũng nói y như ông Tùng nói về bóng đá bãi biển! Tuy nhiên sau 13 năm, bóng chuyền bãi biển cũng èo uột dù có không ít công ty “nghe lời đường mật”, hoặc nhìn chuyện hay ho ở nước ngoài, đã bắt tay vào đầu tư nhưng tất cả đều thất bại.
Giải thích cái thua thảm hại của bóng chuyền bãi biển, nhiều chuyên gia lý giải như sau: sự hấp dẫn nhất của bóng chuyền bãi biển không nằm ở chuyên môn. Thậm chí nói thẳng ra là nó kém rất xa so với bóng chuyền trong nhà, vì có nhiều điểm hạn chế về kỹ thuật – chiến thuật, dẫn đến việc trò chơi này khá đơn điệu.
Sức hấp dẫn lớn nhất của bóng chuyền bãi biển chính là hình ảnh, khi giữa cát trắng, cạnh biển xanh là cuộc tranh tài của những chàng trai, những cô gái có hình thể tuyệt đẹp, những làn da rám nắng óng ả. Nhưng khi du nhập vào VN, sự hấp dẫn này đã không còn khi hình thể của các VĐV quá khiêm tốn. Chưa kể quý cô xinh tươi chẳng mấy ai chịu dang nắng để hi sinh làn da trắng trẻo của mình! Vì vậy, bóng chuyền bãi biển dù được cổ xúy rất dữ nhưng vẫn không thể phát triển mạnh mẽ ở VN – một đất nước có hơn 3.000km bờ biển như là một ưu thế mà các quan chức thể thao vẫn nói.
Tương tự bóng chuyền bãi biển, chúng tôi nghĩ khác với ông Tùng về từ “hấp dẫn” dành cho bóng đá bãi biển. Rõ ràng xem trên truyền hình, chúng ta không thấy được sự phong phú của bóng đá bãi biển. Nếu trên sân cỏ, người chơi bóng đá có thể sử dụng đầu và tất cả các điểm tiếp xúc của đôi chân (đùi, mũi bàn chân, má ngoài, má trong, lòng bàn chân, gót, mu bàn chân); thì trên bãi biển chỉ có “chiêu” duy nhất là hất bóng lên rồi “quất” vôlê bằng mu bàn chân. Chính sự hạn chế này khiến trò chơi bóng đá trên bãi biển đơn điệu, kém hấp dẫn. Chúng ta có thể lấy thêm ví dụ từ môn futsal (bóng đá trong nhà), cũng vì hạn chế về yếu tố kỹ thuật (chỉ sử dụng nhiều bằng gầm bàn chân, mu bàn chân, còn lòng, má trong, má ngoài hãn hữu mới sử dụng) nên nó không được đón chào mặn mà cho lắm.
Khuyến khích phát triển một trò chơi mới nhằm làm phong phú cho sinh hoạt thể thao là một điều nên làm, nhưng quan trọng hơn, nói được thì phải làm được, chứ không lại như futsal, đi trước nhưng về sau cả… bóng đá Lào.
TRƯỜNG HUY (theo tuoitre)
Bình luận (0)