Thế nhưng những đòn thế đẹp mắt cùng tinh thần võ đạo không biết từ lúc nào ngấm dần trong người anh theo năm tháng. Năng khiếu võ thuật cũng từ đó phát lộ. Mariusz bước vào con đường thi đấu chuyên nghiệp và đã đoạt 3 HCV tại các giải vô địch châu Âu.
Biểu diễn đòn đá apchabushigi |
Năm 1994, Mariusz chính thức làm huấn luyện viên tại Vacsava. Đây cũng là thời kỳ anh tốt nghiệp đại học quản trị xí nghiệp, một ngành học thật sáng giá. Nhiều công ty đến mời chào, cuối cùng anh đầu quân cho một công ty kinh doanh về dầu khí. Lẽ ra anh có thể trở thành một giám đốc điều hành giỏi. Nhưng tiếng gọi võ thuật như có sức cuốn hút ngày càng mạnh mẽ. Không cưỡng lại được, anh ghi tên theo học chương trình đào tạo HLV chuyên nghiệp. Bỏ lại phía sau những chân trời hứa hẹn, anh quyết tâm dấn thân vào con đường võ đạo, tập trung cho sự nghiệp phát triển ITF. Từ đây anh theo hẳn lĩnh vực huấn luyện và quản lý phát triển phong trào taekwondo.
Bước ngoặt một lần nữa có tác động rất lớn đến cuộc đời Mariusz khi anh được Liên đoàn taekwondo Phần Lan mời làm cố vấn kỹ thuật. Năm 2002 anh làm huấn luyện viên trưởng và năm sau taekwondo Phần Lan gặt hái huy chương vàng tại giải vô địch thế giới. Được tin cậy bầu làm chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Phần Lan (2003), Mariusz cũng đã di trú và định cư tại nước này. Anh đã cải tổ bộ máy làm việc, đưa cán bộ trẻ vào Liên đoàn, thúc đẩy sự phát triển cả mặt chuyên môn và phong trào ngày càng mạnh. Kết quả là trong 3 năm, bản đồ taekwondo châu Âu có sự thay đổi, với sự thăng hạng của Phần Lan đạt vị trí hạng nhì toàn châu Âu.
Hết nhiệm kỳ năm 2007, Mariusz không ứng cử để nhường lại vị trí chủ tịch và HLV cho lớp trẻ. Từ đây anh xin về làm việc tại tổ chức Liên đoàn taekwondo quốc tế (ITF) với khát vọng đi gieo hạt giống taekwondo ở các nước chưa có phong trào. Cũng cần nói rõ vào những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, tổ sư Choi Hong Hi đã có chương trình chuẩn bị đưa môn võ này quay trở lại châu Á. Mariusz được vinh dự có tên trong kế hoạch. Tổ sư đã mất và tâm nguyện của ông chưa hoàn thành. Theo phương án ban đầu, Mariusz dự định đưa môn võ này về dạy lại chính quê hương của nó là Hàn Quốc. Thế nhưng khi gặp võ sư Trần Triệu Quân, nghe theo lời khuyên của ông, Mariusz quyết định sang Việt Nam làm việc và huấn luyện phát triển phong trào tại đây.
“Đến Việt Nam là một cơ duyên. Tôi thật sự vui mừng khi đặt chân xuống một đất nước đầy những con người hiếu khách và luôn rạng rỡ nụ cười”, Mariusz nói một cách dí dỏm. Qua Việt Nam từ tháng 3-2009 đến nay, chỉ trong thời gian ngắn ngủi anh đã làm biết bao nhiêu việc. Đầu tiên là phụ tá cho ông Marano (chủ nhiệm ủy ban kỹ thuật và huấn luyện của ITF) nhằm cập nhật hóa những kỹ thuật mới, trang bị phương pháp sư phạm, phổ biến thể thức cùng điều kiện chương trình thi lên đai cho lớp huấn luyện viên.
Đến ngày 24-10 ITF sẽ tổ chức cuộc thi sát hạch cấp đai đẳng cho số học viên này để làm hạt nhân phát triển phong trào. Thời gian như đuổi theo sau bước chân, nhưng khi nhận được thư mời dự giải thân hữu quốc tế mở rộng tại Mỹ, Mariusz bỏ ra 2 tháng đào tạo và tuyển chọn cấp tốc đội tuyển đại diện cho VN dự giải hồi tháng 7-2009. Ba tuần trước, một nhóm vận động viên trẻ cũng đang tập trung ôn luyện để chuẩn bị tham dự giải vô địch thế giới tháng 11-2009 tại Argentina.
Mariusz không giấu giếm những dự án sắp tới nhằm thúc đẩy sự phát triển hơn nữa hệ thống ITF tại VN. “Chúng tôi chuẩn bị đi dạy tại các tỉnh, trước mắt là giới thiệu, phổ biến để tiến tới chương trình đào tạo quy mô. Song song đó, tôi sẽ đi vài nước láng giềng với những kỳ huấn luyện ngắn hạn”. Khi chúng tôi hỏi anh dự định ở lại VN bao lâu, không ngần ngại anh trả lời: “Đến năm 2010. Sau đó thì tùy… ITF”.
Vô Chiêu (theo thanhnien)
Bình luận (0)