Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Cái giá của khối C

Tạp Chí Giáo Dục

Trước tình hình tuyển sinh khối C ngày càng ảm đạm như hiện nay, có khá nhiều luồng ý kiến xoay quanh vấn đề này, sau đây Báo Giáo Dục TP.HCM xin gởi đến bạn đọc (đặc biệt là những bạn còn đang băn khoăn trước sự lựa chọn của mình) một cái nhìn và cũng là sự đánh giá của người từng gắn bó nhiều năm với công tác tuyển dụng nhân sự ở một tập đoàn về những cử nhân khối C.

Những mùa tuyển sinh CĐ – ĐH thời gian gần đây nhóm ngành Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) không còn sức hút đối với đông đảo thí sinh. Không thể phủ nhận những yếu tố khách quan dẫn đến hiện trạng này nhưng nếu xét riêng ở vấn đề cơ hội việc làm, có một thực tế là không ít người đang có suy nghĩ “xem thường” các nhóm ngành XHNV, đứng ở góc độ của người làm công tác tuyển dụng nhiều năm (Tác giả bài viết từng công tác tại TT Nghiên cứu nguồn nhân lực trực thuộc Sở LĐTB và XH tỉnh Vĩnh Phúc và hiện đang công tác tại Phòng Tổ chức hành chính, phụ trách tuyển dụng – đào tạo của tập đoàn Hoa Sen – PV), tôi thấy vấn đề này cần phải xem lại.
Là một đơn vị kinh doanh sản xuất đa ngành nghề, hàng năm công ty chúng tôi phải bổ sung một số lượng khá lớn đội ngũ nhân sự để đáp ứng nhu cầu công việc, trong số này có đến 50% những người học chuyên ngành XHNV được tuyển chọn. Nhiều vị trí chủ chốt của công ty hiện nay như giám đốc marketing, giám đốc nhân sự, trưởng phòng nghiên cứu thị trường, trưởng phòng hành chính, trưởng phòng pháp chế, các vị trí trợ lí…đều xuất thân từ “dân khối C” cả. Họ là những người từng học cử nhân Ngữ văn – truyền thông, cử nhân luật, cử nhân hành chính học, xã hội học, địa lí tự nhiên, địa lí xã hội, ngoại ngữ…thậm chí khi công ty mở rộng xuất khẩu hàng hóa qua một số nước Đông Á thì tìm kiếm được những người học chuyên ngành Đông phương học, Hàn Quốc học hay Nhật Bản học là rất hữu dụng. Có một điểm chung là, khi những người thuộc các chuyên ngành XHNV được sắp xếp làm việc đúng vị trí, họ vừa đảm bảo sự chu đáo lại vừa thể hiện được sự nhanh nhạy sáng tạo trong công việc, mặt khác những người này cón có một lợi thế rất lớn nữa đó là kĩ năng giao tiếp khá tốt, điều mà những người học các ngành kinh tế hay kĩ thuật lại hạn chế. Khi còn công tác tại Sở Lao động thương binh và xã hội, tiếp xúc với nhiều đại diện của các tổ chức phi chính phủ họ cũng thường ưu tiên tuyển dụng những cử nhân ngành XHNV với mức thu nhập khá hấp dẫn.
Học khối C ra trường bị thất nghiêp hay có việc làm nhưng mức thu nhập không cao đó chỉ là suy nghĩ của những người có tâm lí ỷ lại, không chủ động trang bị  cho mình những nghiệp vụ, những kĩ năng mềm cần thiết để có thể tự chọn cho mình những công việc phù hợp. Trên đây chúng tôi chỉ xét riêng ở các cơ sở kinh tế và các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài thì cơ hội có được một việc làm tốt của người học khối C hoàn toàn không thua kém những ngành học khác. Vấn đề đặt ra là Bộ Giáo dục và các trường ĐH – CĐ cần điều chỉnh nội dung đào tạo cho phù hợp, tránh lối học kiểu hàn lâm xưa nay mà thay vào đó là những môn học, ngành học gần gũi và hữu dụng hơn đối với xã hội. Chỉ có như vậy mới hi vọng thoát khỏi cảnh “đìu hiu” ở các nhành khối C như hiện nay. Mặt khác, người học cũng phải xác định rõ ràng mục tiêu nghề nghiệp khi chọn các ngành XHNV để theo học, tránh tình trạng không học được các khối khác thì nhảy qua khối C để học vì nếu như vậy thì ngay cả khi tốt nghiệp ra trường đương nhiên những người này khó có thể đáp ứng các tiêu chí của nhà tuyển dụng. Ngành học nào cũng cần thiết cho xã hội, khối thi nào cũng còn đó những giá trị của nó, vấn đề là cần sự thay đổi để mỗi ngành học ấy phù hợp với thời đại mà thôi.
 
                                                                            Đặng Văn Sỹ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)