Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tranh luận về điểm sàn

Tạp Chí Giáo Dục

 Trong khi các trường ngoài công lập đang mong muốn Bộ GD-ĐT sẽ xác định mức điểm sàn năm nay thấp hơn năm 2010, nhất là đối với khối A, thì thông tin từ bộ cho thấy dự kiến mức điểm sàn vẫn tương đương năm trước.
Điểm sàn ĐH từ năm 2005-2010Đồ họa: Vĩ Cương
Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã có công văn chính thức gửi Bộ GD-ĐT đề nghị hai phương án về điểm sàn ĐH, CĐ năm 2011. Trong đó có một phương án được đề xuất là bỏ luôn điểm sàn. Tuy nhiên, bản thân giữa các trường ĐH ngoài công lập vẫn chưa thống nhất được ý kiến về vấn đề này. Trong cuộc họp trao đổi về điểm sàn của đại diện một số trường ĐH ngoài công lập khu vực phía Bắc diễn ra ngày 5-8, nhiều quan điểm khác nhau về điểm sàn đã được đưa ra.
Không sàn, hai sàn và sàn thấp
Ông Lê Công Huỳnh, hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây, cho rằng “các trường ngoài công lập đang đứng trước nguy cơ đến một lúc nào đó sẽ “tan” trường do không thể tuyển đủ chỉ tiêu vì không có nguồn. Năm nay nhiều trường ĐH công lập đã xác định sẽ lấy từ điểm sàn, vậy còn đâu nguồn tuyển cho các trường ngoài công lập?”.
Cần nâng cao chất lượng đào tạo
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho rằng ngoài giải pháp kỹ thuật được áp dụng từ năm nay, các trường và thí sinh cũng phải có những giải pháp để tăng thêm cơ hội của mình. Đối với các trường, cần quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo và quảng bá hình ảnh để thu hút thí sinh.
Ông Huỳnh dẫn chứng bằng chính thực tế của trường mình: năm đầu tiên tuyển sinh được 700 chỉ tiêu, năm 2009 tuyển được còn 600, năm 2010 tụt xuống còn 400 thí sinh và năm nay sợ rằng đến 200 chỉ tiêu cũng không có mà tuyển.
Với quan điểm điểm chuẩn phải phụ thuộc vào thực tế nhu cầu xã hội, vào số lượng thí sinh có nhu cầu học tập ít hay nhiều của từng trường, ông Huỳnh đề xuất nên có hai mức điểm sàn khác nhau: điểm sàn cho các trường ĐH, CĐ công lập và điểm sàn riêng cho các trường ngoài công lập. Quan điểm này của ông Huỳnh nhận được sự ủng hộ của đại diện Trường ĐH Thăng Long. Đại diện trường này cho rằng bộ nên xác định một mức điểm sàn thấp hơn cho các trường ngoài công lập để các trường này có thể tăng thêm nguồn tuyển.
Nhưng ngay lập tức ông Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng, phản đối đề xuất này. Theo ông Nghị, việc đề nghị và chấp nhận có một mức điểm sàn riêng thấp hơn sẽ đồng nghĩa với việc “phân thành hai loại trường và các trường ngoài công lập trở thành những trường hạng hai”, trong khi các trường này đang “đấu tranh” để được bình đẳng với trường công lập. Ông Nghị cũng phân tích: phương án 1 trong bản kiến nghị của hiệp hội đã gửi tới Bộ GD-ĐT đề nghị bỏ điểm sàn chung, từng trường tự xác định mức điểm sàn riêng của mình là không hợp lý. Theo ông Nghị, làm như vậy sẽ mất đi tính chất quan trọng và cũng là ưu điểm của thi tuyển sinh “ba chung”.
Giải pháp tốt nhất, theo ông Nghị, là nên có một mức điểm sàn hợp lý, đảm bảo cơ hội tuyển sinh cho cả các trường ngoài công lập. Ông Hoàng Trọng Yêm, hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh, cũng không tán thành quan điểm có hai mức điểm sàn riêng. Còn ông Bùi Thiện Dụ, hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Phương Đông, đề nghị rõ bộ nên xác định một mức điểm sàn hợp lý để các trường tốp dưới có thể tuyển sinh, đảm bảo thực hiện được chỉ tiêu đã xác định.
Điểm sàn không thay đổi
Theo các trường ngoài công lập, Bộ GD-ĐT không nên cứng nhắc coi điểm sàn là biện pháp quan trọng để quản lý chất lượng đào tạo ĐH. Theo ông Đặng Văn Định – chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH dân lập Chu Văn An, điểm sàn là một giải pháp tốt, phù hợp với những năm trước đây nhưng đến thời điểm này thì không còn phù hợp. Đồng thời, đại diện các trường ĐH ngoài công lập cũng cho rằng cần nhìn nhận không có mức chuẩn hay cố định nào cho điểm sàn vì kết quả thi nói chung và điểm sàn nói riêng phụ thuộc vào đề thi. Trong khi đó hiện nay, kinh nghiệm làm đề thi tuyển sinh của Bộ GD-ĐT chưa tốt, mức độ khó dễ của từng năm khác nhau dẫn đến kết quả trồi sụt, năm nay thấp, năm sau cao cho thấy đề thi và điểm sàn chưa phải là thước đo chất lượng đầu vào để duy trì điểm sàn ở một mức ổn định.
Trong khi đó, về phía Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định trong bối cảnh hiện nay chưa thể bỏ được điểm sàn trong xét tuyển vì trình độ thí sinh vẫn có sự chênh lệch quá xa. “Muốn học ĐH, người học phải đạt một ngưỡng kiến thức nhất định. Khi trình độ thí sinh hiện nay còn đang chênh lệch quá lớn như vậy thì điểm sàn chính là ngưỡng để phân loại thí sinh – theo quan điểm của ông Ga – Mặt khác, mạng lưới trường ĐH, CĐ hiện nay chưa đủ quy mô đào tạo để tiếp nhận tất cả người học trong độ tuổi vào học ĐH. Do vậy, vẫn cần phải có sự sàng lọc để chọn được những học sinh có trình độ tốt hơn vào học”. Cũng từ hai lý do kể trên, ông Ga cho rằng thực tế trong xét tuyển ĐH, CĐ cũng đòi hỏi phải xác định mức điểm sàn hợp lý, không thể hạ điểm sàn xuống quá thấp.
Ông Ga tiếp tục dự báo nhiều khả năng điểm sàn các khối thi năm nay sẽ không thay đổi so với năm 2010 do thống kê bước đầu kết quả kỳ thi năm nay, có trường điểm cao hơn năm trước, có trường điểm thấp hơn nhưng phần lớn điểm thi của thí sinh tập trung ở khoảng trung bình. Với điểm thi từ 4 -5 điểm mỗi môn thì điểm trung bình ba môn sẽ xấp xỉ 13-14 điểm. Hiện nay, điểm sàn đang được cán bộ tuyển sinh, đào tạo của nhiều cơ sở đào tạo dự báo trên cơ sở mặt bằng điểm thi năm nay, sẽ lần lượt là khối A: 13, khối B: 14, khối C có thể là 13 hoặc 14, khối D: 13.
Theo THANH HÀ
(TTO)

Bình luận (0)