Người đoạt ngôi vị Hoa hậu nhận được vương miện và 500 triệu đồng, Á hậu 1 nhận 300 triệu đồng, Á hậu 2 nhận 200 triệu đồng. Đây được coi là mức giải thưởng lớn nhất trong các cuộc thi sắc đẹp Việt Nam từ trước tới nay.
Ngô Phương Lan đăng quang Hoa hậu Thế giới người Việt năm 2007. |
Ngoài ra, 10 gương mặt nhận giải thưởng phụ (Người đẹp ảnh, Người đẹp bãi biển, Người đẹp thể thao, Người đẹp thân thiện, Người đẹp du lịch, Người đẹp được khán giả yêu thích, Người đẹp áo dài, Người đẹp mặc trang phục tự chọn đẹp nhất, Người đẹp có phong cách trình diễn đẹp nhất, Người đẹp ứng xử) sẽ được trao tặng 30 triệu đồng mỗi giải. Mỗi thí sinh lọt vào vòng chung kết sẽ nhận giải khuyến khích 10 triệu đồng.
Trong buổi họp báo chiều 19/4, ông Lê Khắc Hiệp, đại diện Ban tổ chức cho biết, mức giải thưởng này là xứng đáng với công sức mà các thí sinh bỏ ra. “500 triệu đồng nghe thì lớn nhưng tính ra mới chỉ hơn 20.000 USD. So với các thí sinh từ nước ngoài về, đây không phải là số tiền lớn. Nó mang nhiều giá trị tinh thần hơn”, ông Hiệp nói. Ông cũng phủ nhận những thông tin cho rằng, Ban tổ chức Hoa hậu Thế giới người Việt đưa ra giải thưởng lớn nhằm cạnh tranh với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tổ chức gần như cùng thời điểm ở Quảng Ninh.
Ông Lê Xuân Thân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đơn vị đăng cai, cũng khẳng định, sẽ không có chuyện hai cuộc thi sắc đẹp chạy đua với nhau để có thí sinh tham dự. “Người đẹp Việt Nam không bao giờ ít. Chúng ta không sợ khan hiếm người đẹp. Hai cuộc thi, một ở Nha Trang, một ở Quảng Ninh sẽ làm tôn vinh nhan sắc Việt”, ông Lê Xuân Thân nhận định. Ông cũng cam đoan rằng, việc cấp phép cho hai cuộc thi Hoa hậu là hoàn toàn đúng với quy định của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vì chỉ có một cuộc thi trong nước là Hoa hậu Việt Nam còn Hoa hậu Thế giới người Việt mang tầm vóc quốc tế.
Ban tổ chức giải đáp thắc mắc của báo giới tại buổi họp báo chiều 19/4. |
Đối tượng tham dự Hoa hậu Thế giới người Việt là các nữ công dân Việt Nam và các nữ công dân quốc tịch nước ngoài nhưng có nguồn gốc Việt Nam, tuổi từ 18 đến 27. Thí sinh nước ngoài nếu lọt vào vòng thi ứng xử sẽ có phiên dịch. Ông Lê Xuân Thân cho rằng, đây là cách để đảm bảo bình đẳng giữa các người đẹp. Theo ông, cuộc thi có nhiều tiêu chí, trong đó ban giám khảo không yêu cầu quá cao về tiếng Việt, tránh tạo rào cản cho những người đẹp thuộc thế hệ Việt kiều thứ hai. “Tôi vẫn nhớ, trong chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt năm 2007, Teresa Sam đã khóc nức nở trên sân khấu vì không trả lời được câu hỏi của MC. Sau cuộc thi, hai mẹ con cô đã hứa với tôi sẽ cố gắng học tiếng Việt”, ông Xuân Thân kể lại. Ông cũng khẳng định, rút kinh nghiệm cuộc thi Hoa hậu Quý bà Thế giới, Ban tổ chức sẽ chuẩn bị thật kỹ cho công tác phiên dịch.
Cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt lần thứ hai được tổ chức với thông điệp: “Trí tuệ – sự đoàn kết – sắc đẹp của người phụ nữ Việt Nam trên toàn cầu”. Bắt đầu từ 25/4 đến trung tuần tháng 5, Ban tổ chức sẽ nhận hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi. Công tác sơ tuyển thí sinh trong nước được tiến hành tại 5 địa điểm là: Tuyên Quang, Hà Nội, Huế, TP HCM và Cần Thơ.
Đối với việc tuyển chọn tại nước ngoài, từ đầu tháng 6, Ban tổ chức sẽ tiến hành sơ tuyển và tổ chức thi bán kết tại 4 khu vực: châu Mỹ (Mỹ), châu Âu (Anh), SNG (Nga), và châu Á (Hàn Quốc). 36 thí sinh xuất sắc được lựa chọn sẽ tham dự vòng thi chung kết diễn ra tại khu Du lịch và Giải trí Vinpearl Land – Nha Trang – Khánh Hoà.
Ngọc Trần
Ảnh: Tuấn Anh (Theo VNE)
Bình luận (0)