Sinh viên Trường TC Khách sạn Nhà hàng Saigontourist tư vấn cho học sinh tại Ngày hội Hướng nghiệp – Việc làm do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: Q.HUY |
Theo dự báo của các trung tâm giới thiệu việc làm tại TP.HCM, nhu cầu lao động thời vụ trong những ngày sắp tới tiếp tục tăng sẽ có nhiều cơ hội cho sinh viên tìm việc làm thêm vào những ngày cận tết. Xoay quanh vấn đề này Báo Giáo Dục TP.HCM đã có buổi trò chuyện cùng ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Thường trực Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố, Sở LĐ-TB &XH TP.HCM.
PV: Thưa ông, trong hai tháng cuối năm 2010, thực trạng thị trường lao động tại TP.HCM sẽ chuyển biến thế nào?
– Nhìn vào thực trạng thị trường lao động, thông tin tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất kinh doanh (CSSXKD) trên địa bàn TP, có thể nhận định trong những tháng cuối năm 2010, thị trường lao động có nhu cầu việc làm ổn định và thời vụ cần khoảng 50.000 lao động cho hai tháng cuối năm. Đây là thời điểm các DN, CSSXKD sẽ cần tuyển nhiều lao động cho việc hoàn thành các đơn đặt hàng cuối năm. Đặc biệt, với ngành nghề dịch vụ – phục vụ và marketing sẽ có nhu cầu tuyển dụng rất cao đối với lao động thời vụ. Trong tổng số nhu cầu, lao động có trình độ ĐH, CĐ trở lên chiếm khoảng 25%; trung cấp, công nhân kỹ thuật chiếm 30%; sơ cấp nghề, lao động phổ thông chiếm 45%. Tuyển dụng lao động tập trung vào các nhóm ngành nghề: marketing, nhân viên kinh doanh, bán hàng, quản lý điều hành, dịch vụ – phục vụ, cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, hóa chất, chế biến lương thực – thực phẩm…
So với thời điểm cùng kỳ năm trước, con số về nhu cầu tuyển dụng trên có phải là tăng đột biến hay không? Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
– Nhìn nhận từ giờ đến cuối năm, rõ ràng về mặt thị trường lao động sẽ ổn định không có nhu cầu tăng đột biến. Bởi vì dù doanh nghiệp vẫn còn lo lắng về vấn đề lạm phát, bên cạnh đó là giá vàng, USD trên thị trường tăng giảm không theo một quy luật nào. Đặc biệt, thị trường lao động hình thành chưa gắn liền với sự phát triển kinh tế xã hội, đó chính là sự khập khiễng. Thị trường lao động mà trong đó các doanh nghiệp mong muốn có được lực lượng lao động ổn định đạt ở mức 55%. Vì vậy, thị trường lao động vào những dịp cuối năm bao giờ cũng thiếu lao động nhưng việc thiếu lao động còn có nguyên nhân đó là sức hút của các doanh nghiệp. Vì trước đây, người lao động luôn quan tâm tới vấn đề tiền lương, xem sức mình bỏ ra thì thu nhập có xứng đáng hay không? Còn bây giờ theo khảo sát của trung tâm, đa số người lao động quan tâm tới mức lương, thu nhập như thế nào để từ đó có cách trang trải trong tháng, cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy, việc trung tâm dự báo số lượng lao động trên để thấy con số không phải là tăng đột biến, mà là việc giữa cung và cầu đã bắt đầu “thấu hiểu nhau”.
Thưa ông, sự “thấu hiểu nhau” được giải quyết ra sao?
– Đặc điểm của tuyển lao động thời vụ trong năm nay như ngành may, thực phẩm… đều mong qua việc tuyển lao động sẽ lựa chọn được nguồn lao động ổn định cho kế hoạch phát triển trong những năm tới. Qua đó chứng minh giá trị sức lao động đang tăng lên, thị trường cung cầu bắt đầu hiểu nhau. Nếu trước đây doanh nghiệp hiểu theo hướng “tiêu cực”: sau khi sử dụng lao động thời vụ xong rồi “bỏ” rơi người lao động, bây giờ doanh nghiệp nhận thức được rằng, lao động thời vụ là một sự gặp gỡ để doanh nghiệp có thể chọn lựa. Bởi đây chính là quy luật. Còn nếu nhìn lao động thời vụ theo một cách giản đơn thì cả hai bên sẽ không bao giờ “gặp nhau”. DN, CSSXKD sẽ phát động tuyển lựa rất nhiều, qua đó làm biến động thị trường theo hướng tích cực. Bởi lúc này DN, CSSXKD không còn xơ cứng trong vấn đề tiền lương với người lao động mà là sự thỏa thuận của hai bên. Đây thực sự là điều đáng mừng! Nói cho cùng, trong thị trường lao động, khi sức lao động được hiểu đúng giá trị của nó sẽ cho một đáp án tích cực trong cung và cầu.
Vậy đặc điểm của thị trường lao động trong hai tháng cuối năm nay là gì?
Sinh viên tìm việc làm tại Ngày hội hướng nghiệp – việc làm do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: V.M |
– Đó là tuyển dụng lao động thời vụ song song với tuyển dụng lao động ổn định (nguồn lao động chất lượng cao). Chính doanh nghiệp muốn từ tuyển lao động thời vụ để lựa chọn ra được nguồn lao động ổn định. Qua đó có hai vấn đề cần phải đặt ra: DN hiểu lao động thời vụ là như thế nào? Vì lao động thời vụ có thể giúp DN trong một thời gian nhất định, giúp giải quyết được sự phát triển nhưng cũng là nguồn nhân lực lâu dài cho DN. Do đó, yếu tố quyết định thị trường lao động năm nay không phải là số lượng hay chất lượng, không phải là giả hay không giả mà chính là người sử dụng lao động và người lao động trong quá trình kết hợp với nhau để được hiểu về nhau kỹ hơn nhằm có sự lựa chọn dẫn đến một việc làm ổn định. Cuối cùng lao động thời vụ năm nay, có một tính chất quan trọng đó là sự chọn lựa lao động ổn định chứ không phải như những năm trước đó là làm 2, 3 tháng rồi chia tay. Kể cả lao động cấp cao cũng trong dạng làm việc thời vụ để qua đó lựa chọn được những người thực sự mong muốn gắn bó với doanh nghiệp. Đây chính là đúc kết “xương máu” của các DN, CSSXKD sau những năm “thăng trầm” đã qua. Tuy nhiên, người lao động cũng phải hiểu được giá trị đích thực của bản thân mình đang đứng ở vị trí nào. Vì mọi sự ảo tưởng sẽ dẫn cả hai bên đến hai đường thẳng song song, không bao giờ gặp nhau tại một điểm.
Thực tế trong năm nay các tỉnh miền Trung liên tiếp bị lũ chồng lũ, cộng với khó khăn trong việc mua vé tàu xe, điều này làm cho sinh viên – một lực lượng lao động thời vụ “hùng hậu” trong dịp cuối năm – không về quê ăn Tết mà sẽ ở lại TP rất đông. Như vậy, liệu họ có gặp khó khăn trong việc tìm nơi làm thêm vào thời điểm Tết?
– Chắc chắn là không, bởi theo thông tin mà trung tâm nắm được thì công việc dành cho đối tượng là sinh viên cho những tháng cuối năm cần tới 20.000 người/50.000 việc làm. Hầu hết các đơn vị cần người có nhu cầu tuyển lao động phổ thông, từ những công việc đơn giản như giúp việc nhà, phụ quán, vô lịch cho các công ty tặng khách hàng, theo xe giao hàng… đến các công việc đòi hỏi phải có chút tay nghề như may, phụ làm thiệp, làm sơn mài… Khó khăn của đối tượng này là họ không thỏa mãn với mức tiền công được hưởng, bởi theo dự đoán mức tiền công có thể dao động từ 70.000 đồng – 150.000 đồng/ngày cho những công việc như phát tờ rơi, tiếp thị sản phẩm… Đối tượng này cần hiểu và nhận thức là ngoài chuyện kiếm được tiền trang trải sau Tết thì cái mà họ được, tuy vô hình nhưng chắc chắn trong trường học họ không có được đó là kỹ năng nghề nghiệp.
Xin cám ơn ông!
Lê Quang Huy
Bình luận (0)