Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Gần lắm, đảo xa!

Tạp Chí Giáo Dục

Đoàn Thị Ngọc trên bãi biển quê nhà

Hiện nay, Đoàn Thị Ngọc (sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Công nghiệp Mỹ thuật Hà Nội) đang là cái tên cực “nóng” đối với các chiến sĩ ngoài hải đảo. Bởi Ngọc đã gửi gần 60 bài thơ và nhiều bài viết ngắn của mình tặng các anh chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương.
1. Một chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Trường
Sa nhắn trên Facebook cá nhân của Ngọc rằng: “Em có biết ông Đoàn Ngọc ngoài Hà Nội nổi tiếng sáng tác những bài thơ “máu lửa” cổ vũ, động viên tinh thần chiến sĩ ngoài đảo xa không?”. Đọc xong, Ngọc cười thầm rồi nhắn lại: “Em có biết, ông Đoàn Ngọc năm nay 20 tuổi, là một nữ sinh. Ông ấy hay cười và nói rằng luôn luôn nghĩ về các anh…”. Hỏi ra mới biết, ban đầu đọc những bài thơ Ngọc gửi tặng, thấy “hào khí” và “chất thép” trong những vần thơ, ai cũng nghĩ em phải nhiều tuổi rồi.
Ngọc bắt đầu làm thơ tặng các anh chiến sĩ ở hải đảo từ khi trót “phải lòng” màu áo trắng xanh như cánh sóng. Yêu và thương đến mụ mị, đến giấc mơ cũng chập chờn như những cánh sóng. Những vần thơ ban đầu được viết lấy cảm hứng từ đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Tổ quốc. Khi ấy, cô gái đôi mươi này chỉ nghĩ viết như một cách để giãi bày tình yêu thương, niềm tự hào, chia sẻ với những người lính biển. Rồi sau đó, Ngọc gửi những bài thơ ấy qua email, qua Facebook cho các anh chiến sĩ đọc, như một cách nhắc nhở rằng hậu phương luôn ở phía sau các anh. “Em nơi này luôn trao trọn niềm tin/ Niềm tự hào và tình yêu lính biển/ Mong khơi xa anh mạnh khỏe an bình/ Giữ vững chủ quyền lời hẹn ước tuổi xuân” (bài thơ Tự hào Hải quân Nhân dân Việt Nam của Đoàn Ngọc).
Ngọc kể, dù trong thơ của em, các anh hải quân và Trường Sa, Hoàng Sa hiện lên chân thật và gần gũi vô cùng, thế nhưng, em lại chưa một lần được đặt chân đến với đảo, chưa một lần được tận mắt thấy các anh hải quân trong màu áo của biển. “Em mong ước đến cháy bỏng một ngày được đặt chân đến với đảo xa, để hiểu hơn về cuộc sống, về tâm tình của các anh, được gặp những con người mà ngày ngày vẫn xuất hiện trong từng vần thơ của mình như một nỗi nhớ khắc khoải”, Ngọc chia sẻ. Tính đến thời điểm này, “gia tài” của Ngọc dành cho các chiến sĩ đang canh giữ biển đảo quê hương chỉ gói trọn trong gần 60 bài thơ và nhiều bài viết ngắn. “Em sẽ viết đến khi nào không viết được nữa thì thôi”, Ngọc cho biết.
 
2. Quê Ngọc ở vùng biển Nam Định. Thế nên, biển với Ngọc không xa xôi gì. Còn Trường Sa, còn các anh chiến sĩ màu da rám nắng, dù chưa từng một lần được gặp, được đặt chân đến nhưng với Ngọc cũng gần gũi thiêng liêng vô cùng. Chính các anh chiến sĩ đã kể cho Ngọc nghe, đã đưa bước chân em đến gần hơn với ước mơ, vì “Trường Sa không đâu xa”. Ngọc biết đến cây bàng vuông đang mùa trổ hoa, đơm quả. Đám rau dền đang nảy mầm ra lá. Biết đến giọt mồ hôi các anh rơi trên cát bỏng… Tất cả đều trong thơ của em, như nói hộ lòng người chiến sĩ, như tâm tình mà lại như lời thúc giục, giãi bày.
“Anh đã cảm thấy vững tin rất nhiều khi đọc những vần thơ Ngọc viết. Anh biết ở hậu phương luôn có đất nước đang chờ. Cảm ơn Ngọc”, lời chia sẻ của một anh chiến sĩ lại khiến Ngọc rưng rưng, tự nhủ mình phải cố gắng viết nhiều hơn nữa cho các anh.
Những ngày này, khi mà biển Đông đang “nổi sóng”, ngòi bút của Ngọc lại sắc bén và nhanh nhạy hơn. Trên Facebook của em, những vần thơ cũng “nóng” như máu chảy, như lòng hậu phương đang ngóng về phía biển. Những lời cảm ơn như những cái bắt tay lại khiến cô gái trẻ viết “đến cạn sức mình”.
Ngọc nói rằng, em đã trưởng thành rất nhiều từ tình yêu với biển đảo. Em có thêm cả một gia đình với bố nuôi là sĩ quan tăng thiết giáp đã có 14 năm công tác tại Trường Sa, với những người chú, người anh là những chiến sĩ ngoài hải đảo… Và trên hết, Ngọc hiểu được tình yêu Tổ quốc, hiểu được ý nghĩa của chủ quyền biển đảo, nhất là trong những ngày biển Đông đang “không yên bình”.
Ngọc học chuyên ngành thiết kế nội, ngoại thất nhưng lại có năng khiếu làm thơ. Ngọc nói, đó là may mắn đưa em đến gần hơn với hải đảo xa xôi của Tổ quốc.
Hỏi rằng, nếu được đến với đảo, em sẽ làm gì? cô nữ sinh lại đọc những vần thơ bỏng cháy: “Nếu một ngày em được đến thăm anh/ Hát anh nghe cho vơi nỗi nhọc nhằn/ Thỏa nỗi nhớ những lần qua điện thoại/ Tiếng gió gào át cả tiếng hát em”.
Bài, ảnh: Yến Hoa

Bình luận (0)