Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dạy tích hợp, liên môn: Khó khăn nằm nhiều ở phương pháp

Tạp Chí Giáo Dục

HS TP.HCM tìm hiểu về biển đảo Việt Nam thông qua bài giảng tích hợp liên môn địa lý – lịch sử. Ảnh: N.TRinh

Dạy tích hợp liên môn là khái niệm được đưa ra bàn luận sôi nổi trong thời gian vừa qua. Đối với nhiều giáo viên (GV), đây là khái niệm hoàn toàn mới và thật sự gặp nhiều khó khăn trong việc truyền đạt kiến thức đến cho học sinh (HS)…
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT khẳng định: Trước hết phải nói rằng dạy tích hợp, liên môn không phải là hai khái niệm tách rời nhau mà chỉ là một khái niệm duy nhất, đó là dạy học những nội dung kiến thức liên quan đến hai hay nhiều môn học. “Tích hợp” là nói đến phương pháp và mục tiêu của hoạt động dạy học còn “liên môn” là đề cập tới nội dung dạy học. Đã dạy học “tích hợp” thì chắc chắn phải dạy kiến thức “liên môn” và ngược lại, để đảm bảo hiệu quả của dạy liên môn thì phải bằng cách và hướng tới mục tiêu tích hợp. Ở mức độ thấp thì dạy học tích hợp mới chỉ là lồng ghép những nội dung giáo dục có liên quan vào quá trình dạy học một môn học như: Lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục pháp luật; giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển, đảo; giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông… Mức độ tích hợp cao hơn là phải xử lý các nội dung kiến thức trong mối liên quan với nhau, bảo đảm cho HS vận dụng được tổng hợp các kiến thức đó một cách hợp lý để giải quyết các vấn đề trong học tập, trong cuộc sống, đồng thời tránh việc HS phải học lại nhiều lần cùng một nội dung kiến thức ở các môn học khác nhau. Chủ đề liên môn là những chủ đề có nội dung kiến thức liên quan đến hai hay nhiều môn học, thể hiện ở sự ứng dụng của chúng trong cùng một hiện tượng, quá trình trong tự nhiên hay xã hội. Ví dụ: Kiến thức vật lý và kỹ thuật trong động cơ, máy phát điện; kiến thức vật lý và hóa học trong nguồn điện hóa học; kiến thức lịch sử và địa lý trong chủ quyền biển, đảo; kiến thức ngữ văn và giáo dục công dân trong giáo dục đạo đức, lối sống…
PV: Chương trình – sách giáo khoa (CT-SGK) hiện tại liệu có phù hợp để dạy liên môn và tích hợp không thưa ông, hay phải đợi đến sau khi CT-SGK mới ban hành?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Như đã nói ở trên, dạy học tích hợp, liên môn đề cập đến nội dung dạy học, đến hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đến nội dung và phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. CT giáo dục nào cũng tồn tại những nội dung kiến thức liên môn, vì vậy việc dạy học tích hợp, liên môn cần phải và có thể thực hiện được ngay trong CT hiện hành, mặc dù việc thiết kế, sắp xếp các nội dung dạy học trong CT, trong SGK chưa thật sự tạo nhiều thuận lợi cho mục tiêu đó. Trong CT hiện nay, những nội dung kiến thức được đề cập đến ở hai hay nhiều môn học được điều chỉnh theo hai hướng: Chỉ dạy kiến thức đó trong một môn học và bổ sung thêm những kiến thức liên quan đến các môn còn lại đối với những kiến thức liên môn nhưng có một môn học chiếm ưu thế, không dạy lại ở các môn khác; tách những kiến thức có liên quan ra khỏi các môn học, xây dựng thành các chủ đề liên môn để tổ chức dạy học riêng vào một thời điểm phù hợp, song song với quá trình dạy học các bộ môn liên quan. Hiện nay, việc giao quyền chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường và tập huấn GV về các phương pháp dạy học tích cực đã tạo nhiều thuận lợi cho nhà trường và GV dạy kiến thức liên môn hướng tới mục tiêu tích hợp. Nhiều GV đã thực hiện tốt việc dạy học theo chủ đề tích hợp, liên môn, thể hiện qua kết quả Cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp dành cho GV trung học mà Bộ GD-ĐT tổ chức trong những năm qua.
Từ đang dạy đơn môn (mỗi GV chỉ dạy một môn hoặc hai môn riêng rẽ), chuyển sang dạy liên môn, tích hợp, GV sẽ gặp những khó khăn gì và có thuận lợi gì không, thưa ông?
Khó khăn của GV khi dạy tích hợp, liên môn không nằm nhiều ở vấn đề nội dung mà ở vấn đề phương pháp dạy học. Dạy học theo chủ đề tích hợp, liên môn đòi hỏi GV phải có năng lực trong tổ chức hoạt động học tích cực, tự lực và sáng tạo cho HS, mà các hoạt động ấy phải được tổ chức ở trong lớp, ngoài lớp, trong trường, ngoài trường, ở nhà và cộng đồng, đặc biệt quan tâm đến hoạt động thực hành và ứng dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Nếu trong dạy học đơn môn, GV đã sử dụng được các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực để tổ chức hoạt động học của HS, thay vì dạy học theo lối truyền thụ kiến thức thì khó khăn này có thể vượt qua không mấy khó khăn.
Để giải quyết được vấn đề liên môn, tích hợp, từ phía GV, họ sẽ cần phải chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
GV cần phải trang bị thêm mặt kiến thức về những chủ đề tích hợp, liên môn, nhất là tìm hiểu về những ứng dụng của kiến thức liên môn vào giải quyết các tình huống thực tiễn. Mặt khác, thông qua sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn trong nhà trường, mỗi GV cần phải tích cực tham gia xây dựng các chủ đề dạy học; xác định những năng lực có thể phát triển cho HS trong mỗi chủ đề; biên soạn các câu hỏi, bài tập để đánh giá năng lực của HS trong dạy học; thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học của HS; tổ chức dạy học để dự giờ, phân tích, rút kinh nghiệm. Qua các hoạt động chuyên môn đó, năng lực chuyên môn của mỗi GV từng bước được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục, trong đó dạy học tích hợp, liên môn là xu hướng tất yếu.
Thời gian vừa qua, GV đã được học tập trong trường sư phạm, được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên về các phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học của HS nhưng công tác quản lý, chỉ đạo, công tác thi, đánh giá kết quả học tập chưa tạo thuận lợi cho họ áp dụng các phương pháp này. Nay các cấp quản lý giáo dục và nhà trường cần phải và đã bắt đầu đổi mới, tạo điều kiện cho GV phát huy sáng tạo. Đồng thời với việc tổ chức tốt các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng GV, cần phải biết động viên, khích lệ kịp thời các nhân tố mới, mặc dù lúc đầu có thể đó chưa phải đã là những cá nhân, giải pháp thật sự có kết quả tốt vì “ngày đầu chưa quen”.
Xin cảm ơn ông!
Nghiêm Huê

Bình luận (0)