Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Để đảo Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế – hành chính

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1392/QĐ – TTg, thành lập Tổ công tác nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc (Kiên Giang).

Khu vực ngư trường vùng đông – bắc đảo Phú Quốc. Ảnh: Ngọc Hà – TTXVN
 Sau một thời gian triển khai nghiên cứu, ngày 27/11, tại Hà Nội, Tổ công tác do ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Tổ trưởng Tổ nghiên cứu chủ trì, đã tổ chức cuộc họp lần thứ 3 để các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về dự thảo vào Tờ trình và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc giai đoạn 2013 – 2015, định hướng xây dựng đảo Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế – hành chính vào năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Xuất phát điểm thấp
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Tổ trưởng tổ công tác, cho biết, Phú Quốc được xem là đảo ngọc, một “Xinhgapo của Việt Nam”. Thời gian qua, Chính phủ đã có quyết định về quy hoạch tổng thể phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2030. Cùng với quy hoạch này, Chính phủ cũng ban hành một số chủ trương, chính sách, nhằm đưa Phú Quốc trở thành khu du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, do vướng một số điểm nên đến nay Phú Quốc vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Bởi vậy, cần tập trung dồn sức đầu tư, tạo động lực thúc đẩy bằng các cơ chế chính sách có tính đặc thù.
Theo đánh giá của Tổ công tác, các khó khăn, vướng mắc chủ yếu hiện nay cần được tập trung tháo gỡ cho Phú Quốc là: cơ chế tài chính, vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu; cơ chế thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân; công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch; đền bù, giải phóng mặt bằng…
Cụ thể, dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để phát triển Phú Quốc, giao Bộ Kế hoạch – Đầu tư làm đầu mối đề xuất các cơ chế thu hút đầu tư nhưng quá trình thực hiện nay đã nảy sinh nhiều vướng mắc, chưa được tháo gỡ. Vấn đề đất đai vẫn chưa có khung giá đất hợp lý để nhà đầu tư thấy được sự ưu đãi. Về huy động vốn đầu tư hạ tầng, phải tính toán việc đa dạng các nguồn vốn, không thể chỉ trông chờ ngân sách nhà nước. Trong khi đó, Phú Quốc vẫn là đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh, muốn làm gì phải xin ý kiến cấp tỉnh. Bởi vậy, nhất định phải nâng tầm Phú Quốc lên thành phố trực thuộc tỉnh để có cơ chế đặc thù và phải có cơ quan kiểm tra giám sát mới gỡ được các trở ngại nói trên.
Tìm cơ chế
Ngay khi có quyết định thành lập, Tổ công tác đã nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc đã thành lập 4 nhóm nghiên cứu là: Nhóm nghiên cứu mô hình tổ chức, bộ máy, nhân lực và dịch vụ; Nhóm nghiên cứu quy hoạch, cơ sở hạ tầng; Nhóm nghiên cứu cơ chế tài chính, vốn đầu tư và Nhóm nghiên cứu tổng hợp – hậu cần. Nhóm trưởng của 4 nhóm đều do các Thứ trưởng của các bộ liên quan làm tổ trưởng. Cũng theo ông Quang, Tổ công tác đã tập trung vào bốn lĩnh vực bức xúc cần rà soát, nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển Phú Quốc là: Rà soát quy hoạch, cơ sở hạ tầng; cơ chế tài chính, vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực và dịch vụ; cuối cùng là rà soát đề xuất về thể chế, mô hình tổ chức, bộ máy của đảo Phú Quốc. Sau khi tham vấn ý kiến nhà đầu tư, các chuyên gia, góp ý của bộ, ngành trung ương và địa phương, Tổ công tác sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc ban hành cơ chế, chính sách phát triển đảo Phú Quốc.
Tại cuộc họp, các thành viên trong Tổ nghiên cứu và chuyên gia đã từng nghiên cứu, gắn bó với Phú Quốc cùng với tổ chức nghiên cứu đã đề xuất các vấn đề cơ bản lâu dài, toàn diện, mang tầm chiến lược phát triển đảo Phú Quốc đến 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Để Phú Quốc xứng đáng là “đảo ngọc” không chỉ của quốc gia, mà còn của thế giới, Thủ tướng Chính phủ cần ban hành trong năm 2013 các cơ chế chính sách phát triển đảo, giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tăng cường thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển đảo Phú Quốc giai đoạn 2013 – 2015; chuẩn bị tốt cho việc đạt mục tiêu xây dựng Phú Quốc thành khu hành chính – kinh tế vào năm 2020 với quy mô dân số từ 340.000 – 380.000, thu hút 2 – 3 triệu lượt khách (khách quốc tế 35 – 40%); đến năm 2030, dân số 500.000 – 550.000 người, thu hút từ 5 – 7 triệu lượt khách du lịch (khách quốc tế 45 – 50%). Như vậy đến năm 2020, Phú Quốc cơ bản trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế. Không những vậy, Phú Quốc còn là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành; trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực có vị trí đặc biệt về an ninh và quốc phòng.
Tổ công tác cũng sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế phát triển đảo Phú Quốc với các nội dung chính về: tổ chức, bộ máy, nhân lực và dịch vụ; công tác quy hoạch, cơ sở hạ tầng; cơ chế, chính sách tài chính, vốn đầu tư.
Để Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế – hành chính, sắp tới Tổ công tác sẽ đề xuất Bộ Chính trị cần có một nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển đảo Phú Quốc đến năm 2020. Qua đó khẳng định quyết tâm chính trị, tập trung mọi nguồn lực biến Phú Quốc thành “đảo ngọc” thật sự.
GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Cần rà soát lại các dự án ở Phú Quốc Thu hút vốn đầu tư vào Phú Quốc bằng cách ưu đãi mặt bằng và giảm thuế cho các nhà đầu tư sẽ không hiệu quả, bởi thực chất tiền thu từ thuế không nhiều, và cũng phải tính nếu ưu đãi mặt bằng cho nhà đầu tư nước ngoài thì ta được lợi gì? Về lâu dài, cần nghiên cứu Phú Quốc dựa trên 2 phương diện trong và ngoài nước. Như việc xác định Phú Quốc gần với thành phố nào của các nước lân cận như Xinhgapo và một số nước khác để phát triển, chứ không nên dựa vào đặc điểm tự nhiên của Phú Quốc. Nên chọn nhà thầu đầu tư dài hạn vào Phú Quốc, nhưng chọn như thế nào lại là một vấn đề cần bàn. Không thể lấy các thành phố của các nước khác áp đặt cho Phú Quốc do xuất phát điểm của Phú Quốc thấp. Nên có tư vấn phát triển từng bước để có cơ chế, chính sách phù hợp cho từng giai đoạn. Bên cạnh đó, Chính phủ cần rà soát lại các dự án ở Phú Quốc, nếu dự án nào không phù hợp với tình hình phát triển mới của Phú Quốc nên dừng lại, thu hồi đất chưa sử dụng, để chuyển mục đích sử dụng theo hướng phát triển mới. 
TS. Phạm Sĩ Liêm, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Nên đấu thầu chứ không chỉ định thầu để phát triển đảo Phú Quốc Vấn đề cán bộ tại chỗ ở Phú Quốc và Kiên Giang chưa đảm bảo được nhiệm vụ phát triển đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế – hành chính. Người điều hành dự án phát triển Phú Quốc cần có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, có tầm nhìn chiến lược. Trung ương cũng cần tăng cường cán bộ cho Kiên Giang, có thể thuê giám đốc dự án ở nước ngoài, chú ý đến Việt kiều để thuận lợi hơn trong việc trao đổi cũng như để họ hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam. Nên đấu thầu chứ không nên chỉ định thầu về chiến lược phát triển đảo Phú Quốc sau đó mới quy hoạch. Về huy động vốn, không nên chỉ dựa vào trái phiếu Chính phủ mà Phú Quốc nên phát hành trái phiếu để sau này tự trả. Cũng có thể vay các tổ chức tài chính quốc tế để những tổ chức này giám sát nguồn vốn đầu tư để tránh thất thoát. Việc phát triển Phú Quốc nên chú ý đến an ninh trật tự xã hội và bản sắc văn hóa. 
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tổ phó Tổ nghiên cứu cơ chế, chính sách Phú Quốc: Có chính sách thu hút vốn đầu tư Phát triển Phú Quốc phải xứng tầm với các đặc khu kinh tế – hành chính của các nước phát triển khác trên thế giới, tương quan với quốc tế. Nên có tư vấn quốc tế và kết hợp với tư vấn trong nước. Về vốn nên lấy lại những dự án không hiệu quả để giao cho các nhà đầu tư có năng lực. Cần có tiến độ đấu thầu nhà tư vấn, đồng thời có đội ngũ chuyên gia tốt và có chính sách thu hút đầu tư có hiệu quả.
 Trọng Thủy
Theo Báo Tin Tức

Bình luận (0)