Kết luận của Bộ Chính trị theo Thông báo 242-TB/TW nêu yêu cầu “đến năm 2020 nước ta phấn đấu có một nền giáo dục tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc”, là lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân phải tập trung chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Trong xu thế hội nhập, nền giáo dục nước nhà đang tích cực chấn hưng, phát triển. PV Giáo Dục TP.HCM đã có buổi trao đổi với tiến sĩ Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM chung quanh vấn đề này.
P.V: Thưa tiến sĩ, thực hiện Thông báo số 242-TB/TW của Bộ Chính trị về việc phấn đấu đến năm 2020 chúng ta có một nền giáo dục tiên tiến mang đậm bản sắc, vậy nền giáo dục tiên tiến đậm bản sắc Việt Nam phải được thể hiện như thế nào? Phải chăng từ trước đến nay nền giáo dục của chúng ta chưa chú trọng đến việc gìn giữ bản sắc dân tộc?
Tiến sĩ Huỳnh Công Minh: Nền giáo dục tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế là nền giáo dục tiến bộ đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại ngày nay. Trước hết về tổ chức, thiết chế nhà trường như sĩ số ít, học sinh được học tập và hoạt động cả ngày trong trường và được tổ chức tự học với những thiết bị đầy đủ cho từng học sinh. Điều này sẽ giúp các em chủ động sáng tạo trong quá trình học tập, không những đạt kết quả cao mà còn rèn luyện được nhân cách.
Theo tinh thần Thông báo 242-TB/TW thì nền giáo dục tiên tiến ấy phải thể hiện được bản sắc dân tộc Việt Nam chứ không bị lai căng, mất gốc. Nền giáo dục Việt Nam phải thể hiện sâu sắc hệ thống giá trị văn hóa Việt Nam thông qua mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo, cơ cấu tổ chức quản lý và chuẩn mực đánh giá quá trình giáo dục.
Nền giáo dục nước nhà từ trước đến nay cũng đã thể hiện được bản sắc của dân tộc. Song về mặt tâm lý, hiện nay có một bộ phận dân cư muốn con em mình nhanh chóng tiếp cận với nền giáo dục quốc tế ngay từ lớp tuổi nhỏ, một số trường quốc tế không có khả năng thể hiện được đầy đủ đặc điểm văn hóa dân tộc. Sau một thời gian theo học, các em học sinh này có những quan niệm sống và hành xử không phù hợp với các giá trị văn hóa của Việt Nam. Chính vì vậy mà vấn đề này, trong định hướng phát triển giáo dục và đào tạo nước nhà, Bộ Chính trị đã đặt ra yêu cầu như vậy.
Trong xu thế hội nhập hiện nay, xuất phát từ yêu cầu của một bộ phận dân cư muốn con em mình được theo học các trường quốc tế nên không ít nhà đầu tư xin mở trường ngoài công lập và đặt tên “trường quốc tế”. Vậy làm thế nào để chúng ta “nhận diện” được các trường chuẩn quốc tế?
Đúng như vậy! Để nhận diện các trường quốc tế trước hết ta phải xem cơ sở vật chất của nhà trường, điều kiện học tập của học sinh có đảm bảo về sĩ số trong lớp ít và hoạt động của học sinh cả ngày trong trường với quan điểm dạy học cá thể của giáo viên. Sĩ số/lớp thường dưới 20 học sinh. Thiết bị đáp ứng yêu cầu tự học và học sinh có điều kiện để phát triển năng khiếu toàn diện. Chương trình và chế độ thi cử, bằng cấp được xác định rõ ràng.
Thực tế có một số trường giới thiệu, quảng cáo về trường mình sai với qui định, không đúng với giấy phép được cấp; có trường chỉ được phép giảng dạy chương trình Việt Nam nhưng lại quảng cáo chương trình quốc tế, hoặc cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được chuẩn quốc tế… Đây chính là những vấn đề cơ quan quản lý chúng tôi đang rất quan tâm, chấn chỉnh. Chúng tôi rất mong nhận được sự hợp tác từ phía phụ huynh.
Như vậy, Việt Nam đang hướng đến một nền giáo dục chuẩn quốc tế với việc xây dựng nền giáo dục tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc thì có mâu thuẫn gì không, thưa tiến sĩ?
Tiếp cận với chuẩn quốc tế để hội nhập là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Chủ trương hội nhập để phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo của nước nhà ngang tầm quốc tế với nền giáo dục tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc hoàn toàn không mâu thuẫn mà ngược lại, còn bổ sung cho nhau. Dân tộc ta với những truyền thống hết sức tốt đẹp nếu được phát huy thì giáo dục nước nhà trong điều kiện mở cửa hội nhập sẽ nâng cao tính tiên tiến. Đây là một sự kết hợp hữu cơ, cần thiết, “dạy chữ đi đôi với dạy người” là vậy!
Theo tiến sĩ, muốn “đậm đà bản sắc dân tộc” thì giáo dục Việt Nam cần phải làm gì? Nhà trường phải giảng dạy và tổ chức các hoạt động như thế nào mới thể hiện sự tiên tiến song vẫn giữ được bản sắc dân tộc?
Mục tiêu đào tạo của nhà trường Việt Nam là đào tạo con người Việt Nam hiện đại, phát triển toàn diện về thể chất lẫn tâm hồn và năng lực làm chủ đất nước trong xu thế hội nhập ngày nay, nên bản thân nội dung giáo dục của nhà trường đã chứa đựng những phẩm chất tốt đẹp. Vấn đề là các cấp quản lý phải tạo điều kiện về cơ sở vật chất, chế độ chính sách để hoạt động dạy – học đạt được kết quả cao nhất. Về phía thầy cô giáo phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, xã hội, phải đổi mới phương pháp dạy học từ quan điểm dạy số đông sang dạy cá thể, chăm sóc để hướng dẫn học sinh học tập rèn luyện và hình thành nhân cách.
Khi nói đến việc xây dựng nhà trường mang đậm bản sắc dân tộc không có nghĩa là khép kín, không tiếp nhận những tinh hoa văn hóa của nhân loại mà đó là một điều kiện để cập nhật, bổ sung, nâng cao văn hóa dân tộc trong thời đại mới. Chính vì thế mà nhà trường phải tận dụng tốt điều kiện về thông tin, những phương tiện liên kết với các lực lượng xã hội để đạt được yêu cầu mong muốn.
Thưa tiến sĩ, tiêu chí nào để đánh giá nhà trường tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc?
Các cấp quản lý sẽ đề ra những tiêu chí để đánh giá nhằm thúc đẩy các lực lượng xã hội cùng với nhà trường xây dựng trường tiên tiến từ nay đến năm 2020. Những tiêu chí ấy là cơ sở vật chất nhà trường, đội ngũ thầy cô giáo và công tác quản lý theo định hướng dạy học cá thể, nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện của từng học sinh.
TP.HCM còn có những khó khăn gì để đi đến xây dựng nền giáo dục tiên tiến, đậm đà bản sắc? Chúng ta cần phải khắc phục những khó khăn ấy như thế nào thưa tiến sĩ?
TP.HCM hiện nay có tất cả 1.587 cơ sở trường học. Trong đó số trường công lập chiếm tỉ trọng 2/3 tổng số trường. So sánh với cả nước, cơ sở vật chất trường lớp và thiết chế nhà trường của TP.HCM hiện có là kết quả của sự chăm lo của các cấp lãnh đạo và sự nỗ lực tích cực vượt trội của ngành so với các tỉnh thành bạn. Nhưng so với yêu cầu xây dựng nhà trường tiên tiến, hội nhập, đậm bản sắc dân tộc thì giáo dục và đào tạo TP.HCM vẫn còn những khó khăn bất cập. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu 100% học sinh học 2 buổi/ngày và yêu cầu sĩ số thấp. Cơ chế nhà trường còn ảnh hưởng hành chính, bao cấp. Hệ thống văn bản pháp qui chưa hoàn chỉnh. Nội dung chương trình vẫn còn nặng lý thuyết hàn lâm, chưa bám sát giải quyết những vấn đề thực tế của cuộc sống nên chưa thật sự thu hút, hấp dẫn người học. Văn hóa học đường chưa được đề cập đúng mức, sự phối hợp 3 môi trường giáo dục: gia đình, nhà trường và xã hội đang còn giới hạn, chưa thể hiện bằng hệ thống pháp luật và sự đồng thuận giữa các lực lượng xã hội về mục tiêu và biện pháp giáo dục…
Để khắc phục những khó khăn trên, TP.HCM đang nỗ lực phát huy kết quả qui hoạch, dành đất xây dựng trường học trên 24/24 quận, huyện theo quyết định của UBND, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trường lớp đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục. Lực lượng sư phạm cũng sẽ được củng cố, thực hiện đổi mới nội dung giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đồng thời tiếp tục nhân rộng các mô hình nhà trường tiên tiến mà TP.HCM đã xây dựng được…
Nhân dịp này, tôi xin chúc quý thầy cô giáo, các cán bộ giáo dục cùng phụ huynh, học sinh một năm mới nhiều niềm vui, sức khỏe và thành đạt!
Xin cám ơn tiến sĩ.
Tuyết Dân
Bình luận (0)