Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam: “Gươm lạc giữa rừng hoa”

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Lương dự giờ ăn của các bé lớp lá

Mặc dù Luật Giáo dục Việt Nam không cấm nam giới làm giáo viên mầm non nhưng từ lâu xã hội đã ngầm hiểu, nghề này chỉ dành cho nữ giới. Bài hát Cô đi nuôi dạy trẻ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã thể hiện rất rõ điều này…
Trên thực tế, ngành học mầm non ở TP.HCM có khoảng 20 ngàn cán bộ quản lý và giáo viên nhưng chỉ có 3 người là nam. Thầy Nguyễn Thanh Lương – Hiệu trưởng Trường Mầm non 15 (Q.11) là 1 trong 3 người đó. Thầy thường được các đồng nghiệp nói vui là “gươm lạc giữa rừng hoa”.
Ngã rẽ cuộc đời…
Không phải bỗng dưng mà ba má đặt cho thầy cái tên Thanh Lương. “Ba má mong tôi lớn lên sẽ trở thành bác sĩ, một bác sĩ có lương tâm để cứu người”, thầy Lương giải thích về “lịch sử” cái tên của mình.
Cùng với thời gian, mong mỏi của ba má lớn dần trong thầy Lương. Năm 1987, thầy làm hồ sơ thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM. Là “dân” trường chuyên – Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong – nên thầy Lương đã dễ dàng bước qua kỳ thi tuyển đầu vào của trường. Cái ngày nhận được giấy báo trúng tuyển của Trường ĐH Y dược TP.HCM cũng là ngày thầy bị bệnh “thập tử nhất sinh”.
“Tôi đã phải nằm viện mấy tháng trời, tay chân co quắp. Lúc đó ai cũng nghĩ là tôi sẽ không qua khỏi”, thầy Lương nhớ lại.
Cơn bạo bệnh đã vô tình đẩy lùi mong ước trở thành bác sĩ ra xa thầy Lương. Khi thầy “thoát khỏi bàn tay của thần chết” thì Trường ĐH Y dược TP.HCM đã bước vào năm học mới được gần một học kỳ. Thế là thầy đành phải ở nhà “mài bút” chờ cơ hội.
Cũng trong thời gian này, hai cô bạn gái cùng xóm (đang học năm thứ nhất tại Trường Trung học Sư phạm mầm non TP.HCM) rủ thầy đến trường chơi. “Một hôm, hai cô bạn nói với tôi: “Tối nay, trường tôi tổ chức lễ hội, ông đi với tụi tôi cho vui”. Nghe vậy, tôi đồng ý liền. Thế là sau giờ ăn tối, tôi, hai cô bạn gái cùng một người bạn trai chơi chung nhóm bắt xe buýt từ Q.11 ra chợ Bến Thành. Rồi từ chợ Bến Thành đi bộ tới Trường Trung học Sư phạm mầm non TP.HCM (đường Tôn Đức Thắng, Q.1). Tới trường, tôi thật sự thích thú trước các hoạt động náo nhiệt của các bạn sinh viên. Hai cô bạn lôi tôi và người bạn trai đi cùng nhảy múa với mọi người. Tôi nhanh chóng bị cuốn vào không khí của lễ hội. Và trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, tôi đã ước gì mình trở thành sinh viên của trường…”, thầy Lương kể lại.
Không chỉ thầy Lương mà ngay cả người bạn trai đi cùng cũng mê mẩn ngôi trường này. Sau đó, họ nói với hai người bạn gái và được tư vấn: “Hai ông thi vào trường tôi luôn đi, học ở đó vui lắm. Đi học cũng chỉ để ra làm việc, học trường nào chẳng vậy”. Nghe bùi tai, thầy Lương và người bạn trai đăng ký thi vào Trường Trung học Sư phạm mầm non…
Cho đến khi trở thành sinh viên của trường, thầy Lương vẫn đinh ninh sau này ra trường sẽ đi dạy học sinh lớp 1, lớp 2 như ba mình ngày xưa (ba thầy Lương là giáo viên chế độ cũ, sau giải phóng thì làm điện lực – PV).
Học xong năm thứ nhất, người bạn của thầy Lương nghỉ để đi học ngành luật. Lúc này tình yêu của thầy Lương đối với ngành này vẫn còn nồng nàn như cái đêm lễ hội trước đó… Cho đến khi đi thực tập ở Trường Mầm non 26, Q.5, thầy mới tá hỏa. “Thì ra là dạy trẻ con chứ không phải học sinh lớp 1, lớp 2”, thầy Lương chỉ muốn hét lên như vậy.
Mỗi ngày đi thực tập đối với thầy chẳng khác nào bị “đi đày”. Nhìn những đứa trẻ 3, 4 tuổi cười đó rồi lại khóc ngay, lúc thì thật ngoan, khi lại lì lợm, ngang bướng khiến thầy Lương vốn đã “sợ” trẻ con giờ lại càng “sợ” hơn. Nhưng chỉ một tháng sau, chính những đứa trẻ “đáng ghét” đó lại trở nên đáng yêu trong mắt thầy. Không ai khác mà chính các bé đã giúp thầy yêu cái nghề “cô nuôi dạy trẻ”…
Làm thầy khó lắm, phải đâu chuyện đùa
Năm 1990, thầy Lương ra trường. Lúc đó thầy đã nộp hồ sơ xin việc tại Phòng GD-ĐT Q.11. Đợi mãi, đợi hoài mà cũng không thấy ai gọi đi làm. Trong khi đó, các nữ giáo sinh khác đều đã được phân công công tác từ đầu tháng 9.
Mặc dù rất nóng ruột nhưng thầy Lương lại không dám lên Phòng GD-ĐT Q.11 để hỏi  mà lặng lẽ tìm đến Trường Mầm non 26, Q.5. Lúc đó đã là gần cuối tháng 10, nghĩa là năm học đã đi được 1/4 chặng đường. “Cô Hạnh (Hiệu trưởng nhà trường) nói với tôi: “Em chờ cô hai ngày, cô sẽ có câu trả lời”. Hai ngày sau, cùng lúc cô Phụng (Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.11 lúc bấy giờ) và cô Hạnh gọi cho tôi thông báo sáng ngày mai đi nhận nhiệm sở. Lúc đó tôi rất đắn đo, không biết nên chọn bên nào. Cuối cùng tôi quyết định sẽ tới gặp cô Phụng trước. Và tôi được phân công về Trường Mầm non 13, Q.11. Ngày đầu tiên tôi đi làm là ngày 20-10-1990”, thầy Lương nhớ lại.
Biết phận mình là nam nhi, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong “vương quốc nữ giới”, nên từ những ngày đầu đi làm, thầy Lương đã tự hứa với lòng phải đặt công việc lên hàng đầu, phải ý tứ trong giao tiếp. Thời gian đầu, thỉnh thoảng cũng có vài ba nữ đồng nghiệp tụm lại xì xào về thầy. Bên cạnh đó cũng có một số phụ huynh có con gái học lớp của thầy tỏ ra không an tâm…
“May mắn là cô Lý (Hiệu trưởng nhà trường) đã rất tinh ý phân cho tôi làm cùng một cô giáo có nhiều năm kinh nghiệm. Cô Lý phân cho tôi phụ làm vệ sinh, thay đồ cho các bé nam, cô giáo kia làm vệ sinh và thay đồ cho các bé nữ. Còn việc dạy học thì cùng làm, không phân biệt cháu nam, cháu nữ. Vì là nam nên tôi luôn đặt nặng tính tự lập của các bé. Tuy các bé mới chỉ 3, 4 tuổi, ở nhà được cha mẹ “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” nhưng khi vào lớp, tôi giáo dục các bé phải tự lập. Chẳng hạn như việc sắp xếp bàn ghế để chuẩn bị ăn. Tôi vừa nói với các bé: “Các con nhìn thầy làm nè”, vừa bưng cái ghế đặt vào đúng vị trí của nó. Dần dần các em làm theo. Tôi không muốn “ra lệnh” cho trẻ, yêu cầu các bé phải làm cái này mà không được làm cái kia. Vì một khi bị ép buộc, các bé sẽ làm một cách miễn cưỡng từ đó dễ xảy ra tai nạn…”, thầy Lương cho biết.
Với cách dạy này, thầy Lương nhanh chóng thu hút được học sinh – không chỉ là các bé nam mà cả các bé nữ cũng rất quấn quýt với thầy. Lúc đó phụ huynh không còn e ngại giao con cho thầy nữa. Còn các nữ đồng nghiệp thì không còn nhỏ to sau lưng, vì họ hiểu thầy Lương thật sự rất yêu nghề…
6 năm sau, thầy Lương được bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Quận, Q.11. Lúc đó, trường vừa xây xong còn rất ngổn ngang, đụng đến thứ gì cũng thiếu. Thầy cùng Ban giám hiệu nhà trường phải đi chọn những viên gạch lát nền, những cái kệ tủ, món đồ chơi… phù hợp nhất và tốt nhất cho sự phát triển của một ngôi trường mầm non. Năm 2003, thầy về làm Hiệu trưởng Trường Mầm non 15, Q.11. Lúc đó trường chỉ có duy nhất điểm chính là khang trang, còn 2 điểm lẻ chỉ là 2 căn nhà lợp tôn. Thời bấy giờ, những điểm lẻ như thế này có nguy cơ “bị mất” rất lớn nên thầy Lương đã tích cực tham mưu với Phòng GD-ĐT, chính quyền địa phương để xây mới. Hiện nay, cả 2 điểm lẻ này đều đã được xây mới với quy mô 9 lớp, tăng 7 lớp so với trước đó…
Bài, ảnh: Hòa Triều
“Trước đây có không ít giáo viên mầm non là nam. Song vì đặc thù của công việc nên cứ “rơi rụng” dần, thật may là tôi đã trụ lại được. Giờ đây, trường chẳng khác gì gia đình của tôi, thời gian tôi ở đây còn nhiều hơn ở nhà”, thầy Lương tâm sự.
 

 

Bình luận (0)