Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Người tấu khúc A Bel giữa đại ngàn

Tạp Chí Giáo Dục

Côn Hương và Căn Thay tấu khúc A Bel bên bờ suối
Sẽ chẳng có một nơi nào yên bình hơn trong buổi sớm chuyển mùa bên ngôi nhà sàn tựa lưng vào vách núi, người con của núi rừng hướng mắt về khung cửa đón ánh sáng, say sưa tấu khúc A Bel. Tiếng khèn ấy gợi nhắc về một thời trẻ trai trong quá vãng, đêm đêm trai gái tụ quần bên bếp lửa hồng ven dòng suối…
Qua hơn 70 mùa cây rừng thay lá, già Côn Hương ở xã Tà Rụt (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) là người duy nhất còn lại của miền núi rừng này có thể chế tác và chơi khèn A Bel.
Tiếng lòng tri kỷ
Già Côn Hương không nhớ khèn A Bel có từ bao giờ. Chỉ biết, ông quen với tiếng A Bel từ nhỏ, mỗi chiều khi sương xuống núi, người cha già ngồi bên hiên nhà sàn, hướng mặt về phía rừng ngân lên những khúc nhạc réo rắt nôn nao lòng người. Lớn chút nữa, Côn Hương thường đứng lặng một góc nhà nghe cha thổi khèn. Ông lờ mờ nhận ra nỗi lòng xa vắng của cha. Rồi ông yêu luôn tiếng khèn. Qua bao nhiêu mùa mưa, mùa nắng, phiến đá đặt nơi bậc cầu thang bước lên nhà sàn càng mòn vẹt bởi bước chân người, bởi những lần ông dùng rựa mài để chế tác A Bel, tình yêu dành cho A Bel trong ông lại tỷ lệ nghịch với điều ấy!
Côn Hương gặp tình yêu đầu của đời mình, rồi trở thành tri kỷ trăm năm với người con gái Pa Cô có suối tóc buông dài như dòng sông chiều thu cũng bắt đầu từ tiếng A Bel. Với ông, A Bel là tiếng lòng, lời con tim. “Thế hệ chúng tôi ngày xưa không như lớp trẻ bây giờ, lời tỏ tình khó nói lắm”, ông Côn Hương hồi tưởng. Chiếc khèn A Bel là cầu nối tâm tư tình cảm, thường được làm từ gỗ cây dổi cho phần đế và thân khèn làm từ ống tre lồ ô già. Khèn được cấu tạo đơn giản, cung bậc thoát ra thể hiện nỗi lòng của chính người chơi nó nên vui hay buồn đều do đôi tay của người chơi điều khiển. Côn Hương bảo, A Bel có hai cách chơi đặc trưng. Đó là chơi một mình và chơi hai người (thường thì là đôi bạn tình). Người chơi dùng cây cần bằng tre hay nứa kéo qua lại chỗ tiếp giáp giữa dây và thân khèn, các ngón tay của bàn tay trái ấn vào dây, âm thanh phát ra như những cây đàn bình thường khác. Hoặc cũng với các động tác như thế, nhưng người sử dụng dùng thêm hai hàm răng cắn miếng vỏ trút, giữ cho sợi chỉ căng ra và hát, đây cũng là điểm rất đặc biệt và độc đáo của cây đàn này. Lúc này lời ca và tiếng nhạc hòa quyện với nhau, âm thanh sẽ vang hơn và quyến rũ hơn… 
Ông Hồ Chư, nhà nghiên cứu văn hóa Bru – Vân Kiều, nói: “Nét đặc sắc của A Bel trong đời sống người Pa Cô xưa đó là nhạc cụ dùng cho hai người khi trao gửi tâm tình với nhau. Giai điệu và âm vực cao thấp của nó thay cho lời nói và họ hiểu nhau. Bây giờ, người thổi và nghe được nó chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để thất truyền tài sản này là điều đáng tiếc”.
Xế chiều, Côn Hương ngồi lặng bên bờ suối cùng Căn Thay – người bạn chơi A Bel của ông. Côn Hương nói, cả cái xã này, lớp trẻ chỉ mình Căn Thay biết chơi loại khèn này. Hai con người thuộc hai thế hệ khác nhau chung nỗi níu náu với tiếng A Bel. Họ kiệm lời. Căn Thay giữ chặt thân đàn. Côn Hương bắt đầu đôi tay nhịp nhàng ngân lên những khúc nhạc réo rắt… Hai người bên nhau, chạm nhẹ vào nhau bởi một đầu ống trúc, thả lòng mình giữa không gian tĩnh lặng và nghe tiếng lòng người đối diện bằng thanh âm của A Bel tưởng như mãi chìm vào lãng quên bỗng sống dậy, xóa tan lớp bụi mờ xưa cũ! Côn Hương nói tiếng Kinh chậm như nhặt hạt thóc: “Hơn nửa thế kỷ rồi, chưa một ngày bố rời cây A Bel. Ngày xưa thổi A Bel để gọi người yêu trên nhà sàn xuống đi sim, cha mẹ người con gái cũng được nghe A Bel, biết nó nói gì với con mình rồi thì đồng ý để con đi với bạn…”.
Côn Hương thổi A Bel mỗi khi vui, mỗi khi buồn, khi nhớ bạn đời. Người vợ ngày xưa ông từng thổi A Bel để rủ đi sim đã bỏ ông lại một mình với nương rẫy để về nơi bóng núi. Ông nghĩ nhiều về cuộc đời, về những gì đã qua trong hơn 70 mùa rẫy và rồi ông chợt nhận thấy cái không hề bị mất chỉ có A Bel. “Mỗi lúc thổi A Bel, bố như lại thấy được vợ mình ngày xưa, thấy nó mặc áo váy lên nương, nghe tiếng nói trong trẻo của vợ như hồi nó còn sống. Cái buồn trong lòng cũng bớt đi!”, Côn Hương nói.
Đồng vọng một điệu khèn

Hơn 70 mùa rẫy, già Côn Hương chưa một ngày rời cây A Bel
Ngồi bên Côn Hương, Căn Thay lặng lẽ lau nước mắt trên gương mặt mặn mà chất núi rừng. Chị là một trong số ít phụ nữ Pa Cô bây giờ còn biết rõ và nghe được A Bel. Tâm hồn chị xáo động trước những thanh âm như từ quá khứ vọng về. Phút giây Côn Hương ngân lên khúc tấu nhạc là dịp hiếm hoi chị mơ hồ thấy lại mình thời con gái. Thời gian trôi đi như dòng suối, tiếng A Bel như mái nhà sàn lợp tranh cứ thưa vắng dần trong bản. Căn Thay bấm đốt ngón tay: “Mình đi nhiều lễ hội, không chỉ ở Tà Rụt mà ở nhiều bản khác nữa, bây giờ chỉ có Côn Hương thổi A Bel đúng thôi. Hắn thổi cũng hay nhất, nghe hắn thổi A Bel thì mình khóc vì tiếng nhạc gợi mình về tuổi xuân”.
Mỗi năm cứ đến mùa núi rừng bạt ngàn hoa lau trắng, Côn Hương lại tưởng nhớ ông bà tổ tiên và những người thân của mình bằng tấu khúc A Bel. Cả đời ông tin rằng chỉ A Bel mới có thể giúp người Pa Cô bày tỏ được lòng mình với người đã mất. Có lẽ với ông và với những lớp người Pa Cô tuổi như ông, mọi sự giãi bày, chia sẻ, giao cảm giữa mình với người và giữa những cung bậc tâm hồn sâu kín thiêng liêng không phải lúc nào cũng có thể nói thành lời mà chỉ A Bel mới diễn tả hết cõi lòng mình. Tấu khúc A Bel dẫu vui, dẫu buồn đều là tiếng nói thoát ra từ tâm can của người Pa Cô. Từ ngày đôi chân ông không còn mạnh khỏe, ô cửa sổ là khoảng không gian duy nhất, nơi ông có thể giao hòa với chút khí trời. Không biết con cá dưới khe đã đến mùa ngược dòng gọi bạn, không biết con chim trên rừng đã đến mùa rời tổ di cư, nhưng ông không quên A Bel. Ông trăn trở: “Giờ thanh niên không biết thổi A Bel, chỉ nghe nhạc của người Kinh thôi. Chục năm nữa A Bel dứt khoát thất truyền…”. “Sao bố không tìm người truyền nghề?”, chúng tôi hỏi. Côn Hương giữ nguyên tư thế nói: “Lớp trẻ bây giờ hiếm đứa đam mê. Cũng không còn phải tỏ tình bằng A Bel nữa…”. Đôi mắt Côn Hương trống vắng, chơi vơi.                   
Rời Tà Rụt, tiếng lòng Côn Hương vẫn vang đâu đó như tiếng đồng vọng giữa đại ngàn. A Bel đúng nghĩa là tâm hồn, là tiếng nói giao cảm, đồng điệu, thể hiện các cung bậc đời sống tình cảm thuần khiết của mỗi con người. Thêm nữa, việc tưởng nhớ người thân, ông bà tổ tiên của người Pa Cô thể hiện lòng mình bằng A Bel. Và chỉ điều đó không thôi, A Bel đã có thể làm đại diện cho nét đẹp truyền thống cũng như bản sắc văn hóa đặc trưng của người Pa Cô ở miền Tây Quảng Trị.
Vĩnh Yên – Thiên Phúc
Khèn A Bel là nhân chứng sống của một đời người
Từ bao đời nay, người Pa Cô luôn phải vật lộn với cái ăn cái mặc. Việc đấu tranh với thiên nhiên, thú dữ và những giọt mồ hôi đổ xuống trên nương rẫy được coi là qui luật sinh tồn đời này qua đời khác. Nhưng dường như cuộc sống càng khó khăn vất vả thì những tấu khúc A Bel càng tha thiết hơn với cuộc đời. Nếu coi tù và là tiếng nói đại diện cổ xưa nhất của một tộc người thì theo lời Côn Hương, A Bel là nhân chứng sống của một đời người.
 
 

Bình luận (0)