Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

600 năm đất học Mộ Trạch

Tạp Chí Giáo Dục

Cổng vào làng đất học Mộ Trạch (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương)
Cách Hà Nội trên dưới 50km, đất học Mộ Trạch (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước. Sau rất nhiều lần trì hoãn, tôi cũng lên được “dây cót tinh thần” để về đến Mộ Trạch – mảnh đất khoa cử này…
Bắt đầu vào đất Tân Hồng, đường làng Tiến sĩ mở ra trước mắt. Đường đổ bê tông với 4 làn xe. Hàng cau vua xanh mướt mát đứng giữa mênh mông gió đồng nội thổi bốn mùa. Con đường này có lẽ ngày xưa đã có nhiều tiến sĩ võng áo xênh xang về vinh quy bái tổ.
Đường làng Tiến sĩ
Cổng làng Mộ Trạch hiện ra. Dường như ở ngôi làng này, mỗi cái cây, cọng cỏ đều gắn với một sự tích nào đấy. Qua cổng làng là miếu thờ cụ Vu Hồn, người đã đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng lên đất Mộ Trạch ngày nay. Ngôi miếu này ngoài thờ cụ còn là nơi được coi như nhà truyền thống của làng, lưu giữ những bức ảnh những người con của quê hương đã có những đóng góp cho đất nước như GS. Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đầu tiên, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Ông Vũ Quốc Ái, Phó chủ tịch Chi hội Khuyến học Mộ Trạch cho biết từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII có 36 người đỗ tiến sĩ, 1 trạng nguyên là Lê Nại đỗ Trạng nguyên năm 1502. Mấy chục vị khác đỗ Hương cống, tú tài… Trong số Hương cống, có ông Vũ Quốc Sỹ sinh được 5 người con là Vũ Từ Khoái, Vũ Bạt Tụy, Vũ Duy Trí, Vũ Công Trượng, Vũ Công Hối thì được phong 1 tể tướng, 3 quan đại thần trong triều, 3 quận công, 1 hoàng giáp, 1 tiến sĩ. Trong đó, con của tiến sĩ Vũ Bạt Tụy là Vũ Huy Đoán đỗ tiến sĩ năm 1664 và con của tiến sĩ Vũ Huy Đoán là Vũ Duy Khuông cũng đỗ tiến sĩ năm 1670. Trong số các tiến sĩ trên, tiến sĩ Vũ Hữu còn được vua phong Trạng toán khi dự toán sửa thành Thăng Long. Khi sửa xong thành, không thừa, không thiếu một viên gạch, một viên ngói, không thiếu một tạ vôi. Ông cũng là tác giả của lập thành toán pháp.
Mộ Trạch còn nổi tiếng với 4 ông trạng nữa là Trạng ăn Lê Nại (đồng thời là Trạng nguyên), Trạng cờ Vũ Huyên, Trạng vật Vũ Phong và Trạng chạy Vũ Cương Trực. Trong làng cũng còn lưu truyền nhiều câu chuyện liên quan đến các tiến sĩ của làng. Năm Bính Dần 1656, cả nước có 6 tiến sĩ thì riêng Mộ Trạch có 3 và đều họ Vũ. Khi đăng khoa trích lục, nhà vua khen và bút phê: Nhất gia bán thiên hạ (Một nhà bằng nửa thiên hạ). Chính vì số lượng người tài chiếm tỷ lệ lớn trong thiên hạ nên dân gian mới truyền tụng: Nhất Mộ Trạch, nhị Cổ Am, tam Hành Thiện (thứ nhất Mộ Trạch (Hải Dương), thứ hai Cổ Am (Hải Phòng), thứ ba là Hành Thiện (Nam Định). Mảnh đất Mộ Trạch được coi là nơi địa linh nhân kiệt.
Sự học thời nay
Đó là cái sự học thời xưa, cái sự học thời nay có nhiều thay đổi. Những gia đình có hai con, ba con, thậm chí bốn con đỗ ĐH là chuyện rất bình thường ở mảnh đất này. Cả làng vẫn ca ngợi gia đình anh thương binh nặng Vũ Hồng Quang đã nuôi dạy cả bốn con đỗ ĐH, trong đó có cô con gái Vũ Thị Đào hiện đã là tiến sĩ. Hay như gia đình chị Nhữ Thị Đua cũng có hai con học ĐH, gia đình anh Vũ Đình Long, chị Vũ Thị Vòng cũng đều có hai con học ĐH. Ông Vũ Quốc Ái cho biết ở đây người dân chỉ trọng cái chữ. Tiền chỉ là phương tiện. Hàng năm, sau mỗi kỳ thi, Hội Khuyến học lại tổ chức tuyên dương những học sinh đỗ ĐH. Ông Ái cũng cho biết từ năm 1960 đến nay, làng có hơn 400 người đỗ ĐH, CĐ. Riêng từ năm 2009 đến 2014, làng có 135 học sinh đỗ ĐH. Trong đó, năm 2010 cả xã Tân Hồng có 35 học sinh đỗ ĐH thì Mộ Trạch có 31 học sinh. Năm 2014, làng có 18 học sinh. Làng cũng có gần chục tiến sĩ như tiến sĩ Nguyễn Văn Hiển, tiến sĩ Vũ Thị Liên, tiến sĩ Vũ Thị Đào, tiến sĩ Nhữ Đình Lưu, tiến sĩ Vũ Khắc Thịnh. Trong đó tiến sĩ Vũ Khắc Thịnh là tiến sĩ vật lý nguyên tử hiện đang công tác tại Nhật Bản.
Ở Mộ Trạch có một nét đặc biệt, đó là trên 87% người dân là họ Vũ. Những người họ Vũ thành đạt trong khoa cử cũng chiếm tỷ lệ rất cao. Trong số 36 tiến sĩ thời nho học, họ Vũ có 29 tiến sĩ, họ Lê có 1 trạng nguyên, 5 tiến sĩ, còn lại là họ khác. Chia sẻ về cách dạy con, chị Nhữ Thị Đua cho biết ngoài ý thức của các con, chị lấy các tấm gương trong làng để giáo dục cho các con. Đến mùa lễ hội của làng hay ngày giỗ tổ, chị khuyến khích các con tham gia để hiểu hơn về truyền thống của làng, của dòng tộc, của gia đình. Anh em gần trong gia đình không có ai có con đi học ĐH nhưng dòng họ Vũ của chị thì lại là một dòng họ nổi tiếng ở Mộ Trạch nên các con có nhiều cái phải học, phải nghe. Các lễ hội của làng chị đều khuyến khích các con tham gia để hiểu hơn về truyền thống hiếu học của cha ông mình.
Làm khuyến học từ thế kỷ XV

Gia đình ông Vũ Quốc Ái – Phó chủ tịch Chi hội Khuyến học Mộ Trạch cũng có 2 con học đại học
Đến Mộ Trạch, ngoài những con số tiến sĩ, khoa bảng thời xưa, thời nay được xem như một trong những địa phương dẫn đầu cả nước thì điều khiến tôi ấn tượng khác đó là những người làm khuyến học nơi đây. Thầy Vũ Duy Giỏi, Chi hội trưởng Hội Khuyến học của thôn đã 70 tuổi. Thầy nguyên là Hiệu trưởng Trường THCS Tân Hồng. Sức khỏe không cho phép nhưng thầy vẫn nhiệt tình tham gia công tác hội. Ông Vũ Quốc Ái, là thương binh, cũng đã 68 tuổi nhưng vẫn rất hăng say với công việc của hội. Ông Ái cho biết ông cũng đã đi tới 43 tỉnh thành để xem người ta làm khuyến học. Ông cũng chính là người tinh làu sử sách của quê hương để truyền lại cho con cháu.
Điều đặc biệt là từ năm 2007, Hội Khuyến học của Mộ Trạch đã làm công việc tư vấn mùa thi vào tháng 3 cho các học sinh đang học lớp 12 của thôn. Hội tổ chức mời các giáo sư, tiến sĩ, giảng viên các trường ĐH đã từng được sinh ra tại làng về tư vấn cho các em các vấn đề như lập thân, lập nghiệp, kinh nghiệm thi cử trong làm bài thi ĐH như thi tự luận, trắc nghiệm; tư vấn chọn ngành, chọn nghề, chọn trường thi phù hợp. Các GS.TS.NGND Vũ Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, GS.TS Vũ Minh Giang, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, kỹ sư Vũ Duy Giang, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, kỹ sư Vũ Đăng Cường, cán bộ Tổng cục II (Bộ Quốc phòng)… đã về làng Mộ Trạch tư vấn cho các học sinh. Mô hình này đến năm 2014 đã được tổ chức ở cấp độ huyện.
Nói về phong trào hiếu học của thôn, ông Vũ Duy Giỏi, Chủ tịch Chi hội Khuyến học Mộ Trạch cho biết từ xa xưa, người dân Mộ Trạch đã làm khuyến học. Các cụ túc nho đã lập ra cựu quán khảo văn. Các nho sĩ muốn đi thi đỗ đạt thì phải qua kỳ thi của các cụ ở thôn. Ai không đỗ nhưng vẫn tự ý đi thi, nếu có đỗ trạng, làng cũng không nhận. Còn về tinh thần hiếu học, ông Vũ Quốc Ái cho biết trong làng vẫn lưu truyền câu chuyện về tiến sĩ Vũ Đôn, hoàng giáp năm 1487. Để tránh bị cơn buồn ngủ làm ảnh hưởng tới việc học, mùa hè, ông dùng dây buộc tóc lên xà nhà, mùa đông, ông ngâm chân vào chậu nước lạnh. Những tấm gương vượt khó học giỏi thời nay cũng là sự tiếp nối truyền thống của cha ông.
Bài, ảnh: Nghiêm Huê
Không biết ai là người nghĩ ra để đặt tên cho con đường nhưng nó thực sự gợi nhớ, thực sự là con đường nhắc nhở con cháu đối với truyền thống cha ông. Và có lẽ, cả nước chỉ có một con đường này mang tên đường làng Tiến sĩ.
 

Bình luận (0)