SV tan học trên đường về nhà trọ |
Năm học mới 2009-2010 đối với tân sinh viên (SV) các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Đà Lạt vừa mới bắt đầu. Bên cạnh các khoản chi phí “thường nhật” như học phí, dụng cụ học tập, cơm áo gạo tiền… năm nay, vấn đề nhà trọ đã khiến nhiều SV và phụ huynh phải… đau đầu!
Nhà trọ… quá tải
Trước đây trên địa bàn thành phố Đà Lạt chỉ có hai trường ĐH Đà Lạt và CĐSP Đà Lạt với quy mô các khoa, ngành đào tạo chưa nhiều, do đó số lượng SV không đông. Tuy nhiên những năm gần đây, trên địa bàn Đà Lạt liên tiếp thành lập và nâng cấp một số trường mới: ĐH Yersin Đà Lạt, CĐ Nghề Đà Lạt (từ Trường Dạy nghề Đà Lạt), CĐ Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng (từ Trường Trung học KT-KT Lâm Đồng), CĐ Y tế Lâm Đồng (từ Trường Trung học Y tế Lâm Đồng); Trung cấp Du lịch Đà Lạt… Cùng với đó là số lượng SV không ngừng tăng lên.
Theo số liệu đăng ký tạm trú tại địa phương của các trường trong năm học 2009-2010 là hơn 15.000 SV. Tuy nhiên, qua số liệu khảo sát về nhu cầu phòng trọ (chủ yếu đối với SV các trường ĐH, CĐ, TCCN…) thì nhu cầu thực tế về chỗ ở trong năm học mới này là hơn 17.000 SV. Trong khi đó, KTX các trường chỉ bố trí khoảng 20 – 25% chỗ trọ cho SV nội trú. Và, một thực tế nữa là hiện nay ngoài nhu cầu về phòng trọ đối với SV thì chỗ ở cho đội ngũ cán bộ, CNVC đang làm việc, công tác trong các cơ quan, doanh nghiệp và người lao động tự do (di cư từ nhiều tỉnh, thành khác đến Đà Lạt) cũng khá cao. Đặc biệt, số hộ dân ở Đà Lạt có nhà thuộc các khu vực giải phóng mặt bằng để thực hiện chỉnh trang thành phố theo quyết định của chính quyền địa phương cũng là đối tượng phải thuê nhà trọ chiếm khá nhiều.
Từ những số liệu so sánh trên, có thể thấy nhu cầu về nhà ở, phòng trọ không chỉ đối với SV mà ngay cả người dân cũng rất bức xúc! Nhiều hộ dân sống ở khu vực có các trường ĐH, CĐ như: đường Bùi Thị Xuân, Nguyễn Công trứ, Thông Thiên Học, Phù Đổng Thiên Vương, Nguyễn Thị Nghĩa… nắm bắt nhu cầu về nhu cầu chỗ trọ của SV, đã xây dựng thêm nhiều khu nhà trọ hoặc thu bớt diện tích sử dụng của gia đình, cơi nới nhà ở làm phòng trọ… cho SV thuê. Nhưng nhìn chung, “cung” vẫn không theo kịp “cầu”!
Giá thuê… trên trời
Địa bàn có đông SV cư trú tập trung là tại khu vực ngã 5 đại học thuộc phường 2 và phường 8. Khảo sát một vòng các nhà trọ nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, Thông Thiên Học, Phù Đổng Thiên Vương… Tiếp xúc với các chủ nhà trọ và SV chúng tôi được biết hiện các phòng trọ ở các khu vực này đã chật kín nên giá thuê bị đẩy lên cao hơn rất nhiều so với năm học trước. Phần lớn các chủ nhà trọ căn cứ từng loại phòng rồi “áp” một mức giá cụ thể, người thuê đồng ý thì ở, không đồng ý thì thôi, không kỳ kèo trả giá! (điện, nước SV xài bao nhiêu tự trả). Nguyên nhân chính để các chủ nhà trọ tăng giá phòng rất đơn giản: “Nhiều người thuê mà nhà trọ thì ít”! Đa số các chủ nhà trọ nâng giá phòng trọ lên 100.000 – 150.000 đồng/phòng. Những phòng trọ có giá trung bình và “mềm” nhất là khoảng 300 – 400.000 đồng/phòng (các phòng nhỏ chỉ 4 – 5m2), vách gỗ đơn sơ và dùng chung toilet. Riêng các phòng trọ được xây kiên cố, có diện tích từ 8 – 9m2 có giá giao động từ 500.000 – 600.000 đồng/phòng. Thậm chí, ở một số khu vực trung tâm gần ngã 5 đại học có những phòng trọ có giá tới 800.000 đồng/phòng. Tuy nhiên, giá phòng trọ cao hay thấp cũng còn tùy thuộc trong mỗi phòng có nhà tắm, toilet riêng hay chung; có vị trí xa hay gần trường học. Một chủ nhà trọ ở đường Thông Thiên Học cho biết, giá phòng trọ năm nay gia đình ông có tăng chút ít (nhưng không cao so với một số hộ khác – P.V), nước xài SV được “chiêu đãi”, còn tiền điện SV sử dụng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu.
Nhiều phụ huynh cho biết việc tìm được chỗ trọ vừa hợp túi tiền vừa đảm bảo điều kiện tối thiểu cho con em học tập, sinh hoạt là rất nan giải, khó khăn. Trao đổi với một số tân SV tại các nhà trọ, tất cả đều cho rằng những ngày đầu nhập trường việc tìm kiếm nhà trọ mất rất nhiều thời gian và công sức. Có SV đã mấy lần dời chỗ trọ mà vẫn chưa ổn định. Để giảm bớt chi phí tốn kém tiền nhà trọ, các SV thường “hùn” tiền thuê một phòng đơn để ở chung (dù rất chật chội). Tuy nhiên, nếu ở ghép như vậy phải trả thêm (phụ thu) trên dưới 100.000 đồng/tháng. Trường hợp khác, một số SV buộc phải kiếm nhà trọ xa trường đi lại vất vả, nhưng bù lại giá có rẻ hơn; hoặc chấp nhận thuê những phòng trọ do dân địa phương xây dựng không phép, cơi nới trái phép thường không đủ diện tích và điều kiện học tập, sinh hoạt…
Nhiều phụ huynh cho biết việc tìm được chỗ trọ vừa hợp túi tiền vừa đảm bảo điều kiện tối thiểu cho con em học tập, sinh hoạt là rất nan giải, khó khăn. |
Để khắc phục thực trạng này, UNBD tỉnh Lâm Đồng đã quyết định phát triển nhà ở cho SV tại các cơ sở đào tạo; nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp tập trung và nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp tại các vực đô thị. Theo đó, đến cuối năm 2010, Lâm Đồng sẽ tập trung giải quyết chỗ ở khoảng 50% số SV có nhu cầu về chỗ trọ để học tập. Tuy nhiên, trước “sức ép” về nhu cầu chỗ ở của nhiều đối tượng trên địa bàn TP.Đà Lạt đã gây ra “sốt” nhà trọ của SV như hiện nay liệu có phương án giải quyết kịp thời? Việc xây nhà ở mới, những KTX mới cho SV bao giờ thành hiện thực? Phải chờ! Đồng nghĩa với việc nhà trọ của SV các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Đà Lạt xem ra vẫn còn phải lao đao…
Bài, ảnh: THANH HỒNG
Bình luận (0)