Sinh viên Trường ĐH Văn Hiến trong buổi lễ tốt nghiệp ra trường
|
Theo quyết định số 2708/QĐ-BGDĐT ngày 26-7-2013, Trường ĐH Văn Hiến sẽ chính thức tuyển sinh sau ĐH chuyên ngành văn học Việt Nam thuộc Khoa Ngữ văn từ năm 2013, sẽ giúp những người có nguyện vọng nâng cao trình độ giảng dạy hoặc làm báo có thêm nhiều cơ hội lựa chọn cho việc phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Hằng năm, nhu cầu nhân lực trình độ sau ĐH tại phía Nam rất lớn trong khi đó số lượng trường có đào tạo thạc sĩ chuyên ngành này rất ít so với số người có nguyện vọng học nâng cao lên. Đấy là chưa nói đến theo đề án của Bộ GD-ĐT đến năm 2020 phải nâng cấp giáo viên phổ thông lên 5% trình độ thạc sĩ. Bên cạnh những chương trình đào tạo sau ĐH vốn đã được biết đến tại các trường công, “kênh” đào tạo mới của Trường ĐH Văn Hiến sẽ giúp khu vực phía Nam hàng năm tăng thêm nguồn nhân lực trình độ cao. Hiện tại, nhà trường và Khoa Ngữ văn đã chuẩn bị hoàn tất kế hoạch tuyển sinh cũng như những điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo như điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, giáo trình và cả đội ngũ giảng viên chuyên ngành.
“Việc các trường được cấp phép đào tạo thạc sĩ chuyên ngành văn học Việt Nam còn hạn chế như vậy là do yêu cầu đầu vào cao. Chẳng hạn muốn đào tạo trình độ thạc sĩ thì phải có từ 5 tiến sĩ (TS) trở lên. Và 5 người phải đáp ứng được một số yêu cầu như trong 3 năm trở lại phải có 3 công trình đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành. Trường ĐH Văn Hiến hiện có 8 GS, PGS, TS ngành văn, đều có thâm niên đào tạo sau ĐH ở các trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Viện Khoa học xã hội phía Nam… như GS.TSKH Lê Ngọc Trà, TS. Nguyễn Ngọc Quận, TS. Trần Thị Thuận, PGS.TS Đoàn Lê Giang… Đây là một trong những thuận lợi lớn của trường đối với quyết định cấp phép đào tạo từ Bộ GD-ĐT” – TS. Hồ Quốc Hùng – Trưởng ban Đào tạo sau ĐH ngành Văn học Việt Nam – ĐH Văn Hiến cho biết.
Trong năm đầu tiên, trường đào tạo khoảng 50 chỉ tiêu với mức học phí trọn khóa 15 triệu đồng, đây là mức học phí thấp nhất hiện nay vì học phí này đã được nhà trường hỗ trợ một phần kinh phí nhằm khuyến khích giáo viên, cán bộ văn hóa, phóng viên… nâng cao trình độ chuyên môn.
Cũng theo PGS.TS Huỳnh Văn Vân, giáo viên phổ thông các cấp, người làm báo chí và quản lý văn hóa xã hội các cấp ở địa phương là đối tượng hướng đến của chương trình. Vì vậy, nội dung đào tạo cũng sẽ chú trọng phối hợp giữa lý luận chuyên ngành và các vấn đề đặt ra cho từng giai đoạn văn học, từng bộ phận văn học nhằm giúp người học vận dụng hiệu quả vào việc tác nghiệp chủ yếu là dạy học và làm báo. Thời gian học cũng được trường sắp xếp linh động để học viên có thể lựa chọn phù hợp mà không làm ảnh hưởng đến công việc.
Ngoài việc chuẩn bị tiềm lực cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo như 100% phòng học trang bị máy lạnh, máy chiếu… trường còn bổ sung thêm hơn 1.500 đầu sách chuyên ngành phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập của học viên. Trước đó, trường cũng đã đón nhận trên 3.000 đầu sách quý do GS. Hoàng Như Mai tặng.
Trong tương lai, đào tạo trình độ tiến sĩ ngành văn học Việt Nam sẽ là hướng đi tiếp theo của trường nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực của người học cũng như nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao của xã hội.
P.V
Thí sinh dự tuyển phải có bằng cử nhân văn học thuộc các hệ đào tạo (chính quy, tại chức, từ xa). Những người có bằng tốt nghiệp ĐH ngành gần như: Văn hóa học, Đông phương học, Việt Nam học, xã hội học… phải học bổ sung kiến thức trước khi dự thi. Nhận hồ sơ từ nay đến hết ngày 15-9 tại 665-667-669 Điện Biên Phủ, P.1, Q.3. Dự kiến, ngày 15 và 16-10 sẽ tổ chức thi. Ngày 25-11, thí sinh trúng tuyển nhập học. Học viên có thể lựa chọn thời gian học, hoặc học các buổi tối trong tuần hoặc các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật. Sáng từ 7 giờ 30 đến 11 giờ, chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ, tối từ 17 giờ 30 đến 21 giờ. Thí sinh truy cập website www.tuyensinh. vhu.edu.vn hoặc hotline 18001568 để biết thêm chi tiết. |
Bình luận (0)