Nhà trường cần phải xây dựng một môi trường thân thiện, kiểm soát chặt chẽ tình trạng bạo lực. Trong ảnh: Giáo viên hướng dẫn HS viết bài. Ảnh: N.Trinh
|
Sự việc em nữ sinh ở Trường THCS Phan Bội Châu (Q.Tân Phú, TP.HCM) tử vong trên lớp học thực sự rất đáng tiếc, trước hết là với gia đình học sinh (HS).
Có lẽ nỗi đau mất con em rất khó có thể chia sẻ, bù đắp, nhất là khi gia đình đã biết con em mình có tiền sử bệnh nhưng không thể xử lý, khắc phục. Điều đáng tiếc tiếp theo là đối với cô giáo liên quan đến sự việc này. Theo dõi các bình luận trên mạng, chúng tôi nhận thấy phần lớn chia sẻ, thông cảm với cô giáo, nhưng quả thực khó ủng hộ cách xử sự đó. Từ đây, có thể rút ra nhiều bài học sâu sắc trong việc giáo dục trẻ.
Thứ nhất, gia đình cần thiết có sự thông tin hai chiều chặt chẽ, đầy đủ với nhà trường, với GV về trẻ, nhất là với những đặc điểm riêng, có tính chất cá biệt, như về sức khỏe, bệnh tật, tâm lý đặc thù… Chẳng hạn, nếu đã phát hiện trẻ có tiền sử bệnh bẩm sinh, mãn tính nào đó, hoặc có một khuyết tật (về mắt, cột sống…), hoặc có một “vấn đề” nào đó về tâm lý (do bị chấn động bởi một sang chấn tâm lý như bị bạo hành, bị lạm dụng…)… thì gia đình cần thông báo chi tiết với GV chủ nhiệm và qua GV này có sự lưu ý đến các GV khác. Do đó, bản thân cha mẹ phải thực sự quan tâm, tìm hiểu tình trạng của con mình, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường và thông tin điều đó với GV; có khi qua việc thông tin này để hiểu rõ con mình và có cách khắc phục tốt hơn. Thí dụ, gần đây, cha mẹ phát hiện trẻ hay biếng ăn, hay cáu gắt, hay đánh em…, thì nên tìm hiểu cặn kẽ, trong đó cần thiết tìm hiểu việc học tập, sinh hoạt của trẻ trên lớp, ở trường. Có thể, trẻ bị bạn ăn hiếp trên lớp nên bị ức chế hoặc trẻ cảm thấy bất công điều gì đó từ phía GV nên sinh ra căng thẳng. Do đó, việc tìm hiểu sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ hoàn cảnh thực tế của con, bản thân có thể khắc phục và qua việc thông tin với GV để GV lưu ý mà có phương pháp giáo dục hợp lý.
Thứ hai, GV phải có cách ứng xử, có phương pháp giáo dục phù hợp, trên tinh thần hạn chế bạo lực, kể cả bạo lực thể chất hay tinh thần. Các cách ứng xử, dù dưới danh nghĩa là một biện pháp giáo dục, mang tính hạ thấp HS, sỉ nhục, gây đau đớn cho HS dưới bất cứ hình thức nào cũng cần hết sức tránh. Trong phần lớn trường hợp, phương pháp giáo dục tích cực và hiệu quả nhất vẫn là động viên, khích lệ để trẻ phát huy tối đa ưu điểm và hạn chế thấp nhất các nhược điểm thay vì bắt một HS có ưu điểm này phải thể hiện tốt nhất ở điểm mà với HS đó là nhược điểm, rồi phê phán em ấy thiếu cố gắng. Ví như mắng một HS thích học toán là “học văn sao ngu quá” hay bắt một HS kém tính toán phải nhạy bén phải thể hiện như một HS giỏi toán, rồi dùng các hình thức phê phán, trừng phạt, thì chưa phải là phương pháp giáo dục hợp lý. Và, người thầy cần lưu ý đến hai điều sau đây: Khi dùng đòn roi thì hãy thử đặt mình vào vị trí là cha mẹ của HS đó hoặc đặt trường hợp HS đó là con em mình; và, dùng biện pháp bạo lực thì hãy nghĩ đến hậu quả của điều đó. Tôi tin rằng, một GV có trách nhiệm, có tâm huyết, có “nghề” sẽ hiếm khi sử dụng đến “hạ sách” là dùng bạo lực.
Thứ ba, nhà trường phải xây dựng một môi trường thực sự thân thiện, kiểm soát tối đa tình trạng bạo lực. Môi trường thân thiện và kiểm soát bạo lực phải xuất phát từ phía ban giám hiệu, GV và mọi thành viên trong nhà trường. Ban giám hiệu phải thống nhất về chủ trương không sử dụng bạo lực dưới mọi hình thức cho GV và nhân viên của mình (kể cả với giám thị, bảo mẫu, bảo vệ), phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và có hình thức xử lý nghiêm khắc với những trường hợp vi phạm, nhất là khi đã xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Người thầy phải xem việc sử dụng bạo lực là phương pháp thiếu tính giáo dục, thậm chí không phải là biện pháp giáo dục, chứ không nên xem đó là một trong những phương pháp. Những hành vi tưởng nhỏ như nhéo tai, cốc đầu, bắt thụt dầu, ném phấn… nhưng cũng cho thấy sự thiếu kiềm chế của người thầy và ít nhiều sự hạn chế trong việc tìm các phương pháp giáo dục khác có hiệu quả hơn. Ngoài ra, nhà trường phải giám sát tốt việc ứng xử với nhau giữa các HS, nhất là với HS THCS, THPT; kịp thời phát hiện và xử lý đúng đắn các tình huống để tránh xảy ra bạo lực giữa HS, kể cả khi HS không còn ở trong nhà trường. Các hiện tượng bắt nạt, đe dọa dưới các dạng “đại ca”, “đại tỉ” hoặc “bang hội” đều có mầm mống bạo lực khi có “thành viên” nào tỏ ra bất phục hoặc đi ngược lại ý chí của cá nhân nào đó…
Việc sử dụng bạo lực trong nhà trường hiện nay vẫn còn khá phổ biến. Có nhiều lớp ở bậc tiểu học, không HS nào không bị GV đánh đòn. Đây là điều rất đáng chú ý. Việc sử dụng bạo lực liên quan đến thương tật hay tử vong của HS còn đáng tiếc hơn. Do đó, vụ việc em nữ sinh ở Trường THCS Phan Bội Châu thực sự là bài học quý giá và sâu sắc cho tất cả các GV, các trường học và các phụ huynh.
ThS. Nguyễn Minh Hải
Điều đáng tiếc đã xảy ra, mỗi người có liên quan có thể nhận lấy một hậu quả nào đó. Như với GV đứng lớp, dù được gia đình em nữ sinh thông cảm, được dư luận chia sẻ, có thể nhận hoặc không nhận hình thức kỷ luật nào đó của nhà trường, của pháp luật thì có lẽ sự dằn vặt, ray rứt sẽ theo đuổi cô rất lâu. |
Bình luận (0)