Sự kiện giáo dụcTin tức

Vật lộn với “cái chết trắng”

Tạp Chí Giáo Dục

Từ trái sang phải: nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Thanh, Trần Thanh Thúy và Lang Thanh Bình (đứng cuối)

Tại triển lãm ảnh Đối mặt với ma túy diễn ra tại TP.HCM từ 26-11 đến 3-12 nhân kỷ niệm Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (1-12), nhà nhiếp ảnh Phạm Hoài Thanh cho biết: “Trong số 50 người đã và đang sử dụng ma túy tham gia vào triển lãm ảnh lần này đã có hai người chết”. Vâng! Chỉ một năm, sau cái ngày họ thực hiện bộ ảnh Đối mặt với ma túy, họ đã ra đi vì bị nhiễm bệnh HIV/AIDS khi tiêm chích ma túy. Điều đó cho thấy sự hủy diệt của ma túy là vô cùng khủng khiếp…
Việt Nam hiện có khoảng 147 ngàn người nghiện ma túy. Và “con nghiện” thì có mặt ở 57% số xã, phường trên 90% quận, huyện thuộc 63 tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều người trong số họ đang ngày đêm vật lộn để thoát khỏi ma túy. Nhưng không giống với suy nghĩ ban đầu của họ: “Chơi được thì bỏ được”, nói không với ma túy thật chẳng dễ chút nào…
“Con nghiện” 9 năm liền là học sinh giỏi
Gặp Lang Thanh Bình (SN 1979, Q.3, TP.HCM), không ai nghĩ anh đã từng có 15 năm sống chung với ma túy.
Bình là con một trong một gia đình công chức. Từ bé, Bình đã được giáo dục rất nghiêm khắc. Bình nhớ lại: “Khi tôi học lớp 3, một ông hàng xóm sau khi hút thuốc đã ném mẩu thuốc xuống đất trước mặt tôi. Thấy vậy, tôi nhặt lên và hút. Đúng lúc đấy, ba tôi nhìn thấy và ông đã cho tôi mấy roi. Cũng từ đó, tôi không dám hút thuốc nữa. Vài năm sau, tôi lại bị thêm một trận đòn nữa, đó là khi tôi đi chơi về do bực bội nên đã chửi thề. Tôi mới mở miệng nói “đù” thì ngay lập tức đã bị ba đánh đòn…”.
Sự giáo dục nghiêm khắc của gia đình đã giúp Bình trở thành một đứa con ngoan, trò giỏi – Từ lớp 1 đến lớp 9, năm nào Bình cũng là học sinh giỏi. Và hai chữ “ma túy” sẽ không thể chen ngang vào cuộc đời Bình, nếu…
Hè năm lớp 9, một nhóm giang hồ ở Hải Phòng đã mướn phòng trọ gần nhà Bình. Nhóm thanh niên này thường xuyên dụ Bình chơi ma túy. Nhóm này quảng cáo ma túy chỉ dành cho những người có đẳng cấp. Nghe bùi tai, thế là Bình chơi. Và lúc đó, Bình rất tự tin cho rằng “chơi được thì bỏ được”.
Ba mẹ kiếm được nhiều tiền, Bình lại là đứa con duy nhất nên lúc nào trong túi cũng rủng rỉnh tiền. Bình kể: “Hôm nào bèo nhất trong túi tôi cũng có 500 ngàn đồng, tương đương với một chỉ vàng”. Theo đó, Bình chưa bao giờ thiếu thuốc. Bởi vậy, lúc nào trông anh cũng rất phong độ – áo bỏ vào quần, đi giày bóng loáng. Ba mẹ, bạn bè và thầy cô hoàn toàn không hay biết Bình đang đắm chìm trong ma túy.
Có một lần, vô tình mẹ Bình phát hiện trong túi áo của con có 20 cục màu trắng giống như thuốc tây. Thế là bà mẹ mang ra tiệm thuốc tây hỏi, người bán thuốc “bó tay”. Sau đó, bà hỏi con trai đó là thuốc gì? Bình trả lời tỉnh bơ: “Đó là thuốc chữa bệnh nan y, người ta gửi con. Hàng xách tay từ Mỹ về đấy, ở Việt Nam có tiền cũng không mua được đâu. Ba mẹ đưa cho con để đem trả cho người ta”. Tưởng thật, ba mẹ Bình đã đưa lại 20 cục “thuốc chữa bệnh nan y” cho Bình mà không biết rằng cái thứ đó đang ngày đêm giết chết đứa con duy nhất của họ…
Gần 2 năm (từ hè năm lớp 9 đến cuối năm lớp 11), Bình sống chung với ma túy và gây ra không biết bao nhiêu sóng gió cho gia đình cũng như nhà trường. Bình kể: “Chỉ một năm lớp 10 mà tôi phải chuyển trường tới 6 lần vì rất nhiều tội. Chẳng hạn như đánh nhau, bỏ học, bỏ nhà…”. Sau khi thi xong môn đầu tiên của kỳ thi học kỳ II lớp 11, Bình chính thức bỏ học. Và đến lúc này gia đình mới biết Bình nghiện ma túy.
Hai đấng sinh thành của Bình đã bỏ không biết bao nhiêu công sức và tiền của để cai nghiện cho quý tử nhưng… “Phải đến lần thứ 35 tôi mới bỏ được ma túy. Từ TP.HCM đến các tỉnh lân cận, rồi Nha Trang, Hà Nội và cả Thái Lan nữa, nơi nào tổ chức cai nghiện gia đình đều đưa tôi tới”, Bình cho biết.
Đầu năm 2003, sau khi đi cai về, Bình đã tìm đến khu Mã Lạng (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1) mua ma túy. Tại đây, Bình bị dân phòng chặn lại. Thế là Bình bị truy tố về tội “tàng trữ trái phép ma túy”. Do nhân thân tốt nên Bình chỉ bị xử 24 tháng tù treo, 30 tháng thử thách. Cũng chính thời gian này, ba mẹ Bình đã nhờ công an giúp con mình đi cai nghiện ở Trung tâm Chữa bệnh Đức Hạnh, Bình Phước.
Năm 1994, Bình bắt đầu vướng vào ma túy và phải đến năm 2009 mới chính thức từ bỏ được nó. Và bây giờ: “Tôi làm nhân viên chăm sóc cộng đồng, hàng ngày đến các gia đình trong địa bàn được phân công thăm nom, giúp đỡ mọi người”, Bình cho biết.
“Má đã từng quỳ dưới mưa cầu xin tôi trở về”
Có lẽ suốt cuộc đời này, Trần Thanh Thúy (SN 1976, P.1, Q.10) cũng không thể nào quên được sự bất hiếu của mình đối với ba má trong những tháng ngày chị vướng vào ma túy. Cái thứ bột trăng trắng ấy đã khiến chị mất hết tính người. Mỗi khi lên cơn, chị giống như một kẻ điên, vớ được thứ gì trong nhà là đem đi bán để có tiền mua thuốc. Hết thuốc là chị lại bỏ nhà ra đi. Có lần má chị tìm đến nơi chị hút và quỳ gối xuống cầu xin con trở về nhà nhưng Thúy nhất quyết không về. “Lúc đó, trời mưa rất to. Vậy mà má vẫn cứ quỳ dưới mưa cầu xin tôi hãy về nhà. Nhưng tôi đã không về, mặc dù tôi biết làm như vậy là sai. Song, khi lên cơn rồi thì con người không còn là con người nữa”, chị Thúy đau xót nhớ lại.
Một lần khác, chị bị gia đình nhốt trong nhà. Lúc đó má chị đi chợ về, bà vừa mở cửa là chị chạy ra ngoài. Thấy vậy, bà vứt vội giỏ thức ăn xuống đất ôm lấy chân con không cho chạy. Mấy người hàng xóm cũng phụ bà giữ chặt chị lại. Đang lên cơn, Thúy rút ống tiêm ra dọa: “Mấy người có buông ra không. Không buông tôi chích vào người đấy”. Sợ quá, mấy người hàng xóm buông ra, còn má chị không thể chống lại sức mạnh của đứa con đang lên cơn đành ngã lăn ra đất bất lực nhìn con chạy đi…
… Không được may mắn như Lang Thanh Bình, chị Thúy sinh ra trong một gia đình đông con và nghèo. Bởi vậy, Thúy chỉ học hết lớp 5 rồi nghỉ và đi phụ việc ở tiệm làm tóc. Sau đó, Thúy mở một tiệm uốn tóc gần nhà. Thấy Thúy khéo tay, dễ gần nên nhiều người ủng hộ. Bởi vậy, tiệm uốn tóc ngày càng ăn nên làm ra. Lúc đó, trong xóm có mấy cô gái cùng trang lứa làm cave thường rủ Thúy đi vũ trường.
“Gần mực thì đen”… Chơi với cave, lại thường xuyên đi vũ trường nên Thúy nhanh chóng vướng vào ma túy và nghiện lúc nào không hay. Tỷ lệ thuận với sự lên đô của Thúy là sự tiêu tan của tiệm uốn tóc. Chị kể: “Lúc vả, tay chân rã rời, gội một cái đầu cho khách mà mất mấy tiếng đồng hồ. Khách bỏ dần dần, cuối cùng phải sang tiệm cho người khác”.
Tiền sang tiệm cũng nhanh chóng bay theo làn khói trắng của ma túy. Hết tiền của bản thân thì lấy tiền của người khác, Thúy bất chấp tất cả chỉ để thỏa mãn cơn nghiện.
Không thể dùng tình cảm để ngăn cản Thúy đến với ma túy, gia đình chị đành phải dùng biện pháp mạnh. Họ nhốt chị trong phòng, việc ăn uống đều đưa qua cửa sổ. “Gần 5 tháng như vậy, chẳng khác nào sống trong tù. Lúc nào tôi cũng nghĩ cách để trốn ra ngoài”, Thúy kể lại.
Cai nghiện ở nhà không được, gia đình đưa chị đi trại để cai. Nhưng cứ bước ra khỏi trại là chị lại tìm đến ma túy. Thậm chí ngay cả khi chứng kiến cảnh anh trai chết vì ma túy, Thúy vẫn không thể từ bỏ nó được.
Mãi cho đến khi mẹ của bạn trai nói: “Con tôi là đàn ông, nó nghiện thì vẫn lấy được vợ. Còn cô là phụ nữ, vướng vào ma túy thì làm sao mà lấy được chồng…”. Trước câu nói mỉa mai này cùng với những lời cầu xin của ba má, chị quyết định phải bỏ ma túy.
Trên đời này không có cuộc chiến nào khó khăn bằng cuộc chiến với chính mình. Nhưng sự quyết tâm của bản thân, tình yêu thương của gia đình và sự nhiệt tình của các bác sĩ ở trại cai nghiện đã giúp chị vượt qua sự cám dỗ của ma túy. Hai năm nay, chị đã sống mà không cần tới ma túy…
Bài, ảnh: Hòa Triều

Bình luận (0)