Dự kiến năm 2010 mức học phí các trường ngoài công lập sẽ tiếp tục tăng.
Tăng thêm 10 – 15%
Sinh viên chương trình sư phạm kỹ thuật trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM không phải đóng học phí – Ảnh: H.A
|
Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM sẽ tăng học phí từ 7.000 đồng/tiết lên 9.000 đồng/tiết trong năm học tới. Nếu tính theo đơn vị học trình sẽ tăng từ 105.000 đồng lên 135.000 đồng cho mỗi đơn vị học trình, theo đó mức học phí tính theo năm sẽ tăng từ 7 triệu lên 8 triệu đồng. Trong đó, khối ngành kinh tế – quản trị có mức học phí thấp hơn là 6,2 triệu đồng/năm, và khối ngành kỹ thuật – công nghệ gần 10 triệu đồng/năm.
Tiến sĩ Lưu Thanh Tâm – Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ TP.HCM cũng cho biết, nhà trường dự kiến sẽ tăng học phí trong năm tới, tuy nhiên sẽ không tăng quá 10% so với năm trước. Cụ thể, mức học phí sau khi tăng sẽ là 800.000 đồng/tháng với các ngành Tiếng Anh, Quản trị kinh doanh, Kế toán… và sẽ là 1 triệu đồng/tháng với các ngành Thiết kế thời trang, Thiết kế nội thất…
Trường ĐH Văn Hiến cũng dự kiến tăng học phí từ 10 – 15% (năm học 2009 – 2010 mức học phí từ 6,2 triệu đồng đến 6,8 triệu đồng/năm tùy ngành). Trường ĐH Bình Dương sẽ tăng thêm 7%, từ mức 7,8 triệu đồng lên 8.346.000 đồng/năm với bậc ĐH và từ 5,6 triệu đồng lên 5.992.000 đồng với bậc CĐ.
10% cũng là mức tăng của trường ĐH FPT. Theo đó, mức học phí đang áp dụng cho năm học 2009 – 2010 là tương đương 8.800 USD/4 năm, và mức học phí mới cho năm học 2010 – 2011 sẽ tương đương 9.900 USD (khoảng 180 triệu đồng theo tỷ giá quy đổi hiện tại). Đây là mức học phí dành cho chương trình cử nhân của các ngành Công nghệ phần mềm, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, chưa bao gồm học phí chương trình tiếng Anh dự bị.
Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM vẫn giữ nguyên mức học phí tính theo tỷ giá ngoại tệ, nhưng khi quy đổi ra tiền đồng Việt Nam thì lại cao hơn năm trước, 55 triệu đồng/năm. Học phí trường ĐH Quốc tế Sài Gòn khoảng từ 37 – 42,6 triệu đồng/năm cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt và từ 96,2 – 105,5 triệu đồng/năm cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh hoặc chuyển tiếp du học Hoa Kỳ.
“Ăn theo” vật giá
Lý do tăng học phí mà hầu hết các trường đưa ra là do lạm phát, vật giá tăng liên tục. Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Bình – Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Hùng Vương TP.HCM cho biết: “Đã 2 năm nay trường không tăng học phí. Tuy nhiên, sự leo thang liên tục của vật giá khiến trường không thể không tăng. Khoản tăng từ học phí này cũng là nguồn thu chính để tăng lương cho giảng viên”. Bên cạnh việc tăng thù lao cho giảng viên, trường ĐH Văn Hiến còn cho biết sẽ dành một khoản lớn cho dự án đầu tư cơ sở vật chất của trường trong năm nay.
Ngoài hình thức cấp học bổng cho sinh viên khá giỏi, có hoàn cảnh khó khăn, một số trường còn hỗ trợ tài chính cho sinh viên bằng hình thức vay tín dụng. Ông Phan Tiến Đạt – Trưởng ban tuyển sinh và Công tác sinh viên trường ĐH FPT cho biết, trường hiện đang có 2 hình thức cho sinh viên vay tiền học tập. Với chương trình “Cùng bạn đầu tư”, sinh viên được hỗ trợ từ 50 – 90% học phí nếu thi đậu vào với mức điểm từ 75/105 trở lên. Sau khi ra trường, thay vì trả nợ sinh viên đi làm góp vào quỹ này trong 20 năm, mỗi năm từ 2,5 đến 4,5% thu nhập tùy theo mức đầu tư. Chương trình cho vay tín dụng tại Ngân hàng Tiền Phong với mức 50 – 70 – 90% học phí với lãi suất thấp nhất tại thời điểm vay và sinh viên trả trong vòng 5 năm kể từ khi ra trường đi làm. Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM cũng liên kết với Ngân hàng Việt Á cho sinh viên vay tín dụng học tập với lãi suất ưu đãi và trả trong vòng 2 năm sau khi đi làm.
Thí sinh cũng lưu ý, có những ngành học khi thi vào không phải đóng học phí, ví dụ như các ngành hệ sư phạm tại trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Sài Gòn… Các chuyên ngành Lịch sử Đảng, Triết học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa xã hội khoa học và Hán Nôm của trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) cũng được miễn học phí.
Hà Ánh / Thanh Niên
Bình luận (0)