Nếu học kỳ 1 học “tà tà” do không chấm điểm, thì đến cuối năm học các em học sinh lớp 1 được cha mẹ tăng cường “luyện thi cấp tốc” để lấy điểm lên lớp.
Giờ tan trường vội vã
Một lớp học thêm sau giờ tan trường tại nhà một giáo viên ở quận Tân Bình, TP.HCM – Ảnh: Đ.N.Thạch
|
4 giờ 30 chiều, sau khi kết thúc một ngày học ở trường, em Minh Phúc – HS lớp 1 trường Tiểu học Kết Đoàn, Q.1, TP.HCM được ba đón vội về nhà ăn cơm để kịp giờ học thêm tại nhà cô giáo chủ nhiệm. Anh Đ., ba của Phúc cho biết mỗi tuần học 3 buổi, chiều từ 17 giờ 15 đến 18 giờ 30 với mức học phí 300 ngàn đồng/tháng. Anh Trung cũng có con học tại trường Tiểu học Kết Đoàn cho biết từ hơn 1 tháng nay do quá lo lắng về kỳ kiểm tra cuối năm nên anh quyết định cho con đến nhà cô giáo chủ nhiệm để học thêm ngay sau giờ tan học.
Khó có thể tìm thấy cảnh phụ huynh thong thả chờ đón con trong giờ tan học ở các trường tiểu học mà chỉ là cảnh hối hả chạy đến rồi tất bật chở con, cho con ăn tạm gì đấy để kịp giờ học thêm tại nhà các cô giáo vào buổi chiều tối. Anh Hà – có con học tại một trường tiểu học ở Q.Tân Bình, TP.HCM cho hay chiều nào anh cũng tranh thủ đón con sớm sau đó hai cha con ăn đại tô phở hay ổ bánh mì rồi tiếp tục chở nhau… đi học. Trong giờ con học thêm, anh tấp vào một quán cà phê gần đó ngồi đợi. Anh cho biết: “Đầu năm nghe bỏ thi học kỳ, tôi cũng mừng lắm vì nghĩ sẽ giảm áp lực học hành cho con. Nhưng đến học kỳ 2 nhà trường tăng tốc dạy, chiều nào cũng mang về rất nhiều bài tập nên tôi mới gửi cho cô chủ nhiệm dạy thêm nhằm giải quyết khối lượng bài tập về nhà và cũng để ôn tập chuẩn bị cho kỳ kiếm tra lấy điểm xét lên lớp sắp tới”.
Anh Đức Trung – phụ huynh có con học tại trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3 nói: “Biết là HS lớp 1 không quan trọng điểm số nhưng cứ đến kỳ kiểm tra thì giáo viên lại ra một khối lượng bài tập “khổng lồ” bắt các em phải hoàn thành. Không biết có phải các trường lại chạy theo bệnh thành tích hay không, chỉ biết các em rất khổ sở vì trong thời gian ôn tập chuẩn bị thi, bài tập về nhà rất nhiều, rất khó”.
Lấy điểm để lên lớp
Theo ông Nguyễn Nghĩa Dũng – Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, Q.Tân Bình, lịch kiểm tra học kỳ 2 dành cho HS lớp 1 tại TP.HCM, các em sẽ được kiểm tra 2 môn học Tiếng Việt (gồm Đọc và Viết) và môn Toán để lấy kết quả đánh giá xếp loại cuối năm học. Đề kiểm tra sẽ do Sở GD-ĐT ra. Các môn còn lại như Đạo đức, Thủ công, Mỹ thuật, Thể dục… không kiểm tra mà được các giáo viên đánh giá xếp loại tùy theo mức độ hoàn thành môn học của mỗi học sinh. Do vậy, ông Dũng cho rằng việc phụ huynh vì quá lo lắng chạy đua cho con đi học thêm hay giáo viên có nhồi nhét kiến thức vào lúc này cũng không cần thiết mà còn gây áp lực cho các em hơn. Hơn nữa, đề kiểm tra sẽ được ra dựa vào chuẩn kỹ năng kiến thức mà các em đã được học ở chương trình học kỳ 2 và kỳ kiểm tra này cũng không phải là kỳ thi quan trọng, chủ yếu các em hoàn thành chương trình học lớp 1 là có thể được lên lớp.
Lãnh đạo Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM – ông Nguyễn Ngọc Điệp cho biết: “Đây là kỳ kiểm tra nhằm đánh giá chất lượng dạy học sau khi kết thúc chương trình của từng lớp học. Kết quả này là căn cứ để xét lên lớp cho học sinh. Đối với
lớp 1, không tổ chức kiểm tra lấy điểm ở học kỳ 1 là để giảm bớt áp lực điểm số cho các em, nhưng vẫn phải kiểm tra học kỳ 2 để lấy điểm dựa vào đó xét lên lớp. Đây là chuyện bình thường!”. Riêng đối với quy định cấm các giáo viên chủ nhiệm tổ chức dạy thêm cho học sinh của mình, ông Điệp cho rằng: “Quản lý cả ngàn giáo viên thì Sở không thể làm nổi. Việc các giáo viên tổ chức dạy thêm hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm”.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.Tân Bình cũng thừa nhận rằng không riêng gì giáo viên trường ông có tổ chức dạy thêm cho học sinh mà hầu hết các giáo viên khác nếu có phụ huynh yêu cầu đều dạy. Ông này nói: “Việc dạy thêm trường có biết nhưng đây là vấn đề tế nhị, nhằm cải thiện đời sống của giáo viên và cũng là nhu cầu của phụ huynh. Nhà trường không cấm cũng không khuyến khích các giáo viên tổ chức học thêm nhưng chúng tôi thường xuyên cảnh báo vấn đề đạo đức nghề nghiệp đối với các giáo viên này. Tuyệt đối không bắt ép phụ huynh, không lợi dụng việc dạy thêm để cho điểm, hay cho làm bài kiểm tra trước. Nếu phụ huynh có kiện cáo gì, giáo viên đó phải chịu trách nhiệm kỷ luật".
Phi Loan / Thanh Niên
Bình luận (0)