Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Trách nhiệm cha mẹ trong việc chọn sân chơi cho trẻ

Tạp Chí Giáo Dục

Được tham gia các hoạt động ngoại khóa như thế này (ảnh) sẽ giúp HS tránh xa các trò chơi từ game online. Ảnh: N.Anh
Gần đây trên các phương tiện truyền thông hay đề cập và phản ánh nhiều về thực trạng học sinh (HS) nghiện game. Qua đó đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ bạn đọc.
Không phải bây giờ chúng ta mới đem ra mổ xẻ, phân tích những vấn đề đã xảy ra từ game dưới tác động của thời đại CNTT và sự giao thoa của các luồng văn hóa khác nhau. Những vấn đề này dưới cái nhìn của mỗi người đều có quan điểm khác nhau. Nhưng sự quan tâm của toàn xã hội với các luồng ý kiến khác nhau cũng đã gióng lên hồi chuông báo động về những hậu quả do game gây ra với HS, gia đình và xã hội.
Theo tôi, việc giáo dục HS từ gia đình có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định tính cách cũng như phẩm chất của các em. Vì gia đình là tổ ấm, là nơi vỗ về yêu thương và phát triển tính cách của các em. “Dạy con từ thuở còn thơ” là muốn nói đến cách giáo dục, sự dạy bảo và tầm ảnh hưởng của cha mẹ đến con cái. Đứa trẻ như một “tờ giấy trắng”, “một tấm bảng sách” mà gia đình, cha mẹ và người thân là những người đầu tiên viết vào, vẽ vào. Nếu một đứa trẻ được quan tâm chăm sóc và giáo dục tốt ngay từ trong gia đình thì sẽ là sản phẩm tốt cho nhà trường và xã hội. Trái lại, đứa trẻ thiếu tình thương từ gia đình, thiếu sự quan tâm dạy bảo của cha mẹ… thì nhà trường và xã hội sẽ phải vất vả nhiều hơn trong việc dạy bảo các em. Do đó, sự quan tâm giáo dục tốt ngay từ trong gia đình sẽ tạo nên nền tảng đạo đức đầu tiên cho HS. Chị Duyên, phụ huynh em Anh Quân (Q.Tân Bình), cho biết hè chị thường cho con về quê thăm lại ông bà nội và người thân ở quê… nhờ đó con chị thấy vui và thoải mái hơn. Nhưng điều quan trọng nhất là chị giúp con mình biết về quê hương của cha mẹ, từ đó tránh được những trò chơi vô bổ trên internet.
Khi ngoài xã hội có nhiều vấn đề đáng quan tâm thì niềm tin đầu tiên từ cha mẹ và gia đình rất quan trọng, đó là lăng kính phản ánh vào tâm hồn, tính cách trẻ. Do đó gia đình nên tạo ra chất “đề kháng” giúp các em biết dừng lại đúng lúc và biết lựa chọn các trò chơi sao cho phù hợp với mình sau những giờ học tập căng thẳng. Chị Giàu ở Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Tân), tâm sự: “Tôi thường cho các con đi chơi công viên, đi bơi hay vào nhà sách, siêu thị… Nhờ đó các con tôi được làm những gì mình thích, được vui chơi thoải mái, và cứng rắn, mạnh bạo nhiều hơn, giao tiếp tốt hơn khi đến chỗ đông người”. Những ngày hè, việc tạo ra những sân chơi bổ ích, thú vị là rất quan trọng với mỗi gia đình. Do đó, nhà trường, đặc biệt là Đoàn thanh niên cần tạo ra những sân chơi, những chuyến tham quan và học tập nhóm… nhằm giúp HS có môi trường trải nghiệm, học tập và vui chơi cùng bạn bè. Từ đó, tạo nên sự phát triển toàn diện “Trí – thể – mỹ” ở mỗi HS.
Tóm lại, gia đình, nhà trường và xã hội cần phải là một thể thống nhất, gắn bó và phối hợp chặt chẽ để chăm lo, dạy bảo và giáo dục HS. Và sự phối hợp đó cần phát huy như thế nào nhằm phát hiện, ngăn chặn và giải quyết kịp thời những ảnh hưởng từ game?
Nguyễn Tuấn Anh
(GV Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)