Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tây Sơn hào kiệt – Những chuyện bây giờ mới kể…

Tạp Chí Giáo Dục

Lý Hùng và Thùy Lâm trong Tây Sơn hào kiệt. Ảnh: Lữ Đắc Long

Hơn 3 năm chuẩn bị cho phần phục trang, đạo cụ, tìm bối cảnh và 4 tháng trời làm việc ngày đêm ròng rã trên trường quay, từ TP.HCM cho đến Tây Nguyên, miền Trung, cuối cùng bộ phim Tây Sơn hào kiệt với kinh phí 12 tỷ đồng (đạo diễn NSƯT Lý Huỳnh – Phượng Hoàng, Hãng phim Lý Huỳnh sản xuất) đã khởi chiếu đồng loạt trên toàn quốc từ ngày 30-4. Đây là những câu chuyện hậu trường của phim được bật mí từ nhà sản xuất.
Từ bối cảnh đến đạo cụ, phục trang
Hai đạo diễn Lý Huỳnh và Phượng Hoàng thật sự đau đầu về việc chọn bối cảnh. Chính vì thiếu bối cảnh nên đành phải “giả cảnh”: Cảnh ngoại thành Thăng Long (quay ở Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương); cảnh phủ Chúa Trịnh (Chùa Huệ Nghiêm Q.6); cảnh nội điện (Chùa Hải Nam – Q.5); đại cảnh đánh nhau giữa quân Tây Sơn và quân Thanh (ngã ba Sông Côn – Bình Định); cảnh Nguyễn Huệ đi dạo với Ngọc Hân (Khu du lịch sinh thái Hầm Hô – Bình Định)… Trong phim có 4 loại kiếm, đặc biệt nhất là kiếm của vua Quang Trung và các tướng. Ngoài những hình ảnh, tư liệu chụp từ Viện Bảo tàng Quang Trung, tổ đạo cụ còn cẩn thận tìm loại giấy bạc xưa có in hình vua Quang Trung để nghiên cứu đúc kiếm cho giống. Kiếm này được đúc mạ vàng với chi phí 20 triệu đồng, kiếm của tướng Tây Sơn 15 triệu đồng/ cây. Để phục trang không mang màu sắc “cải lương” như nhiều phim cổ trang, tổ phục trang của Tây Sơn hào kiệt chịu khó may toàn bộ trang phục mới theo những hình ảnh lưu tại Viện Bảo tàng.
Khổ vì… voi và ngựa
Sở VHTT Đắc Lắc đã nhiệt tình hỗ trợ đoàn phim 50 con voi của Bản Đôn. Khi ra hiện trường, các chú voi cứ tìm đúng bạn bè, “phe cánh” của nó mà theo nên có con bị thúc hoài mà cứ trơ trơ, đủng đỉnh như đi… dạo! Ê kíp làm phim muốn điên lên nên nghĩ ra cách cho người ngồi trên bành voi cầm đuốc dẫn đường. Ai dè, thấy lửa đỏ rực, đàn voi hoảng loạn, chạy bừa khiến đám “quân Thanh” chạy thục mạng vì sợ bị voi đạp. Con ngựa dành cho vua Quang Trung cao trên 1,8m, nếu không có nghề võ rất dễ bị nó hất xuống đất. Cảnh đánh đồn Ngọc Hồi quay đến 4 giờ sáng, Lý Hùng bị ngựa hất 5-6 lần, nhờ có võ nên anh nhanh tay níu dây cương, bay phóc lên lưng ngựa. Khổ nhất là đại cảnh núi Bân, Lý Hùng đã bị ngựa hất xuống đất thật, cũng may chỉ bị thương nhẹ. Diễn viên Tấn Hưng (vai Lê Dũng) bị ngựa hất rớt xuống ngay bàn dolly làm anh bị chấn thương, phải nằm bệnh viện cả tháng trời.
Những may mắn tình cờ?
Lúc quay cảnh thuyền rồng trên sông Hương, miền Trung đang có bão. Nhiều người khuyên nên đợi qua cơn bão, nhưng đoàn phim vẫn quyết định mang theo máy nổ đi quay vì đã lỡ mướn thuyền rồng và thời gian cũng quá eo hẹp. Khi tới hiện trường quay, trời bỗng dưng nắng lên. Đoàn quay xong, vừa vô tới bờ thì mưa trút xuống ào ào.
Có hôm, mưa dầm dề suốt từ chiều đến hôm sau, đoàn đổi sang quay nội cảnh tại một ngôi nhà cổ ở Huế. Quay xong, cả đoàn vừa về đến Sài Gòn thì ngoài Huế, bão bắt đầu vần vũ cả tuần… Những may mắn tình cờ này khiến mọi người cho rằng hồn thiêng của vua Quang Trung đã phù hộ, vì trước khi bấm máy, đoàn đã thành khẩn xin phép và khấn nguyện tại đền thờ ngài trong Viện Bảo tàng.
Minh Tuyền (ghi)

 

Bình luận (0)