Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cây kiểng trong thơ ca dân gian

Tạp Chí Giáo Dục

Cây kiểng đã đi vào thơ ca dân gian đồng thời là thú chơi tao nhã của người Việt Nam. Ảnh: S.M

“Kiểng” là một từ thuộc phương ngữ Nam bộ, hình ảnh kiểng trong ca dao gắn với một nét văn hóa đặc thù: thú chơi kiểng của nhiều người. Người Nam bộ trồng kiểng (hoặc mua kiểng) để trang trí, để thưởng thức và cũng nhằm gửi gắm những ước vọng… Do có một vị trí đặc biệt trong đời sống, cây kiểng đã đi dần vào ca dao.
Theo từ điển phương ngữ Nam bộ, kiểng (danh từ) có hai nghĩa: cảnh (trồng kiểng) và kẻng (đánh kẻng). Trong ca dao Nam bộ, kiểng còn dùng với nghĩa là cảnh (hoàn cảnh): Mây muốn mưa, trời chưa có chuyển/ Anh muốn gần nàng, một kiểng hai quê. Những trường hợp còn lại, kiểng còn dùng với nghĩa là cây cảnh (loại cây được lựa chọn theo tiêu chí về kiểu dáng, rễ, gốc, cành, lá, khả năng tăng trưởng… được trồng nhằm mục đích trang trí).
Từ góc độ cái được biểu đạt, nghĩa biểu trưng của kiểng có cơ sở từ nét đẹp văn hóa đã nói: thú chơi kiểng. Kiểng là đẹp, kiểng cần phải được nâng niu, trân trọng, giữ gìn. Kiểng như có “linh hồn”, biết nói lên những cảm nhận (của người trồng kiểng) về cuộc đời. Kiểng cùng sống với con người trước sân nhà, đôi khi ngay cả trong nhà. Kiểng biểu trưng cho chủ thể tình cảm, là người tình: bồn hư – kiểng tàn, bơ vơ kiểng lạ, kiểng sầu, kiểng xa bồn kiểng rũ, kiểng rụng lá giơ chìa… Các biểu trưng phát sinh của kiểng vừa nêu đều gắn với nghĩa chung nhất là người đang tương tư: Kiểng sầu ai rụng lá giơ chìa/ Qua rầu em bậu như cá rầu đìa không vô.
Kiểng sầu gặp nước ví như đôi trai gái gặp lại nhau sau thời gian xa cách nhớ thương: Ngày nay lựu đặng gặp đào/ Kiểng sầu gặp nước dạ nào chẳng thương/ Từ nay tơ nguyệt vấn vương/ Ngàn năm vẫn giữ tao khương trọn đời.
Hoặc: Chim khôn đừng nệ kiểng tàn/ Gái khôn chớ thấy trai cơ hàn mà xa.
Hay kiểng với dạng kiểng hư, kiểng héo, biểu trưng cho tình yêu (kiểng xanh – kiểng héo): Cúc đương xanh sao cúc vội tàn/ Kiểng đương xanh sao kiểng héo tôi hỏi nàng tại ai/ Mắt nhìn lụy nhỏ hàng hai/ Cúc tàn, kiểng héo tại hai đứa mình.
Rồi cây hóa kiểng biểu trưng cho tình huống, trạng thái: Cây trên rừng hóa kiểng/ Cá dưới biển hóa long.
Kiểng thường gắn với chậu, bồn và cần được sự chăm sóc đặc biệt, thường xuyên của con người. Chẳng những thế, nó còn đòi hỏi sự chăm sóc đúng cách. Ngoài ra, yêu cầu về mặt thẩm mỹ là một yêu cầu hàng đầu của người chơi kiểng, bỏ qua hoặc xem nhẹ yêu cầu này thì không thể chăm sóc kiểng. Nghĩa biểu trưng của kiểng gắn với những điểm vừa nêu: Bồn hư nên kiểng vội tàn/ Đó đừng sầu não khiến đây càng sầu thêm/…Cây kiểng đang xanh sao anh tưới/ Cây kiểng tàn anh bỏ khô?/ Kiểng hoang chẳng mấy ai nhìn/ Kiểng vào trong chậu kẻ rình, người bưng…
Dường như, “kiểng” trong ca dao Nam bộ biểu trưng cho con người mà cụ thể là chàng trai và cô gái trong tình yêu đôi lứa. Do gắn với tình yêu nên “kiểng” có khi buồn vui, có hạnh phúc và đau khổ.
TRẦN VĂN NAM

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)