Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Viết bằng tiếng Anh để hội nhập

Tạp Chí Giáo Dục

Nhà văn Vĩnh Quyền (chính giữa) trong buổi gặp gỡ ở ĐH Saint Benedict – Ảnh: Nhân vật cung cấp

Viết sách bằng tiếng Anh dù đang sống ở Việt Nam, đó là việc mà nhà văn Vĩnh Quyền đã làm. Anh cũng sang Mỹ để giới thiệu tiểu thuyết Debris of Debris (Mảnh vỡ của mảnh vỡ) của mình tại ĐH Saint Benedict – bang Minnesota.

* Tại sao anh lại bắt tay vào một việc có vẻ “khác thường” như thế?

– Chính từ tủ sách ngoại văn trong một vương phủ dột nát ở Huế và thói quen quấn chăn đọc sách trong mùa đông dài xứ Huế đã khởi dẫn ý tưởng viết tiểu thuyết bằng Anh ngữ cho tôi. Ngoại ngữ chính của tôi là tiếng Pháp và Hán, nhưng hiện nay, để “đối ngoại” thì viết bằng tiếng Anh là thích hợp nhất. Tôi đã dành hẳn mấy năm để học lại ngoại ngữ này, chuyên sâu vào nghệ thuật viết.

Trước đó, tôi cũng đã tiếp cận một câu chuyện thú vị. Năm 1996, nhà văn Canada David Bergen, sau khi đọc The Sorrow of War (Nỗi buồn chiến tranh), đã sang Việt Nam tìm tác giả Bảo Ninh nhưng không gặp, lại tình cờ gặp tôi tại Đà Nẵng, chuyện trò linh tinh trong cả nửa năm. Tám năm sau, tiểu thuyết viết về Việt Nam của David Bergen được xuất bản: The Time in Between, được giải thưởng văn học cao nhất của Canada. Ở cuối sách, David Bergen viết: "Tiểu thuyết The Sorrow of War của Bảo Ninh đã có ảnh hưởng lớn tới quá trình viết tiểu thuyết của tôi". Nhà văn cũng nhắc đến tôi như một người bạn đã dẫn dắt ông thâm nhập tâm thức Việt Nam qua những câu chuyện trong những đêm cùng thao thức. Còn tôi cảm thấy tiểu thuyết của David Bergen thật gần gũi. Có thể vì một số nguyên mẫu trong đó là bạn bè tôi, là những người quanh tôi, là những gì tôi từng kể cho nhà văn… Tiểu thuyết của ông đã đặt ra trong tôi câu hỏi: Tại sao nhà văn Việt Nam không thể trực tiếp kể chuyện Việt Nam cho người đọc thế giới? Và vào một ngày chín muồi ý tưởng ấy, tôi quyết định viết tiểu thuyết bằng Anh ngữ.

* Và anh chấp nhận việc tác phẩm của anh có thể vĩnh viễn không được công bố, nếu nó không may mắn gặp được người đỡ đầu, giới thiệu xuất bản ở Mỹ?

– Trước khi viết sách bằng tiếng Anh, tôi đã nghĩ đến giai đoạn “hậu kỳ”. Tôi không phiêu lưu đến mức đành lòng để tác phẩm của mình nằm im trong máy tính cá nhân. Nhưng tôi đủ lãng mạn để hy vọng tiểu thuyết Việt Nam viết bằng tiếng Anh có thể thuyết phục được các nhà xuất bản ở Anh, Mỹ. Vấn đề là tiểu thuyết ấy có hay, có khiến người ta thích không. Trong thực tế, tôi may mắn được một người bạn Mỹ, sau khi đọc bản thảo Debris of Debris, đã giới thiệu với ĐH Saint Benedict.

* Có khác biệt gì trong cách nghĩ và cách mô tả hiện thực trong Debris of Debris so với khi anh viết bằng tiếng Việt cho người Việt đọc?

– Tôi không cố làm khác đi "văn chương" của mình, của một tác giả Việt. Debris of Debris được viết bằng Anh ngữ, cũng như nhiều tiểu thuyết của Ấn Độ, Philippines được viết bằng Anh ngữ, thế thôi. Tôi viết bằng tiếng Anh chứ tôi không “làm văn chương” kiểu Anh – Mỹ. Công việc của tôi không giống các nhà văn gốc Việt thế hệ trẻ sống ở nước ngoài đang viết bằng ngôn ngữ của nước sở tại. Debris of Debris là câu chuyện về thị dân miền Nam sau 1975, trên con đường đầy khó khăn để hàn gắn vết thương quá khứ và “hội nhập” vào hệ thống kinh tế – chính trị – xã hội mới…

* Anh có quan sát gì về việc quảng bá văn chương Việt Nam ở Mỹ?

– Tôi chỉ ở Mỹ hơn 20 ngày nên không ghi nhận được nhiều. Cảm giác chung là người Mỹ biết quá ít về văn chương Việt. Và ngược lại, vào các nhà sách, tôi cũng thấy rất nhiều tên tuổi “lạ”, trong khi họ đều là những nhà văn có tác phẩm được in, được đọc nhiều nhất hiện nay ở Mỹ. Riêng tiểu thuyết Mỹ về đề tài chiến tranh Việt Nam thì được tái bản khá đều đặn. Một số giáo sư văn học Mỹ ngạc nhiên khi biết rằng ở Việt Nam đề tài chiến tranh đang rất mờ nhạt so với các đề tài khác. Các biên tập viên nhà xuất bản thì cho biết, họ quan tâm đến bất cứ đề tài gì từ Việt Nam với điều kiện là bản thảo đáng để đọc, và tất nhiên, phải bảo đảm doanh thu.

* Anh có nghĩ rằng rồi sẽ có những nhà văn khác trong nước cũng viết bằng tiếng Anh?

– Tôi tin điều đó. Và tin rằng tác phẩm viết bằng Anh ngữ không chỉ để xuất khẩu. FAHASA vẫn đang nhập sách văn học tiếng Anh đó thôi. Tại sao không nghĩ đến việc in văn học Việt viết bằng tiếng Anh ngay trong nước?

Ngô Thị Kim Cúc (Theo TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)