Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đổi mới ở các cơ sở giáo dục đại học còn chậm

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng nay, 15-8, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến Hiệu trưởng các trường đại học-cao đẳng năm 2014.

3,6 giảng viên ĐH-CĐ mới có 1 máy tính

Báo cáo do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trình bày sáng nay cho thấy, giáo dục đại học (GDĐH) trong thời gian qua đã có sự đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, tuy nhiên kết quả kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường tại 25 trường ĐH-CĐ (16 trường công lập, 9 trường ngoài công lập) cho thấy có một số trường chưa có đất sở hữu (trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật Hà Nội) chưa xây dựng được cơ sở vật chất trên diện tích đất hiện có (trường cao đẳng kỹ thuật công nghệ Bách khoa); chưa xây dựng được cơ sở riêng tại địa điểm đăng ký thành lập, hiện vẫn phải thuê mượn địa điểm để hoạt động giáo dục và việc giao sử dụng đất chưa được làm rõ theo quy định (55,4ha đất của trường đại học Hà Hoa Tiên).
Thiết bị đào tạo, phòng thí nghiệm các trường ĐH-CĐ còn yếu kém, chỉ có 22,5% phòng thí nghiệm được đánh giá có chất lượng các thiết bị tốt; nhưng chỉ có gần 20% phòng thí nghiệm được đánh gái có công nghệ thiết bị hiện đại; chỉ có 15,5% phòng thí nghiệm được các trường đánh giá là đạt về mức độ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, chủ yếu là của các trường đại học trọng điểm. Số máy tính trang bị cho giảng viên và sinh viên còn thấp, tính trung bình 3,6 giảng viên có 1 máy tính; 27,3 sinh viên mới có 1 máy tính. Có tới gần 90% trường có thư viện truyền thống, nhưng chỉ có gần 40 % thư viện có áp dụng tiêu chuẩn thư viện hiện đại. Trong khi đó diện tích thư viện chật hẹp, số lượng tài liệu sách ít, ít tài liệu chuyên sâu.

Về đội ngũ giảng viên ĐH-CĐ, Bộ GD-ĐT cho biết tính đến năm học 2013-2014, số giảng viên ĐH-CĐ cả nước là 91.633 người, tăng 4% so với năm học trước. Trong đó số có học hàm Giáo sư là 517 người, học hàm Phó Giáo sư là 2.966; Tiến sĩ là 9.562. Đến nay đã có trên 1.000 giảng viên được cử đi học ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước, tuy nhiên so với yêu cầu đổi mới giáo dục đại học, đội ngũ giảng viên vẫn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.
Đào tạo còn nhiều bất cập

Về công tác đào tạo của các trường, Bộ GD-ĐT đánh giá là còn bộc lộ nhiều hạn. Cụ thể, qua rà soát các trường đại học năm 2013 cho thấy, trung bình tỷ lệ sinh viên ĐH-CĐ trên số giảng viên quy đổi sinh viên/giảng viên (SV/GV) đạt 22,7; nhiều trường có tỷ lệ SV/GV vượt quá quy định (45 trường có từ trên 30 – 50 SV/GV, 9 trường có trên 50 SV/GV). Tỷ lệ sinh SV/GV tính theo ngành đào tạo còn có biến động rất lớn: trong 3.575 ngành ĐH-CĐ được khảo sát, trên 500 ngành có số sinh viên vượt quá 30 SV/GV quy đổi, trong đó gần 100 ngành có tỷ lệ SV/GV đạt trên 100 (chủ yếu tập trung ở khối ngành kinh tế – quản lý, luật và giáo dục). Có những trường quy mô sinh viên quá nhỏ, đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng, chưa đảm bảo về chất lượng so với đề án cam kết thành lập trường (Trường ĐH Hà Hoa Tiên, Trường ĐH Thành Đông và Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà).
Tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ có xu hướng tăng trưởng nóng, vượt năng lực hướng dẫn của đội ngũ giảng viên, một số chuyên ngành bị quá tải trầm trọng về giảng viên hướng dẫn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo thạc sỹ; đặt lớp đào tạo thạc sĩ bên ngoài cơ sở đào tạo, tổ chức đào tạo theo hình thức cuốn chiếu. Kết quả thẩm định hồ sơ và luận án tiến sĩ năm 2013-2014 cho thấy việc quản lý hồ sơ đào tạo nghiên cứu sinh trong giai đoạn đầu chưa tốt, nhiều hồ sơ không đầy đủ, chưa đảm bảo quy trình bảo vệ luận án (89,13% số hồ sơ thẩm định phải bổ sung, rút kinh nghiệm); chất lượng luận án chưa cao, (trong số các luận án thẩm định, 79% luận án phải chỉnh sửa bổ sung, 3,1% luận án không đạt yêu cầu phải thành lập hội đồng thẩm định).

Ngoài ra, việc triển khai đào tạo liên kết trong nước và ngoài nước khi chưa có quyết định cho phép của cấp có thẩm quyền; còn sai về đối tượng liên kết, đối tượng đào tạo, tổ chức đào tạo ở địa điểm đào tạo không đảm bảo điều kiện quy định hoặc tại cơ quan không phải là cơ sở giáo dục (Công ty TNHH Vĩnh An); tuyển sinh vượt quy mô cho phép (Trường Đại học FPT…); không tổ chức thực hiện chương trình liên kết mà giao cho đơn vị khác ngoài trường thực hiện, chưa đảm bảo đủ giảng viên theo quy định tại Nghị định 73 (Trường ĐH Hoa sen); tổ chức đào tạo liên kết ở bên ngoài cơ sở chính của trường (Trường ĐH Hà Nội); liên kết với đối tác chưa có văn bản kiểm định chất lượng của nước ngoài (ĐH Thái Nguyên).

Các trường chưa dám tự chủ?

Một trong những yếu tố để đổi mới GDĐH thành công là tăng tính tự chủ cho các trường, tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ GD-ĐT đến nay hầu hết các trường chưa xây dựng phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Hiện tại các trường đại học còn thiếu đội ngũ quản trị đại học giàu kinh nghiệm. Dù Luật GDĐH đã giao cho các trường quyền tự chủ rất cao nhưng lãnh đạo các trường vẫn còn rất dè dặt trong thực hiện quyền tự chủ, chưa thoát được tư duy bao cấp do đó việc đổi mới ở các cơ sở GDĐH còn chậm.

Những tồn tại trên đây của GDĐH được ông Bùi Văn Ga chỉ rõ nguyên nhân, đó là do phân tầng các cơ sở GDĐH chưa rõ ràng nên các trường không xác định được mục tiêu đào tạo cụ thể. Điều này dẫn đến việc đào tạo theo hướng ứng dụng lại thiếu kỹ năng thực hành, còn đào tạo theo hướng nghiên cứu lại thiếu kiến thức chuyên sâu về lý thuyết. Hầu hết các trường hiện nay thiết kế chương trình khá tỉ mỉ về những vấn đề cụ thể nhưng thiếu trang bị những kiến thức tổng quát mang tính quy luật tạo nền tảng phát triển tư duy sáng tạo của sinh viên.

Khung pháp lý hiện nay đủ để các trường ngoài công lập hoạt động. Tuy nhiên những năm gần đây hệ thống các trường ngoài công lập xuất hiện nhiều. Nhưng bên cạnh những trường khó khăn, có những trường ngoài công lập phát triển rất thành công, thu hút mạnh mẽ thí sinh, chất lượng cạnh tranh với các trường công lập như trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Mình, trường ĐH Duy Tân, trường ĐH Thăng Long. Như vậy những khó khăn của các trường ngoài công lập không phải lỗi của cơ chế chính sách mà thuộc về điều kiện cụ thể của từng trường. Các trường cần nhìn lại mình, học tập kinh nghiệm của những trường cùng loại hình nhưng phát triển thành.

PHAN THẢO

(SGGP)

Bình luận (0)