“Ngày 26-11-2014 hi vọng là một ngày nắng đẹp.
Thầy Đỗ Đức Anh và các thành viên chia sẻ cảm xúc, kinh nghiệm khi thực hiện dự án
|
Vui lòng cho chúng tôi xin với quý vị một cuộc hẹn lúc 7 giờ tại Hội trường Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM) để thầy trò chúng tôi kể những câu chuyện chưa bao giờ được kể về thành phố tình yêu và nỗi nhớ. Có rất nhiều người yêu Sài Gòn đến chảy nước mắt… nhưng chưa bao giờ được nghe những câu chuyện này”.
Nội dung thư mời được thiết kế độc đáo với những câu chữ chan chứa tâm tình, là cách mà học sinh (HS) Trường THPT Bùi Thị Xuân “mê hoặc” khách mời đến với dự án Học văn từ cuộc sống, có chủ đề “Sài Gòn, những góc nhìn trẻ” được tổ chức sáng 26-11.
Một Sài Gòn thật khác qua góc nhìn mới
Thật hiếm khi các em HS được “hóa thân” vào vai phóng viên, nhà thiết kế mỹ thuật, nhà hoạt động xã hội, nhiếp ảnh gia, đạo diễn, thư kí trường quay, nhà sản xuất phim… để kể cho nhau nghe những câu chuyện “sinh nghề tử nghiệp” hay những cảm xúc thật khó quên về chuyện đời, chuyện nghề trong những ngày đầu tập tành bước chân ra ngoài xã hội. Nhưng hơn cả, đây chính là dịp để các em chính thức đón nhận thành quả khi công bố những sản phẩm hoàn chỉnh, chất lượng nhất sau 3 tháng ròng rã theo đuổi đề tài.
Dưới góc nhìn của những cô cậu học trò, người xem đã được tiếp cận một Sài Gòn thật khác so với đời sống thường nhật. Qua thước phim của một nhóm HS lớp 11A13, một Sài Gòn “dậy sớm” với vẻ đẹp hiền hòa, mơ màng hiện lên ngay khi bình minh vừa gõ cửa. Người xem lại càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng một Sài Gòn gắn liền với sự xô bồ, thay đổi lại có một khu phố cổ người Hoa với những bức tường, ngôi chùa, đền miếu đã in hằn những dấu tích rêu phong của thời gian ở đề tài “Có một phố cổ giữa Sài Gòn” của nhóm HS lớp 10A10. Với đề tài “Sài Gòn, ai còn nhớ…”, một nhóm HS khác của lớp 10A10 dẫn người xem đi tìm lại những nhân chứng sống vẫn làm công việc tưởng như đến nay chỉ còn là dĩ vãng. Nhìn những hình ảnh của ông thợ vẽ truyền thần, của người viết thư thuê ở Bưu điện Trung tâm thành phố, người đàn ông làm nghề ép giấy tờ bằng chiếc bàn ủi, hay người thợ làm nghề ép sách trên đường Lý Thái Tổ (Q.10) khiến những người lớn tuổi không khỏi bồi hồi, xúc động.
“Qua những trải nghiệm thu được, chính các em HS là người bắc nhịp cầu để những tự sự, rung cảm và những góc nhìn của mình đến gần hơn với những người xung quanh, để cha mẹ nhìn thấy được sự trưởng thành trong nhận thức và suy nghĩ của con em mình trước khi bước ra ngoài xã hội”, thầy Đỗ Đức Anh chia sẻ.
|
Nhưng, Sài Gòn không chỉ là sự pha trộn của vẻ đẹp cổ kính và hiện đại, mà đó còn là nơi chứng kiến cuộc mưu sinh đầy khó nhọc của đủ mọi thành phần trong xã hội: Là những gánh hàng rong bán tàu hủ, xôi bắp, rau củ mà “mỗi quang gánh là một câu chuyện dài, hai gánh hai bên chứa sao cho đủ” của lớp 10A14; là những em bé bán vé số, đánh giày bị đánh cắp tuổi thơ, buộc phải bước chân vào đời sớm của lớp 10A11; là tiếng thở đầy khó nhọc xen lẫn tiếng còi xe về đêm của các bác xe ôm, chị công nhân quét rác hay của cô lượm ve chai trên phố qua đề tài “Ngày về trên những ánh đèn đô thị” của một nhóm HS lớp 11A13. Không chỉ thế, Sài Gòn còn là nơi chất chứa niềm đau của những người trẻ đã kết thúc sự sống của một bào thai như một nét gạch xóa đi những đoạn đời lầm lỡ; là niềm đau của người đàn bà đẻ mướn khi đành đoạn giao đứa con vì hạnh phúc của người khác. Nhưng vượt lên những mảng tối ấy, Sài Gòn còn là nơi chứng kiến những em nhỏ bị bệnh ung thư vượt qua nỗi đau thể xác để sống, học tập và vui chơi mỗi ngày; chứng kiến sự mạnh mẽ của một cô gái dám vượt qua định kiến để làm mẹ đơn thân khi còn là sinh viên năm 2 một trường ĐH. Những mảng sáng – tối, những góc khuất, những phận đời qua cách kể chuyện của các em đã làm nên một Sài Gòn vừa lạ vừa quen, tạo nên những cung bậc cảm xúc thật khó quên trong lòng độc giả.
Để sống nhiều hơn một cuộc đời
Đề tài “Người đàn bà đi nhặt mặt trời” của nhóm HS lớp 12A13 giành giải tác phẩm xuất sắc nhất do Hội đồng sư phạm nhà trường bình chọn
|
Để có được những thước phim sống động đến từng chi tiết, những trailer phim ly kỳ, những bài báo chạm đến trái tim của người đọc, những HS tham gia dự án đã phải trải qua 3 tháng ròng rã để tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống. Thầy Đỗ Đức Anh, Chủ nhiệm dự án, cho biết: Mục đích của dự án là đưa HS tiếp xúc trực tiếp với những cảnh đời ngoài xã hội, giúp các em hiểu thêm về mối quan hệ giữa cuộc đời và văn học thông qua việc học kỹ năng, trải nghiệm thực tế và thực hiện sản phẩm. Nhà trường đã mời những cựu HS hiện là phóng viên, thiết kế mỹ thuật, quay phim… tại nhiều đơn vị trên địa bàn thành phố cùng về trao đổi, hướng dẫn các em cách phỏng vấn, tiếp cận để nhân vật chịu chia sẻ những tình cảm, góc khuất trong cuộc đời họ; qua đó tạo những tình huống có thể xảy ra trong thực tế để các em ứng biến kịp thời. Và trong những ngày thực hiện dự án, các giáo viên hướng dẫn cũng cùng ăn, cùng ngủ, cùng trăn trở với HS trước những vấn đề nan giải của thực tế. Để có được những sản phẩm hoàn thiện ra mắt công chúng, 6 cô gái nhóm Cà phê sữa đá (lớp 11A13) đã phải nhiều lần thức dậy lúc 3 giờ sáng để quay phim, trải nghiệm; nhóm thực hiện đề tài về người mẹ trẻ đơn thân với tên gọi “Người đàn bà đi nhặt mặt trời” (lớp 12A13) phải 5 lần lên tận Hóc Môn để gặp nhân vật. Thậm chí, để có những cảnh quay về những phận đời mưu sinh trong đêm, nhóm HS lớp 11A13 đã đụng độ với những kẻ làm “bảo kê” ngay khu vực ghi hình. Chính những trải nghiệm, những bài học đắt giá ấy đã giúp cho các em HS có thêm các góc nhìn thực tế, sâu sắc và tinh tế về đời sống.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
“Chúng em yêu Sài Gòn hơn”, “chúng em sống nhân ái hơn”, “chúng em chưa bao giờ yêu thích môn văn đến vậy”… đó là những lời bộc bạch chân thành của các thành viên trong dự án sau thời gian trải nghiệm. |
Bình luận (0)