Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kỹ năng: nhìn đâu cũng thiếu

Tạp Chí Giáo Dục

Ứng viên tìm việc: thiếu kỹ năng mềm; học trò: thiếu kỹ năng sống; lãnh đạo: thiếu kỹ năng quản lý, kỹ năng quyết định; một bộ phận nhân viên tiếp tân, hàng không, thậm chí cả giáo viên cũng thiếu kỹ năng ứng xử…

 

Các bạn trẻ có mặt ở lớp “Kỹ năng giao tiếp” tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM tối 22-4 – Ảnh: Minh Đức

Bạn Nguyễn Văn S., cựu SV Trường ĐH Mở TP.HCM, có một kinh nghiệm thương đau về việc thiếu này: S. đã được nhận vào làm nhân viên tập sự một công ty nhưng cuối cùng không được ký hợp đồng với lý do thiếu kỹ năng làm việc nhóm. Đó không phải cá biệt khi nhiều SV thú nhận mình yếu nhất kỹ năng này. Một người thì có thể làm tốt, thậm chí xuất sắc nhưng khi làm nhóm luôn có tình trạng “cha chung không ai khóc”, đùn đẩy công việc…

Một nhà tuyển dụng đã lắc đầu cho biết: nhiều nhân viên loay hoay không biết soạn thảo một văn bản; thậm chí trong một buổi phỏng vấn một SV thẳng thắn: “Em là SV mới ra trường, cái này em không biết”. Dễ hiểu khi cái “không biết” đó phải trả giá: rớt khỏi vòng phỏng vấn.

Theo một khảo sát của Công viên phần mềm Quang Trung, 123 ý kiến của doanh nghiệp cho rằng SV mới ra trường có tám điểm hạn chế: thiếu kinh nghiệm thực tiễn; thiếu kiến thức chuyên ngành; không biết làm việc theo nhóm; trình độ ngoại ngữ kém; kỹ năng làm việc kém; không biết cách trình bày, diễn đạt; không tự tin trong công việc; không đam mê công việc.

Một nghiên cứu khác do Viện Nghiên cứu giáo dục thực hiện cho thấy 83% học sinh thiếu các kỹ năng mềm, đặc biệt là khả năng tập trung cho hành trang vào đời của mình.

Bạn Hồ Thảo, 25 tuổi, đang làm việc ở Hàn Quốc, cho biết: ở Hàn Quốc có những môn học tự chọn rất đa dạng về chủ đề, rất thiết thực trong cuộc sống và nghề nghiệp như thuyết trình bằng PowerPoint (phần mềm hỗ trợ thuyết trình), kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giữ gìn tình yêu, hạnh phúc gia đình… Nói là tự chọn nhưng SV vẫn phải tham gia đầy đủ và vẫn thi như các môn khác. Hàng trăm câu lạc bộ lớn nhỏ và rất nhiều hoạt động ngoại khóa để nâng cao kỹ năng cho SV luôn được nhà trường hỗ trợ hết mình.

Bạn Trần Minh (học cử nhân đào tạo doanh nhân tại Úc) cũng cho biết cứ hai lần trong tuần, nhà trường tạo cơ hội cho các nhà doanh nghiệp thành đạt đến trao đổi với SV. “Tôi học được nhiều ứng xử với những khó khăn rất thực tế trong công việc kinh doanh từ những buổi trao đổi này” – Minh khẳng định.

ĐẶNG TƯƠI – ANH THẢO (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)