Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Khi đường phố là “sàn nhảy”

Tạp Chí Giáo Dục

Mặt đường sình lầy, lồi lõm khiến các phương tiện di chuyển hết sức khó khăn và nguy hiểm. Ảnh chụp tại giao lộ QL1A – An Phú Tây, sáng 30-11

Trong khi sự ám ảnh của rào chắn công trình ở các tuyến đường chưa dứt hẳn thì hiện nay, người tham gia giao thông phải đối mặt với một nguy hiểm mới đó là tình trạng tái lập mặt đường cẩu thả, vô trách nhiệm. Mặt đường bằng thoáng, xe bon bon chạy là hình ảnh dễ thương của một con đường trước khi có công trình. Sau khi công trình xuất hiện và rút đi, mặt đường trở nên “tàn phế”.
Vũ điệu “cà tưng”
Đường Lũy Bán Bích, đoạn từ giao lộ Trịnh Đình Thảo đến Thoại Ngọc Hầu (Q.Tân Phú) được xem là con đường xấu xí nhất hiện nay. “Lô cốt” xếp hàng “mọc” dài chiếm hơn 2/3 diện tích mặt đường khiến các phương tiện khi đi qua đây hết sức khó khăn và nguy hiểm. Vỉa hè hai bên vốn dĩ dành cho người đi bộ nay thành lối đi cho xe máy, mặt đường thì bị băm nát. Vào những khung giờ cao điểm, các phương tiện phải xếp hàng dài, di chuyển lộn xộn. Cũng trên tuyến đường này, ở những đoạn “lô cốt” rút đi thì mặt đường trở nên nham nhở, đầy đá dăm gây nguy hiểm cho người đi đường.
Cũng trên địa bàn Q.Tân Phú, đường Trịnh Đình Thảo, đoạn qua Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, mặt đường xấu đến nỗi “ma chê, quỷ hờn”. Nghịch lý là đường này không tồn tại rào chắn công trình nào. Theo phản ánh của người dân nơi đây, mặt đường thì hẹp nhưng xe tải lớn, nhỏ chạy ngày lẫn đêm khiến con đường bị xuống cấp trầm trọng. Tại các đoạn mặt đường bị lún, các ngành chức năng đổ đá dăm lên nhưng không cán khiến các phương tiện, nhất là xe máy lưu thông rất khó khăn và dễ bị té ngã khi phanh gấp. “Đường vừa nhỏ vừa xấu trong khi xe lại đông, đi trên đường mà cứ nơm nớp sợ té khi nào không hay. Nhiều phụ nữ yếu tay lái là té ngã ”, bạn Trúc My, sinh viên Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM cho biết.
Đường Nguyễn Kiệm thuộc địa bàn Q.Phú Nhuận giáp ranh với Q.Gò Vấp cũng được người dân xếp vào con đường có vũ điệu “cà tưng”. Khi con đường này tiến hành thi công, người dân phải ngán ngẩm vì tiến độ thi công chậm như rùa bò gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt và việc đi lại. Đến nay, việc thi công cơ bản đã hoàn thành, các “lô cốt” đã tháo dỡ nhưng công tác tái lập mặt đường thì vô cùng cẩu thả. Mặt đường nhấp nhô, lồi lõm khiến cho việc lưu thông của người dân rất khó khăn. “Đi trên đường mà tôi cứ ngỡ mình đang cưỡi ngựa. Lâu lâu lại phải lạng xe nếu không muốn bị ê mông. Nhiều xe lấy rác chạy qua đây, đường dằn sốc nên rác rớt xuống đường hoài chứ gì”, chú Tư, một người dân ở khu vực này bức xúc. Đường Phan Đình Phùng, Hồ Văn Huê, Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu… cũng chung số phận với những con đường trên.
Khổ cả đường đi lối về
Có thể nhận thấy, sau khi công trình thi công rút đi thì mặt đường của rất nhiều tuyến đường trở nên nham nhở, chắp vá như manh áo rách. Đi một đoạn người dân lại thấy mặt đường bên thấp bên cao.
Đường Trường Chinh (từ giao lộ Xuân Hồng đến ngã tư Bảy Hiền, Q.Tân Bình), đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ giao lộ Phan Văn Hân đến ngã tư Hàng Xanh, Q.Bình Thạnh)… sau khi được “giải phẫu” thì hiện nay đã trở thành “sàn nhảy” miễn phí cho cả xe 2 và 4 bánh. Điệp khúc kẹt xe tại đây được giải tỏa thay vào đó là sự “giằng xé” của mặt đường bởi sự tái lập chưa hoàn chỉnh của nhà thầu. Trên mặt đường, chỗ nào đào lên thì được trải nhựa cao hơn so với mặt đường cũ nên tạo nên những “sống lưng” trông rất mất mỹ quan. Bên cạnh đó, nhiều nắp cống cũng được thiết kế cao hơn lòng đường từ 1-3cm, nhiều nắp cống thiết kế “dỏm” bị bong tróc phần nhựa đường, tạo nên những rãnh sâu. Các phương tiện khi qua đây đều phải trải qua sự “kiểm tra” về độ nhún của xe từ mặt đường lồi lõm này.
Những tưởng việc thi công, nâng cấp, sửa chữa hệ thống giao thông càng nhiều thì người dân sẽ bớt khổ trong việc đi lại nhưng xem ra điều này chưa đáp ứng được sự mong đợi. Những ngày này, trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn từ giao lộ Nguyễn Văn Linh đến An Phú Tây thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, người dân phải “khóc ròng” vì đường quốc lộ (QL) bị “te tua”. Mặt đường chi chít “ổ gà”, “ổ voi”, ngày nắng bụi mù mịt, trời mưa đường sình lầy.
Điều đáng nói, tại đây tồn tại công trình thi công cầu vượt nên diện tích mặt đường bị thu hẹp khiến cho việc đi lại của người dân càng khó khăn hơn. Sáng 30-11, theo ghi nhận của chúng tôi tại giao lộ này, mặt đường của QL1A ở hai hướng đi về Long An và vòng xoay An Lạc đều dày đặc những “ổ gà” lớn, nhỏ, đường sình lầy vì cơn mưa tối hôm trước, đá dăm của công trình vương vãi khắp nơi. Các phương tiện qua đây phải đi rất chậm và thường xuyên “đánh võng” vì mặt đường lồi, lõm tạo thành hố sâu, nếu đi nhanh rất dễ sụp hố hoặc xảy ra tai nạn. Anh Trần Văn Hoàn, nhà ở chợ Bình Chánh làm việc tại Q.6, ngày nào cũng đi ngang đây bực bội: “Tuần nào cũng vậy, nếu không gặp sình lầy thì cũng bụi mù, đi cũng khổ mà về cũng khổ. Xe đông, đường xấu lại có thêm công trình thì người dân lãnh đủ. Đi trên đường nhưng sao giống như nhảy nhạc dance quá. Đường QL gì mà thua cả đường nông thôn”.
Hiện nay, căn bệnh “lô cốt đi qua, ổ gà ở lại” ở nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa có thuốc đặc trị, khiến người dân phải khổ sở khi lưu thông qua những con đường này. Khi còn “lô cốt” thì còn số điện thoại nên người dân có thể phản ánh trực tiếp với Ban quản lý dự án, nay công trình rút đi, người dân muốn phản ánh cũng không biết gọi cho ai.
Bài, ảnh: Hoàng Thuận

Bình luận (0)