Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Tân Cảng đối mặt áp lực giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Các sở, ngành và chuyên gia lo ngại nếu tăng hệ số sử dụng đất cho khu Tân Cảng sẽ dẫn đến tình trạng căng thẳng về giao thông cho toàn khu vực
Tổng Công ty Tân Cảng đang trình UBND TPHCM xem xét nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 dự án khu phức hợp Tân Cảng Sài Gòn (phường 22, quận Bình Thạnh). Trong đó, đề xuất chuyển đổi công năng 37 ha (trong tổng số 43 ha diện tích toàn khu) sang đất nhà ở, thương mại. Quy mô dân số đề xuất là 16.000 người và hệ số sử dụng đất (hệ số SDĐ) toàn khu là 5. Trong khi đó, theo đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm 930 ha do Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) lập, đã được UBND TP phê duyệt, hệ số SDĐ khu Tân Cảng là 2,5.
Theo các nhà quản lý, nếu tăng hệ số sử dụng đất cho khu Tân Cảng
sẽ tăng áp lực về giao thông cho khu vực, trong đó cócầu Sài Gòn
Ảnh: TẤN THẠNH
Đáp ứng quy chuẩn Việt Nam?
Để có căn cứ đề xuất việc tăng hệ số SDĐ lên gấp đôi, Tổng Công ty Tân Cảng đã thuê 3 đơn vị tư vấn (Công ty HPCI, Công ty Kume Sekkei và Trung tâm Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ GTVT – Trường ĐH GTVT TPHCM) nghiên cứu tổ chức giao thông của dự án. Đơn vị tư vấn mô phỏng mức tăng trưởng phương tiện giao thông cá nhân bình quân là 7%, tính toán năng lực chia sẻ lưu lượng giao thông của tuyến đường ven sông Sài Gòn là 25% và trục Nguyễn Hữu Cảnh là 75%.
 Khi đó, với hệ số SDĐ là 5, hệ số thông hành trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, chiều vào trung tâm là 0,827 và chiều ra trung tâm là 0,898. Hệ số này đáp ứng quy chuẩn Việt Nam. Ngoài ra, đơn vị tư vấn còn đề xuất một số giải pháp điều tiết giao thông trong khu vực, như tổ chức kết nối giao thông trực tiếp với ga metro Tân Cảng đầu cầu Sài Gòn, vừa phục vụ việc giải tỏa luồng giao thông ra vào khu vực dự án vừa là điểm trung chuyển giao thông cho các khu vực lân cận.
 Tuy nhiên, theo tính toán của Sở GTVT, nếu hệ số SDĐ khu Tân Cảng là 5 thì hệ số thông hành chiều vào trung tâm là 1,07 (xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông)  và chiều ra là 0,92 (dòng xe không ổn định, đường làm việc ở trạng thái giới hạn, bất kỳ trở ngại nào cũng gây kẹt xe). Trong cuộc họp Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch mới đây, ông Trương Trung Kiên, Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch khu trung tâm thuộc Sở Quy hoạch – Kiến trúc, cho rằng hệ số làm việc cần tính toán cả 2 đầu ở phía cầu Sài Gòn và đường Tôn Đức Thắng, bảo đảm hệ số làm việc tại các điểm có nguy cơ ùn tắc không quá 0,8.
 Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc, đề nghị cần phải nghiên cứu một cách tổng thể về định hướng mạng lưới giao thông các khu vực có liên quan trên cơ sở tích hợp đồ án quy hoạch khu trung tâm 930 ha, quy hoạch chung các quận 1, 2, Bình Thạnh và quy hoạch chung TP đã được Thủ tướng phê duyệt.
Cần cân nhắc
Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Hội KTS TPHCM, nhận xét: Tổng Công ty Tân Cảng chỉ đo và tính toán trên 2 đầu ra – vào trục Nguyễn Hữu Cảnh, trong khi Nikken Sekkei đo và tính tại 7 điểm trong hệ thống giao thông toàn khu vực. Ngoài ra, hệ số SDĐ thực tế là 2,18 và chỉ được nâng lên 2,5 trong tầm nhìn tương lai, nếu TP đã hoàn thiện các dự án kết nối giao thông: các tuyến metro, hệ thống giao thông công cộng để giảm bớt phương tiện cá nhân…
 Hiện nay, các dự án giao thông vẫn chưa hoàn thành. TP có 2 nút giao thông đang căng thẳng nhưng chưa có phương án tháo gỡ: Đinh Tiên Hoàng – Điện Biên Phủ và Nguyễn Hữu Cảnh – Tôn Đức Thắng – Đinh Tiên Hoàng. Việc tăng gấp đôi hệ số SDĐ cũng đồng nghĩa với việc Tổng Công ty Tân Cảng hoặc UBND TP phải đầu tư thêm các dự án giao thông để kết nối trong nội bộ khu vực với toàn TP. Tuy nhiên, ngân sách TP không kham nổi giải pháp này!
PGS-TS Phạm Tứ, Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc TPHCM, cho biết cách tính toán của Công ty Nikken Sekkei và Tổng Công ty Tân Cảng về cơ bản là giống nhau, chỉ khác ở số liệu đầu vào nên mới ra kết quả chênh lệch lớn. Số liệu đầu vào của Tổng Công ty Tân Cảng chỉ tính trong phạm vi cục bộ khu Tân Cảng và tại thời điểm ảnh hưởng suy thoái kinh tế, mật độ giao thông tạm thời giảm… nên số liệu chưa thuyết phục, trong khi số liệu tính toán của Nikken Sekkei dựa trên hệ thống giao thông của khu vực, cũng như trong kết nối với tổng thể hệ thống toàn TP nên độ tin cậy cao. “Muốn giải bài toán quy hoạch, phải nhìn tổng thể và toàn diện. Không chỉ giao thông, khá nhiều yếu tố khác cũng phải được nghiên cứu đến nếu muốn điều chỉnh hệ số SDĐ” – PGS-TS Tứ nói.
TS-KTS Lê Văn Năm, nguyên KTS trưởng TP, cho rằng việc tăng hệ số SDĐ khu Tân Cảng phải được tính hết sức kỹ lưỡng và thận trọng; đặc biệt cần nghiên cứu, bổ sung nhiều giải pháp giao thông vì đây là một trong những khu vực đang căng thẳng giao thông của TP. Tuy nhiên, về quan điểm cá nhân, TS-KTS Năm cho rằng nên giảm bớt mật độ tập trung thương mại – dịch vụ ở đây để giảm xe cộ và dòng người đổ về thay vì tăng thêm. Bởi lẽ, so với các vị trí khác khu bờ Tây sông Sài Gòn, hệ số SDĐ ở đây quá cao. Hơn tất cả, đồ án khu 930 ha đã được phê duyệt và đây là cơ sở pháp lý cao nhất cần được tôn trọng và chấp hành.
4 khu chức năng chính
Theo thông tin Tổng Công ty Tân Cảng đưa ra để kêu gọi đầu tư vào dự án khu Trung tâm Phức hợp Tân Cảng Sài Gòn, dự án gồm 4 khu chức năng chính:  khu dân sinh (dân số từ 19.000 – 22.000 người)  cung cấp các căn hộ cao cấp có tầm nhìn ra sông Sài Gòn; khu thương mại – dịch vụ cung cấp các văn phòng làm việc hoạt động theo cơ chế tòa nhà thông minh và  khu khách sạn cao cấp 5 sao; khu giải trí gồm khu tổ hợp mua sắm tại tầng hầm và trên mặt đất, lối đi bộ dọc sông Sài Gòn, các khu dịch vụ ẩm thực, khu biểu diễn văn hóa, các câu lạc bộ du thuyền và các khu dịch vụ vui chơi giải trí khác; cuối cùng là khu giáo dục – y tế.
Theo NLĐ
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)