Nhà văn Thúy Ái (bìa phải) cùng bạn bè là những nhà tâm lý. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Là nhà văn, nhà giáo, nhà báo, gần đây Nguyễn Thúy Ái còn được nhiều người biết đến với vai trò một nhà tâm lý. Dù tuổi đã “về chiều” nhưng nhà văn vẫn khao khát được đi để viết và “nói”…
PV: Người ta thường nói, khi cuộc sống của một nhà văn có nhiều sóng gió thì mới viết tốt, viết hay. Nhà văn nghĩ sao?
Nhà văn Nguyễn Thúy Ái: Tôi thì ngược lại. Thời tiểu học, tôi học ở một làng quê đẹp đẽ, núi sông cận kề. Lên trung học, tôi học ở hai trường công lập “xịn” nhất của tỉnh Quảng Ngãi là Trường Nữ Trung học và Trường Trần Quốc Tuấn, được theo phân ban đúng năng khiếu của mình là ban C. Mơ ước đầu tiên của tôi là trở thành một cô giáo và nhà văn. Đậu tú tài xong, tôi thi vào Khoa Văn, Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn. Tôi đã trải qua những tháng ngày hạnh phúc, trong veo…
Các nhân vật trong truyện ngắn của nhà văn thường rất “quậy”. Có phải chăng nhân vật ấy là Thúy Ái của ngày xưa?
– Dù sinh ra trong thời buổi đất nước còn chiến tranh, nhưng tôi rất hạnh phúc vì được đến trường, những trò chơi thời đi học là kỷ niệm đẹp nhất của tuổi thơ tôi. Thật ra, những gì nhà văn viết hay bút pháp của họ đều phản ánh một phần nào đó con người của họ, đôi khi muốn che giấu cũng không được, dù “láu cá” đến đâu cũng bị lộ (cười).
Nhà văn có thể chia sẻ những kỷ niệm vui buồn trong công việc?
– Từ nhiều năm nay, tôi tạm ngưng việc đi dạy, một nghề mà tôi rất tâm huyết để dồn sức cho việc viết lách. Với tôi, viết là sự đam mê. Được viết truyện ngắn về một đề tài mà mình ấp ủ, truyền đi những thông điệp mình khao khát hay viết một bài báo mình trăn trở, bức xúc với tôi đều là niềm vui lớn. Ngay cả khi người ta cố ý xuyên tạc, bóp méo (như đã từng), tôi cũng không buồn vì văn chương đích thực chỉ dành cho những đầu óc trong trẻo, tiếp cận với nó bằng một tâm hồn “sạch”, tận tụy, công bằng, chứ không phải đọc phơn phớt rồi kết luận theo thiên kiến…
Được biết, thời gian gần đây nhà văn còn tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về tâm lý, hôn nhân gia đình… Cơ duyên nào đưa nhà văn đến với nghề “tay trái” này?
– Gần đây tôi có thêm nghề “nói” bên cạnh nghề “viết”. Tôi không xem đó là nghề “tay trái” mà là một bông hoa được cuộc sống ban tặng. Vì thế tôi luôn gìn giữ, nâng niu nghề mới này. Đầu tiên là các đài truyền hình, đài phát thanh mời tôi nói chuyện chuyên đề, dần dần đến các cơ quan văn hóa, trường học, hội quán, các tổ chức xã hội… Đi nói chuyện có nhiều cái lợi cho người cầm bút. Đi với công nhân tôi hiểu công nhân, trò chuyện cùng học sinh tôi hiểu thêm học sinh, đến với phụ nữ những vùng xa giúp tôi có thêm sự đồng cảm với những mảnh đời chịu nhiều thiệt thòi. Tôi muốn tiếp xúc với tất cả mọi người, vì khao khát của tôi là hiểu thêm về con người.
Cùng một lúc làm nhiều “nhà” nhưng nhà văn vẫn làm tốt vai trò của một người mẹ, người vợ, hẳn nhà văn có “bí quyết”?
– Thời buổi này ai cũng bận, nhưng tôi tin rằng ai cũng có đủ thời gian để làm những việc mình thích. Tôi cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày, ngoài công việc chính của một phụ nữ là lo cho chồng con, đi chợ nấu ăn, thực hiện những kế hoạch của gia đình… tôi vẫn còn đủ thời gian để tham gia các cuộc họp hay hội thảo. Ngay cả những dịp đi tư vấn gần cả tháng, tôi vẫn ngủ đủ giấc, tập thể dục mỗi sáng. Đó là do tôi sắp xếp công việc một cách khoa học cũng như được sự chia sẻ của chồng và các con.
Có người bảo nhà văn Nguyễn Thúy Ái tuổi đã xế chiều nhưng rất hiện đại, nhà văn nghĩ sao?
Tôi có hơi bị… hiện đại thật. Nhờ các con mà tôi mới được vậy. Tôi sợ bị chúng chê lạc hậu nên phải học để theo kịp con cái. Thật ra, nhiều khi tôi cũng không nhớ mình đang ở vào “buổi nào” của cuộc đời! Xế, trưa, chiều hay tối? Tôi thấy bạn bè cùng lứa có nhiều người đã bước vào buổi tối, có người thì vẫn đang trưa, hừng hực… nắng, chẳng lẽ tôi lại chui vào buổi chiều cho… mát? Tôi cứ sống như những gì đang diễn ra trong tâm cảnh của mình. Tôi vốn sợ những gì cũ kỹ, nhàm chán, lạc hậu nên phải “nhích” theo thời cuộc…
Xin cảm ơn nhà văn!
Trần Trọng Tri
Bạn đọc trong và ngoài nước biết đến tên Nguyễn Thúy Ái qua nhiều truyện ngắn dễ thương tuổi học trò như Sông chiều nước cuốn, Mẹ và con trai, Đôi lứa, Xó bếp quê nhà… Những truyện ngắn, tuyến nhân vật mà tác giả xây dựng đôi lúc toát lên cái “quậy” hết ga nhưng đôi khi cũng nghiêm khắc đến lạnh lùng… |
Bình luận (0)