Năm 18 tuổi đã tốt nghiệp ĐH Sư phạm, hơn nửa thế kỷ làm thầy, GS.TS Nguyễn Lân Dũng đã có những kỷ niệm rất mực sâu sắc với nghề giáo. Với ông, 20/11 là một ngày rất đặc biệt. Ngày để ông tri ân những người thầy giỏi giang và mẫu mực…
Dưới đây là tâm sự của GS Nguyễn Lân Dũng khi ngày 20/11 của năm 2009 đang cận kề:
Tôi có lẽ là một trong số rất ít người đã học qua 4 Trường Sư phạm (Sư phạm Sơ cấp Việt Bắc, Sư phạm Sơ cấp Khu học xá Nam Ninh, Sư phạm Trung cấp Khu học xá Nam Ninh, Đại học Sư phạm Khoa học Hà Nội). Tôi cũng có lẽ là người trẻ nhất (cùng anh Nguyễn Văn Hiệu) tốt nghiệp Đại học Sư phạm khi chỉ mới 18 tuổi.
Vì còn quá trẻ nên tôi được phân công về dạy ở Trường Trung cấp Nông lâm Trung ương. Không ngờ đây là nơi toàn cán bộ đi học. Nhiều học sinh của tôi hồi ấy (Khóa III) về sau trở thành các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước (Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư tỉnh ủy…).
Sau một năm tôi được điều về Trường Đại học Tổng hợp và tham gia giảng dạy tại đấy từ Khóa I đến ngày về hưu (trên nửa thế kỷ), sau đó tôi tiếp tục tham gia công tác đào tạo Tiến sĩ và chỉ đạo nghiên cứu khoa học với tư cách là Chuyên gia cao cấp của Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nôi. Con đường hướng tôi đến ngành sư phạm chính là do quá trình đào tạo này.
GS Nguyễn Lân Dũng tại Bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật Hoa Kỳ (ATCC)
Ngày 20 tháng 11 trước đây là ngày Kỷ niệm Hiến chương các Nhà giáo, về sau được Chính phủ quyết định chuyển thành ngày Nhà giáo Việt Nam. Ngày 20 tháng 11 có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Trước hết đó là ngày tôi nghĩ đến công lao của các thày cô giáo đã có công tận tụy dạy dỗ chúng tôi qua các cấp, tôi viết thư hay đến tận nhà để chúc mừng. Tiếc thay, cho đến hôm nay số thầy cô dạy lớp chúng tôi không còn đủ số lượng đếm trên các ngón của một bàn tay!
Tôi rất tâm đắc với suy nghĩ của người bạn học suốt cấp 2 và cấp 3 với tôi – nhà văn Ma Văn Kháng – trong cuốn hồi ký mới xuất bản anh đã viết: Lâu nay khi nói về đào tạo nhân tài, theo như tôi hiểu các nhà giáo dục cách tân thường nhấn mạnh quá đáng đến việc phát huy tính tích cực của học sinh. Tôi nghi ngờ điều này. Trước sau tôi vẫn đinh ninh: Tất cả là từ ông thày. Đối với tôi thì đúng là như vậy.
Lớp chúng tôi may mắn ngay từ bậc phổ thông đã được học với các thày giáo giỏi giang và mẫu mực, đó là các thày Hoàng Tụy, Lê Bá Thảo, Trần Văn Khang, Trần Văn Giáp, Hoàng Như Mai, Nguyễn Hữu Tảo…
Lên Đại học khi mới giải phóng Thủ đô các thầy giáo của chúng tôi (Dương Hữu Thời, Đào Văn Tiến, Lê Khả Kế, Nguyễn Văn Chiển, Lê Quang Long, Trương Cam Bảo…) đã phải tự học cấp tốc tiếng Nga (qua sách tiếng Pháp) để có thể chuyển tải các kiến thức mới nhất trong các giáo trình biên soạn rất nhanh để dạy cho chúng tôi. Các thầy là tấm gương tự học, tấm gương yêu khoa học, tấm gương đạo đức nghiêm túc còn mãi trong tâm trí mỗi chúng tôi mặc dầu hầu hết các thầy đã về cõi vĩnh hằng.
Tôi được phân công dạy môn Vi sinh vật học – một chuyên ngành tôi chưa biết một chữ nào (!). Noi gương các thầy, tôi đã tự học một lúc hai ngoại ngữ để dịch sách và tìm đến các giáo sư bên trường Y để học hỏi thêm (các GS Đặng Văn Ngữ, Hoàng Tích Mịnh, Trần Thị Ấn) dù đó là các GS chỉ chuyên sâu về y học.
Trên nửa thế kỷ dạy học có biết bao nhiều kỷ niệm. Cũng mừng hầu hết là các kỷ niệm vui chứ hầu như không có những kỷ niệm buồn. Tôi ghi nhớ lời khuyên của GS Đặng Văn Ngữ: Dạy Đại học em phải chú ý đến ba điều: học ngoại ngữ, tham gia nghiên cứu khoa học và từng bước xây dựng sách giáo khoa. Tôi vui mừng đã làm theo được ba lời khuyên này.
Tôi không được đào tạo ở nước ngoài nhưng có thể tham khảo được sách vở với 4 ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Hoa), tôi đã xây dựng được đơn vị nghiên cứu ngày một vững mạnh (từ Phòng nghiên cứu chuyên đề cấp Trường, đến Trung tâm nghiên cứu cấp Bộ, đến Viện nghiên cứu cấp Nhà nước). Tôi đã đưa Hội Vi sinh vật học và Bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật tham gia được vào các hệ thống quốc tế (IUMS và WFCC).
Tôi và các đồng nghiệp đã xây dựng được Giáo trình Vi sinh vật học dùng chung cho nhiều trường Đại học, mặc dù đã được tái bản nhiều lần nhưng gần đây chúng tôi viết mới lại hoàn toàn theo các tài liệu tham khảo gần đây nhất.
Mỗi năm đến ngày Nhà giáo Việt Nam tôi lại tưởng nhớ đến các thầy cô giáo đã góp phần đào tạo tôi mà phần lớn đã trở thành người thiên cổ. Tôi rất vui sướng thấy nhiều sinh viên mà tôi góp phần đào tạo đã có nhiều cống hiến xứng đáng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Càng hạnh phúc hơn khi thấy lớp sinh viên trẻ hiện nay ngày càng đông đảo, ngày càng có cơ hội và điều kiện học tập tốt hơn rất nhiều so với thế hệ chúng tôi.
Một cuộc chuyển giao thế hệ đã trở thành hiện thực. Bắt đầu hình thành một đội ngũ trí thức trẻ có kiến thức hiện đại đang chuẩn bị cho sự nghiệp xây dựng một xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sau năm 2020. Tôi tin tưởng những tồn tại, bất cập trong giáo dục sẽ sớm được khắc phục và giáo dục sẽ được chấn hưng nhanh chóng như mong muốn của nhân dân cả nước.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng
DÂN TRI
Bình luận (0)