Ngành du lịch Đà Nẵng và cả nước đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực nhất là đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) các tiếng: Hàn Quốc, Nhật Bản…
Du khách nước ngoài tới Hội An (Quảng Nam) ngày càng nhiều, trong khi ngành du lịch đang thiếu hướng dẫn viên. Ảnh: Nguyễn Huy. |
Theo ông Cao Trí Dũng – Phó TGĐ Cty Du lịch Việt Nam Vitours kể từ khi đường bay trực tiếp Đà Nẵng – Nhật Bản được khởi động (tháng 5 – 2009), lượng du khách Nhật sang Đà Nẵng, Việt Nam tăng cao. Đặc biệt kể từ ngày
15 – 12 – 2010, đường bay trực tiếp từ Tokyo đến Đà Nẵng đã chính thức được khai thác với tần suất 7 chuyến/tuần mở ra triển vọng mới cho ngành du lịch về lượng khách quốc tế. Do vậy, đội ngũ HDV du lịch tiếng Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Tây Ban Nha… thiếu trầm trọng.
Chỉ tính riêng thị trường Đà Nẵng, đơn vị có 30 – 40 HDV du lịch ngành tiếng Nhật nhưng phải cần thêm 20–30 HDV nữa mới đủ đáp ứng, nhưng chưa thể tìm ra nguồn tuyển. Tương tự, những ngành tiếng hiếm Tây Ban Nha, Nga, Thái Lan, ngay cả HDV tiếng Pháp cũng thiếu một lượng không nhỏ.
Vitours Đà Nẵng hiện chưa có HDV tiếng Hàn nào. Trường hợp các đoàn khách Hàn Quốc đến tham quan du lịch, phải tăng cường đội ngũ HDV từ Sài Gòn, Hà Nội tiếp ứng. Ông Đinh Văn Lộc – GĐ Cty du lịch Vietda Travel (Đà Nẵng) cho biết, lượng khách Hàn đến miền Trung thời gian qua tăng mạnh, đặc biệt khi có đường bay thẳng đưa khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng. Tuy vậy, Cty vẫn phải thuê HDV tiếng Hàn từ TP HCM ra, mức phí trả là 100USD/ngày, rất đắt đỏ…
Theo Bộ VH-TT&DL: Năm 2010, Việt Nam đón 5,5 triệu lượt khách quốc tế và 25 triệu lượt khách nội địa, ngành du lịch đã phải huy động 1,4 triệu lao động để phục vụ du khách, trong đó lao động trực tiếp khoảng 350 ngàn người. Với tỷ lệ tăng bình quân mỗi năm là 8,5%, con số tương ứng dự báo vào năm 2015 cần có 505 ngàn người trong ngành du lịch, đến năm 2020, cả nước sẽ cần 870 ngàn lao động trực tiếp.
|
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư, tập đoàn Hàn Quốc tại Đà Nẵng, miền Trung gia tăng khiến nhu cầu người biết tiếng Hàn tại các công ty, doanh nghiệp tăng lên trông thấy. Cụ thể như Tập đoàn Daewon với dự án khu đô thị lấn biển Đa Phước, tập đoàn Đầu tư và Phát triển K.I.D với dự án Blooming Tower 37 tầng…
Ông Phan Đình Khôi – Văn phòng LG Cable tại Đà Nẵng cho biết, để có thể vận hành tốt dự án rất cần người Việt giỏi tiếng Hàn, văn hóa Hàn để làm việc, trao đổi với chủ đầu tư, nhà quản lý người Hàn. Trong khi đó, nguồn nhân lực như vậy ở Đà Nẵng rất thiếu, nhiều lúc cần phiên dịch tiếng Hàn có chất lượng tìm mỏi mắt không ra…
Theo báo cáo của Sở KH-ĐT Đà Nẵng, đến năm 2012, dự kiến trên địa bàn thành phố có thêm khoảng 45 dự án du lịch với 7.000 phòng và có nhu cầu cần tới 8.000 lao động về du lịch.
Hiện nhiều trường ĐH tăng cường mở thêm ngành đào tạo cử nhân du lịch – dịch vụ để đáp ứng nhu cầu nhân lực như trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, ĐH Đông Á, Duy Tân (Đà Nẵng) hay các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế… Tuy nhiên, nguồn thí sinh rất hạn chế.
Theo Ban đào tạo ĐH Đà Nẵng, trong kỳ tuyển sinh 2010, ngành cử nhân tiếng Thái Lan, cử nhân tiếng Nga dù chỉ có 35 chỉ tiêu nhưng vẫn phải “đóng cửa” vì thiếu thí sinh. Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng cũng cho hay: Các ngành cử nhân tiếng Pháp, cử nhân tiếng Pháp du lịch, cử nhân tiếng Trung, cử nhân tiếng Trung thương mại phải tuyển NV2 mới đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, điểm chuẩn những ngành này những năm qua khá mềm.
Nguyễn Huy/ TPO
Bình luận (0)