Sinh viên một số trường đại học ở Canada sẽ được trả lại học phí nếu sau khi tốt nghiệp không có việc làm (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
|
Một số trường ĐH ở Canada đã cam đoan hoàn trả học phí cho sinh viên (SV) nếu sau khi tốt nghiệp họ không có việc làm.
Khi còn ở tuổi vị thành niên, cô Carlie Deneiko mơ được chu du khắp thế giới. Nhưng khi trưởng thành, cô đã thay đổi ý kiến. Cô nói: “Tôi muốn sống ổn định nên điều quan trọng nhất đối với tôi bây giờ là có một việc làm”. Năm nay Carlie Deneiko 20 tuổi, học ngành sư phạm tại Trường ĐH Regina ở Saskatchewan. Nhưng Carlie Deneiko không phải lo lắm, vì việc làm của cô đã được bảo đảm. Cô nằm trong số 355 SV đăng ký học chương trình UR Guarantee của Trường ĐH Regina, một chương trình đảm bảo cho SV một công việc theo đúng chuyên môn sáu tháng sau khi họ tốt nghiệp. Nếu không thực hiện đúng, nhà trường sẽ cung cấp cho họ một năm học bổ sung. Ngoài ra, chương trình UR Guarantee còn có một điểm hấp dẫn khác, đó là kỳ thực tập. Và chính năm học miễn phí này đã hấp dẫn Carlie Denneiko đăng ký học.
Từ khi tung ra chính sách tuyển sinh này (từ tháng 11 năm 2010), Trường UR Guarantee đã gặt hái thành công đặc biệt. Ông Vianne Timmmons – Hiệu trưởng nhà trường nói: “Sau khi nghiên cứu xu hướng của SV, chúng tôi thấy rằng đối với họ tấm bằng chỉ là “bục nhảy” để kiếm một chỗ làm”.
Trường ĐH Regina không phải là trường duy nhất đảm bảo việc làm. Sainte-Anne, một trường ĐH nhỏ của Church Point (ở Nouvelle Écosse) cũng đảm bảo hoàn học phí cho SV sư phạm và thương mãi nếu sau bốn tháng không bố trí được việc làm cho họ. Rất nhiều trường không thống kê được có bao nhiêu SV tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên môn. Theo khẳng định của bà Indira Samarase-kera, Hiệu trưởng Trường ĐH Alberta: “Nếu SV không có việc làm, chứng tỏ người tuyển dụng đánh giá SV không đủ khả năng”.
SV tốt nghiệp ĐH có mức lương cao hơn các đối tượng khác 75%. Theo thống kê, từ năm 1999 đến năm 2009, số việc làm cho đối tượng này tăng từ 1,9 đến 4,2 triệu. Cũng trong giai đoạn này việc làm cho những người chỉ có bằng trung cấp hoặc thấp hơn giảm 1,1 triệu.
Trường ĐH Ryerson ở trung tâm Toronto đã lên danh sách chính xác những SV có việc làm không theo đúng chuyên môn và theo đúng chuyên môn của mình. Điều này rất cần vì từ những thông tin đó người ta cấu trúc được việc đào tạo. Nói cách khác, thị trường việc làm quyết định nội dung chương trình, tổ chức thực hiện chương trình (cấu trúc khoa, ban…), việc tuyển sinh… Lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ Ontario cho biết, mục tiêu đào tạo của trường là làm cho SV tốt nghiệp đáp ứng xuất sắc thị trường việc làm. Nhiều trường ĐH còn đi xa hơn theo xu hướng đó như ĐH Waterloo (thành lập năm 1957) đưa ra “chương trình hợp tác”, theo đó SV vừa học vừa thực tập ở nhà máy. Hiện nay trường này đứng đầu thế giới về mô hình học tập này. Trong khi đó Trường ĐH Sherbrooke ở Québec, từ 45 năm nay lại đề ra chương trình có tên “co-op”. Ông Denis-Robert-Elias, phụ trách công tác thực tập và bố trí SV nói: “Các nhà tuyển dụng rất thích chọn những SV học theo chương trình co-op của chúng tôi, vì họ biết rằng các SV này đã có ít nhất một năm kinh nghiệm làm việc”. Ông Lloyd Axworthy, Hiệu trưởng Trường ĐH Winnipeg (Manitoba), tọa lạc tại một vùng có nhiều sắc dân và người nhập cư (gọi chung là người Canada mới) nói: “Trường chúng tôi là một trường cộng đồng, mở rộng cửa đón thanh niên đủ mọi nguồn sắc tộc trong tinh thần hòa nhập thực sự”. Năm vừa qua trường đã kết nghĩa với Trường Trung học Kỹ thuật Winnipeg để SV được tham quan, tìm hiểu, thực tập trong những lĩnh vực như tin học, thương mãi, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn. Nhưng không phải ai cũng nghĩ rằng “mục tiêu của ĐH là đáp ứng nhu cầu của thị trường việc làm”. Ông Daniel Brandes, người phụ trách việc cấu tạo chương trình của Trường ĐH King’s College ở Halifax (Nouvelle-Écosse) nói: “Mục đích của giáo dục là dạy cho con người biết tư duy”. Theo đó, chương trình học do ông soạn ra cho 300 SV năm nhất gồm việc “khám phá những tác phẩm của Platon, của Saint Augustin hay là của Dante” dựa theo một danh sách giáo trình có tính mẫu mực cổ điển và sau đó là những công trình nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của những giáo sư nổi tiếng. Ông Daniel Brandes khẳng định: “Chúng tôi không nhất thiết phải lấy yêu cầu của thị trường việc làm mục tiêu của giáo dục. Nhưng SV của chúng tôi một khi đã trang bị được phương pháp tư duy đúng, chúng sẽ biết làm gì, làm như thế nào…”.
Dù còn có những ý kiến cần làm sáng tỏ, tranh luận nhưng những nhà sư phạm và khoa học hàng đầu đều thống nhất một điểm: “Dù giáo dục có lấy yêu cầu của thị trường làm mục tiêu hay không thì những kỹ năng như đọc, viết, phương pháp suy luận và đầu óc phê phán vẫn là những điều mà SV dứt khoát phải được trang bị và thực hành tốt”.
Ông Bordessa, Giám đốc Viện ĐH Công nghệ Ontario nói: “Người ta không thể thành công trong thế giới hiện đại nếu không có kiến thức về những giá trị phổ quát, là đặc điểm không thay đổi của một nền giáo dục ĐH”.
(Theo Courrier international)
Phan Thanh Quang
Bình luận (0)