Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Mỹ: Thành lập trường cao đẳng Hồi giáo đầu tiên

Tạp Chí Giáo Dục

Cô giáo Souhad Zendah đang giảng dạy tại một lớp học Trường Zaytuna

Tại vùng Berkley thuộc bang California, có thể một trường cao đẳng mới được mở ra vào mùa hè này với khẩu hiệu “Nơi gặp gỡ của người Mỹ đạo Hồi”. Đó sẽ là Trường Cao đẳng Zaytuna.
Chuyển tiếp từ Viện Zaytuna – một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận được thành lập từ năm 1996 với sứ mệnh cung cấp các chương trình giáo dục hiện đại, có chất lượng cho những người theo đạo Hồi sống tại Mỹ.
Hiện Zaytuna đang tìm cách để được công nhận là Trường Cao đẳng Hồi giáo đầu tiên tại Mỹ. Quá trình để được công nhận này có thể kéo dài đến vài năm nhưng sau đó, sinh viên của trường sẽ dễ dàng hơn để nhận được các khoản viện trợ tài chính của Chính phủ và nền giáo dục của họ cũng được đánh giá cao bởi các nhà tuyển dụng. Mùa hè này, Trường Zaytuna tổ chức các lớp học đầu tiên như một bước chuẩn bị cho việc khai giảng vào mùa thu. Nếu ai đó có nhã ý muốn đến thăm trường, điều đầu tiên sẽ nhận thấy là vẻ đẹp của khuôn viên – đủ tiêu chuẩn của một trường cao đẳng tại California. Còn việc giảng dạy của trường, bên cạnh nhấn mạnh các chuyên ngành giáo dục chung như lịch sử nước Mỹ, triết học, văn học, khoa học chính trị… thì Trường Zaytuna dành phần lớn chương trình để giảng dạy đạo Hồi và kinh Koran.
Tuy nhiên, ý tưởng thành lập một trường cao đẳng Hồi giáo – với các nguyên tắc của đạo Hồi đầu tiên tại nước Mỹ đã dấy lên những làn sóng nhiều chiều trong dư luận.
Kể từ sự kiện ngày 11-9-2001, khi Mỹ bị lực lượng Al-Qaida tấn công khiến người dân nước này “ăn sâu” một mối nghi ngờ về đạo Hồi. “Bởi vì bạn thường nghe nói đến những vụ tấn công của những phần tử cực đoan, quá khích… Tôi nghĩ rằng đó là lý do tại sao việc thành lập Trường Cao đẳng Zaytuna là rất quan trọng!” – giáo sư Zaid Shakir, cũng là người sáng lập Viện Zaytuna cho biết.
Thực chất, ở Mỹ đã xuất hiện nhiều trường đại học, cao đẳng được thành lập với các tôn giáo khác nhau. “Những trường như Đại học Harvard, Yale hay Princeton có nguồn gốc từ các giáo phái tôn giáo”, tiến sĩ Michael Higgins – người nghiên cứu mối quan hệ giữa tôn giáo và giáo dục khẳng định. Tuy nhiên, tiến sĩ Higgins lại tỏ rõ sự e ngại quanh việc thành lập một trường cao đẳng tuân thủ theo đạo Hồi – một giáo phái vốn in đậm trong nhận thức nhiều người là một tôn giáo không bao giờ biết khoan nhượng.
Nhưng giáo sư Shakir cho biết, con số người Mỹ không đồng tình chỉ chiếm thiểu số, trong khi đó kế hoạch này lại bị phản đối gay gắt bởi chính một nhóm nhỏ phần tử cực đoan trong cộng đồng Hồi giáo. Theo ông Shakir, hầu hết ý kiến cho rằng giáo dục cần xua tan những ám ảnh sai lầm, không tốt về đạo Hồi và sự bình đẳng của mọi công dân trong vấn đề nghề nghiệp, việc làm cũng như tham gia vào các phong trào chung của cộng đồng cần phải được xem xét. Ông tin rằng nhu cầu kết hợp giữa văn hóa Mỹ với tín ngưỡng đạo Hồi của người Mỹ theo đạo là cần thiết: “Khi dạy trẻ, người lớn phải hiểu tầm quan trọng của một sự cân bằng giữa đức tin và đất nước của họ. Vậy nên Trường Zaytuna đang chuẩn bị cho họ hành trang để thành công trong thế giới hiện đại”. Còn Dustin Craun, một thanh niên người Mỹ vừa tốt nghiệp cử nhân đại học nói: “Vẻ đẹp thực chất của kiến thức Hồi giáo chính là sự cân bằng giữa tâm trí và linh hồn – trái tim của con người”. Đó là lý do mỗi khi kết thúc một ngày học, ông Shakir thường cầu nguyện cho sự thành công của các học viên – những sinh viên sẽ tốt nghiệp khóa đầu tiên tại Trường Cao đẳng Hồi giáo đầu tiên của Mỹ.
Hiện tại, các yêu cầu để thành lập đang được Zaytuna đáp ứng. Vấn đề chỉ còn thuộc về các tổ chức công nhận giáo dục đại học Mỹ.
(Theo VOANews.com)
Ngân Du

Bình luận (0)